Thầy Nguyễn Thanh Thống hướng dẫn TS lớp 12 Trường THCS-THPT Trí Đức ôn tập môn lịch sử |
Môn lịch sử vốn được nhiều thí sinh (TS) coi là khó “nuốt” vì có quá nhiều số liệu, dữ kiện. Nhiều TS còn mặc định đây là môn phải học thuộc bài nên áp lực học và ôn tập càng nặng nề. Thầy Nguyễn Thanh Thống, Tổ trưởng bộ môn sử – địa Trường THCS-THPT Trí Đức, đã chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp ôn tập môn này.
Theo thầy Thống, TS cần xây dựng kế hoạch ôn tập ngay sau khi kết thúc học kì II. Kế hoạch đó phải thật chi tiết, cân đối giữa các bài lịch sử thế giới và Việt Nam để TS có thể dựa vào đó định lượng ôn bao nhiêu bài/ tuần, đồng thời nắm vững nội dung chính của từng bài qua hệ thống câu hỏi. Kế hoạch của tuần nào phải cố gắng kết thúc trong tuần đó, học bài nào chắc bài đó, học xong bài này rồi mới đến bài khác, phải trở lại ít nhất là hai lần trong quá trình ôn thi, kiến thức sẽ được khắc sâu hơn.
Bám sát SGK và chuẩn kiến thức
Đối với môn lịch sử, TS cần xây dựng đề cương ôn tập bám sát SGK và chuẩn kiến thức lớp 12 thông qua hệ thống câu hỏi rất cụ thể trong từng bài học. Bên cạnh đó, TS nên kết hợp với việc tham khảo các đề thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây để tập làm quen với cấu trúc và dạng đề thi. Riêng với những TS thi ĐH, CĐ khối C nên đọc thêm SGK lịch sử lớp 12 chương trình nâng cao để bổ sung thêm kiến thức và tìm hiểu đề thi đại học các năm trước .
Khi ôn tập, TS cần học đều tất cả các bài trong SGK, phải nhớ tên từng bài và mỗi bài có nội dung gì. Đồng thời, TS nên hệ thống các sự kiện lại với nhau để dễ hiểu bài, nhớ lâu và tránh được “hiện tượng” học tủ, học lệch. Ví dụ: Trong bài 13 Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ năm 1925-1930. Xâu chuỗi các sự kiện có tính hệ thống lại với nhau như: Sự ra đời và hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên -> sự phân hóa cho ra đời 3 tổ chức cộng sản đầu tiên ở VN năm 1929 -> 3 tổ chức cộng sản ra đời hoạt động riêng rẽ yêu cầu phải hợp nhất thành một Đảng duy nhất -> Hội nghị thành lập Đảng CSVN và Nguyễn Ái Quốc thông qua chính cương và sách lược vắn tắt của Đảng -> ý nghĩa của sự thành lập Đảng…
Một trong những hạn chế của nhiều TS hiện nay thường rơi vào khâu viết và nhớ các sự kiện, đặc biệt khi trình bày những sự kiện cơ bản và thuật ngữ lịch sử. Thường thì các em hay nhầm lẫn giữa tiến công chiến lược, tiến công và nổi dậy, chiến thắng quân sự, đấu tranh chính trị, lẫn lộn giữa từ “chiến đấu”, “khởi nghĩa” với “chiến tranh”. Vì vậy, trong quá trình ôn bài phải luôn chú ý để tránh sai sót. Ngoài ra, các em cũng nên đặt nhiều câu hỏi với nhiều dạng khác nhau như trình bày, nêu khái quát tóm tắt. Ví dụ: Trình bày phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam (1959-1960)? Nêu nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa…; hoặc Vì sao, tại sao (dạng giải thích) như: Vì sao trong thời kỳ 1961-1965 Mỹ thực hiện chiến lược chiến tranh đặc biệt ở miền Nam?…; hoặc dạng phân tích như: Phân tích ý nghĩa sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam?…
Khi học bài, TS nên lập dàn bài chi tiết hoặc trình bày theo dạng sơ đồ kiến thức để dễ học và hiểu bài. Tuy nhiên, cũng có những nội dung cần phải học thuộc, đó là các sự kiện mang tính bước ngoặt như Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập (2-9-1945), ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), giải phóng Sài Gòn, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng (30-4-1975), Đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương, diễn biến Cách mạng tháng tám. Các chi tiết như diễn biến của các chiến dịch, nguyên nhân thành công, ý nghĩa lịch sử… nên ghi lại như cách làm dàn bài hoặc chia nhỏ từng ý cho dễ nhớ.
Làm bài thi khoa học
Trước khi làm bài thi, TScần đọc kỹ tất cả các câu hỏi của đề thi, chọn câu vừa khả năng với mình làm trước và có sự phân phối thời gian hợp lý cho từng câu hỏi. Chọn câu hỏi xong, TS gạch dưới những yêu cầu của đề thi và hình dung ngay câu hỏi đó ở bài nào của chương trình học. Việc này sẽ giúp các em tránh những nhầm lẫn, lạc đề hoặc hiểu sai đề dẫn đến việc không trả lời đúng trọng tâm câu hỏi. Sau đó, TS lập dàn ý theo dàn bài gạch đầu dòng hoặc làm sơ đồ kiến thức trên giấy nháp từng nội dung cần trình bày. TS cũng cần lưu ý không nên làm dàn bài quá chi tiết hoặc diễn đạt một cách cụ thể vào dàn bài để tránh mất thời gian và hay bị phụ thuộc vào bản nháp.
Khi làm tới phần tự chọn của đề thi, một số TS đã chọn làm cả hai câu trong đề. Đây cũng là một trong những vấn đề TS cần hết sức lưu ý vì giám khảo chỉ cho một câu hỏi trong phần tự chọn. Hơn nữa, việc chọn làm cả hai câu sẽ khiến TS bị mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới chất lượng của những câu hỏi khác. Ngoài ra, khi trình bày bài thi, TS phải viết cẩn thận, hạn chế mắc lỗi chính tả, tuyệt đối không dùng bút xóa, nếu sai thì gạch ngang phần sai và bỏ phần đó. TS cũng không được viết tắt, viết từ đệm tiếng Anh vào bài thi.
Ngọc Anh (ghi)
Bình luận (0)