Đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn năm 2024 có tính mở hơn đề thi các năm trước, yếu tố phân hóa cũng cao hơn nhằm từng bước chuyển trạng thái cho học sinh sang năm sẽ ôn và thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Cán bộ coi thi kiểm tra thông tin thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Y.Hoa
Nhìn chung, đề thi môn ngữ văn năm 2024 đảm bảo tính ổn định, đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp THPT theo chương trình hiện hành; phù hợp với yêu cầu cho kỳ thi cuối cùng của Chương trình GDPT 2006. Đặc biệt, đề bài nghị luận văn học chọn ngữ liệu là đoạn trích trong tác phẩm “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm cũng mang ý nghĩa lớn đối với học sinh về sự cảm nhận sâu sắc tình yêu quê hương, đất nước, ý thức được trách nhiệm của thế hệ thanh niên hiện nay đối với Tổ quốc.
Hiện tượng ôn tủ, đoán đề
Căn cứ Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT, nội dung đề thi môn ngữ văn nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 nên số ít tác phẩm trọng tâm ôn thi tốt nghiệp dễ dàng được học sinh xác định, gồm: Vợ chồng A Phủ; Người lái đò sông Đà; Ai đã đặt tên cho dòng sông?; Việt Bắc; Tây Tiến; Đất nước. Một số tác phẩm khác trong sách giáo khoa được học sinh xác định ít có khả năng đưa vào đề thi vì: hoặc đã được sử dụng làm ngữ liệu trong đề thi tốt nghiệp THPT các năm gần đây, hoặc thuộc phần giảm tải như Vợ nhặt; Sóng; Chiếc thuyền ngoài xa; Đàn ghi ta của Lorca; Hồn Trương Ba, da hàng thịt; hoặc các tác phẩm văn học nước ngoài.
Do đó, việc đoán đề thi môn ngữ văn luôn diễn ra trong nhiều năm qua trước mỗi kỳ thi, bởi ngữ liệu sử dụng trong đề thi sẽ rơi vào một trong các tác phẩm trong sách giáo khoa đã được xem là trọng tâm như trên, dẫn đến những tin đồn thất thiệt lộ đề thi môn ngữ văn, thường xuất hiện nhiều hơn các môn khác. Như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa rồi, ngay trước thời điểm thi, trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn lộ đề môn ngữ văn với tác phẩm “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Bộ GD-ĐT đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ thông tin không có cơ sở này. Tuy nhiên, khi kỳ thi diễn ra, việc đề thi chính thức môn ngữ văn của Bộ GD-ĐT có sử dụng ngữ liệu trong bài thơ “Đất nước” đã khiến sự băn khoăn về vấn đề lộ đề một lần nữa lại được đặt ra. Thực tế, đề thi môn ngữ văn xác định bị lộ đề chỉ khi nào đề đó trùng khớp hoàn toàn cả ngữ liệu đoạn trích lẫn yêu cầu của đề so với tin đồn.
Đổi mới đề thi môn ngữ văn từ năm 2025
Theo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ GD-ĐT công bố, định hướng đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn năm 2025 sẽ hướng đến năng lực học sinh và có sự phân hóa, đặc biệt ở mức độ vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo các trường ĐH có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để làm cơ sở cho việc xét tuyển ĐH. Kết thúc năm học 2024-2025, giáo dục Việt Nam hoàn tất một chặng đường đổi mới theo cách học và thi của Chương trình GDPT 2018, khi các ngữ liệu trong đề thi không còn lệ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa, mà chú trọng hơn đến những văn bản bên ngoài sách giáo khoa.
Đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn năm 2025 sẽ rất khác với đề thi năm 2024 về cả cấu trúc lẫn ngữ liệu. Theo “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” thì ngữ liệu sẽ đến từ nhiều bộ sách giáo khoa. Ngoài ra, đề thi hoàn toàn có thể sử dụng đến cả những ngữ liệu không nằm trong sách giáo khoa, nhằm từng bước thực hiện mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là hình thành cho học sinh phẩm chất và năng lực, chứ không phải chỉ nhằm kiểm tra kiến thức, kỹ năng qua việc thuộc bài trong sách giáo khoa.
Về hình thức thi, đề sẽ giữ nguyên như chương trình cũ: môn ngữ văn là môn duy nhất vẫn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Một số đổi mới ở kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, đặc biệt ở phần ngữ liệu đề thi môn ngữ văn sẽ hạn chế được việc học sinh học tủ, học lệch, lẫn việc học vẹt, học thuộc lòng văn mẫu. Theo đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã định hướng, dự kiến cấu trúc định dạng đề thi môn ngữ văn năm 2025 sẽ có 2 phần: Phần đọc hiểu (4 điểm) và phần viết (6 điểm); trong đó, phần viết sẽ gồm 2 câu: câu 1 (2 điểm) viết đoạn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ và câu 2 (4 điểm) viết bài nghị luận văn học khoảng 600 chữ; yêu cầu chung theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình GDPT 2018 và được thể hiện thông qua đề thi với bảng năng lực – cấp độ tư duy kèm theo. Như vậy, học sinh sẽ được biết trước đề thi gồm mấy phần, có những kiểu dạng câu hỏi đọc hiểu nào, những (thành phần) năng lực nào được đánh giá như trong đề thi minh họa. Các câu hỏi trong đề thi sẽ theo hướng gắn với các bối cảnh có ý nghĩa (bối cảnh có tác dụng/có giá trị nhất định đến đời sống, thực tiễn, khoa học).
Không còn hiện tượng học tủ, học lệch
Việc đánh giá học sinh trong đề thi môn ngữ văn năm 2025 sẽ đảm bảo nguyên tắc đánh giá chính xác, khách quan phẩm chất và năng lực các em theo yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018; phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh; tạo cơ hội cho các em phát huy khả năng sáng tạo, gợi mở trí liên tưởng, tưởng tượng – mục đích nhằm khắc phục tình trạng thuộc bài đơn thuần ở Chương trình GDPT 2006. Theo yêu cầu trên, từ năm 2025, ngữ liệu được sử dụng trong đề thi môn ngữ văn có thể nằm trong các sách giáo khoa khác nhau theo chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, hoặc nằm ngoài sách giáo khoa. Cho nên đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn năm 2025 chắc chắn sẽ khác so với đề thi năm 2024, nhằm hạn chế được việc giáo viên dạy tủ, học sinh ôn tủ, chấm dứt cả nạn học sinh đoán đề trước mỗi kỳ thi.
Trên cơ sở đó, đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn năm 2025 sẽ nhằm hướng học sinh đến kỹ năng tư duy, lựa chọn tri thức và sử dụng tiếng Việt để trình bày hiểu biết, thể hiện chủ kiến, suy nghĩ và tình cảm của mình, nhằm từng bước giúp các em loại bỏ tư duy lệ thuộc văn mẫu và bó hẹp kiến thức trong sách giáo khoa mà triệt tiêu tính sáng tạo.
Chúng tôi tin tưởng rằng, đề thi môn ngữ văn năm 2025 sẽ đem lại nhiều hứng thú, thách thức và cơ hội cho các em học sinh yêu văn chương, ham hiểu biết, khám phá, có tư duy độc lập, không thích đi theo lối mòn và xóa bỏ dần hiện tượng ôn tủ, đoán đề máy móc, rập khuôn diễn ra nhiều năm trước đây.
Đỗ Thành Dương
Bình luận (0)