Các em học sinh xem lại tài liệu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2008. Ảnh: T.TR
|
Bắt đầu từ năm học 2008-2009 học sinh lớp 12 THPT trên cả nước được học theo chương trình và SGK mới. Bộ GD-ĐT cũng đã thông báo cấu trúc đề thi và hình thức thi các môn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Cấu trúc đề ngữ văn gồm 3 câu. Câu 1 (2 điểm): tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam và tác giả, tác phẩm văn học nước ngoài. Yêu cầu có thể diễn đạt khác nhau nhưng cần nêu được ý chính (tóm tắt truyện). Câu 2 (3 điểm): vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài nghị luận xã hội ngắn (không quá 400 từ). Yêu cầu về kỹ năng: biết cách làm văn nghị luận xã hội, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát. Câu 3 (5 điểm): vận dụng khả năng đọc – hiểu và kiến thức văn học để viết bài nghị luận văn học. Yêu cầu học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học, vận dụng khả năng đọc – hiểu để phân tích tác phẩm (thơ, truyện). Kết cấu bài viết chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc các lỗi về: chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Như vậy với câu 1, học sinh cần nắm vững các nét chính về cuộc đời tác giả, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm bởi lẽ giữa tác giả, tác phẩm và thời đại bao giờ cũng có mối quan hệ hữu cơ. Hiểu cuộc đời tác giả, nắm được hoàn cảnh ra đời của tác phẩm sẽ giúp chúng ta soi rọi, giải mã ý tưởng cảm xúc và hiện thực mà nhà văn đưa vào trong tác phẩm. Phần viết đoạn văn ngắn trong câu 2, yêu cầu học sinh phải biết lập luận, trình bày vấn đề trên cơ sở biết huy động vốn sống, vốn hiểu biết của mình. Đòi hỏi người trình bày phải hiểu đúng, lý lẽ phân tích và giải thích phải chặt chẽ, mạch lạc, thuyết phục người đọc. Câu 3 là một bài làm văn nên các em phải chú ý tính hoàn chỉnh của bài viết gồm: giới thiệu, đặt vấn đề (phần mở bài), trình bày, giải quyết vấn đề (thân bài), nhận định, chốt lại vấn đề (kết luận). Con người và cuộc sống là nơi xuất phát và cũng là điểm đến của quá trình sáng tạo văn học nghệ thuật. Cho nên đối với bài nghị luận văn học, chúng ta phải nắm vững thể loại tác phẩm.
|
Bên cạnh đó, mỗi thể loại lại có phương tiện phản ánh riêng. Truyện ghi lại đời sống hoạt động xã hội của con người thông qua hình tượng nhân vật trong tác phẩm. Vì thế phân tích truyện không thể bỏ qua hình tượng nhân vật – một mẫu người nào đó có thật trong cuộc đời đã được nhà văn hư cấu đưa vào tác phẩm. Qua lăng kính nhà văn, nhân vật đó trở thành hình tượng điển hình để phản ánh hiện thực, kiến nghị một vấn đề mang tính xã hội. Học văn xuôi nên nắm chủ đề, tư tưởng chủ đề, chi tiết tình tiết xoay quanh nhân vật. Còn thơ ca là tiếng lòng của thi sĩ; là cái tôi cảm xúc, cái tôi chủ quan trữ tình trước hiện thực cuộc sống. Nhà thơ thường thông qua một chi tiết, mượn hình ảnh ẩn dụ để giãi bày cái tôi cảm xúc nên phân tích thơ không thể bỏ qua hình ảnh, kết cấu bài thơ.
Điều tôi muốn nói thêm là học văn cũng như các môn khác, học phải hiểu, kiến thức đọng sâu trong óc não để trở thành tri thức riêng của bản thân. Ngoài ra, việc sử dụng sách tài liệu tham khảo cũng cần có chừng mực. Không nên “sao y bản chính” một cách máy móc. Nên coi đó là cách để mở rộng kiến thức, một cách diễn đạt khác hơn mới hơn. Tốt nhất cần có sự chọn lọc và sáng tạo để làm sao biến cái của người khác thành cái của mình. Đó là cách học dân chủ và công bằng.
Thầy Phan Văn Thạnh
(Phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Định)
Tin liên quan
Với Nguyễn Trần Thảo Nhi, sinh viên lớp 20CNH02, Khoa NN&VH Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng,...
Đuối nước từ lâu đã trở thành một vấn đề nhức nhối, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em mỗi năm,...
Lớp học số được TP.HCM thí điểm không chỉ giải quyết bài toán thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học cho các...
Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn thể dục trước đây được gọi là môn giáo dục thể chất. Môn...
Bình luận (0)