Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm học 2008-2009 vừa được ban hành có 2 điểm được coi là mới: Tổ chức coi thi theo cụm trường và đổi chéo việc chấm bài thi giữa các tỉnh, thành
Ôn bài kỹ sẽ giúp các thí sinh đạt được kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Nhật
|
Hai giải pháp sẽ gây nhiều vất vả cho những người tổ chức này được kỳ vọng sẽ mang lại một kết quả thi thực chất, tạo tiền đề cho việc chỉ còn một kỳ thi sau THPT mà kết quả vừa dùng để đánh giá tốt nghiệp vừa để làm một căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ. Nhưng cái giá phải trả cho mục tiêu tốt đẹp này có lẽ phải chờ sau kỳ thi, thậm chí còn lâu hơn nữa mới có thể biết được.
Thi theo cụm: Có an toàn?
Để bảo đảm kết quả thi phản ánh chính xác chất lượng dạy và học thì khâu coi thi là quan trọng nhất. Trước kia, trong nhiều năm, quy chế thi tốt nghiệp đã yêu cầu các địa phương phải tổ chức thi theo cụm trường. Nghĩa là, trộn học sinh của ít nhất là 3 trường THPT và cử giáo viên của ít nhất 2 trường khác đến trông thi. Điều này khiến cho việc gửi gắm hoặc nương tay với học sinh của trường hay của bản thân và đồng nghiệp sẽ không còn mấy tác dụng.
Nhưng sau đó, yêu cầu này không còn xuất hiện trong quy chế và quyền tổ chức thi như thế nào được giao cho các địa phương. Hà Nội đã kiên trì tổ chức thi theo cụm trường và kết quả thi nhiều năm cho thấy đây là giải pháp mang lại hiệu quả. Nhiều năm liền, tỷ lệ thi tốt nghiệp của Thủ đô dù luôn ở tốp đầu nhưng không ở mức cao nhất, song kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ bao giờ cũng dẫn đầu. Điều đó cho thấy kết quả thi đã phản ánh đúng chất lượng dạy và học.
Mặc dầu vậy, giải pháp hay ở nơi này không có nghĩa là phù hợp với nơi khác. Trước kia, một trong những lý do để các địa phương kiến nghị với Bộ bỏ quy định tổ chức thi theo cụm trường là do địa bàn xa, việc đi lại rất vất vả cho thí sinh. Đi lại thế nào, ăn uống ra sao? Giáo viên đến trông thi có được trường sở tại lo cho ăn ở hay phải tự túc? Nếu lo cho giám thị ăn uống tại hội đồng coi thi thì kinh phí từ đâu? Xã lo hay phụ huynh lo và liệu rồi có "há miệng mắc quai"? Ngay tại Hà Nội, riêng chuyện này cũng đã phải bàn đi, tính lại và cuối cùng không được tổ chức nấu ăn trong trường mà phải đặt cơm hộp từ bên ngoài mang đến và không được thu của phụ huynh để lo ăn uống cho thầy cô.
Nhưng với những tỉnh mà các trường quá xa nhau, lại không có điều kiện để đặt cơm bên ngoài thì chuyện "dân nuôi" rất dễ xảy ra. Chưa kể đến chuyện vì đi xa, tai nạn giao thông hoặc những trường hợp bất trắc với thí sinh sẽ không phải là hiếm. Năm nay, Bộ GD-ĐT quay lại tổ chức thi theo cụm. Dù điều kiện kinh tế – xã hội đã khá hơn so với dăm mười năm trước, việc đi lại đối với học sinh có thể đã bớt khó khăn nhưng nguy cơ mất an toàn vẫn luôn tiềm ẩn. Không rõ, những nhà tổ chức có lo được đến điều này không?
Chấm thi chéo: Liệu có đồng đều?
Như những người có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT đã trả lời trên công luận, mục tiêu của việc đổi chéo chấm thi giữa các tỉnh là để bảo đảm không có sự chấm "nới tay" trong các bài thi tự luận như kết quả thanh tra việc chấm thi năm 2008 cho thấy. Có nghĩa là, tổ chức chấm thi chéo giữa các tỉnh, Bộ mong muốn có sự công bằng và đồng đều trong khâu chấm thi.
Tuy nhiên, ai đi chấm thi đều biết, ngoại trừ việc có sự chỉ đạo chấm nới tay đối với những môn thi cho kết quả kém để có tỷ lệ tốt nghiệp "an toàn", thì việc bảo đảm sự công bằng, đồng đều trong khâu chấm phụ thuộc rất nhiều vào chủ quan của giám khảo. Trả lời phỏng vấn của báo giới, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định: "Sẽ không có chuyện chấm lỏng, chấm chặt tùy theo từng hội đồng chấm thi mà các hội đồng chấm thi và người chấm phải bám sát đáp án, thang điểm, đúng quy trình chấm". Yêu cầu này không mới. Trình độ giáo viên rất không đồng đều giữa các tỉnh, thành, quan niệm của họ về việc chấm thi không giống nhau cũng vẫn là "tồn tại khách quan". Vậy làm thế nào để triệt tiêu được yếu tố chủ quan của người chấm để có được sự công bằng và đồng đều trong khâu chấm thi như Bộ mong muốn?
Loay hoay vì đi không đúng hướng?
Thực hiện 2 giải pháp trên ngành GD-ĐT đã nhận về mình sự vất vả. Sẽ không có gì đáng bàn nếu sự vất vả ấy mang lại hiệu quả như mong muốn. Nhưng kết quả có như mong muốn hay không? Và dù kết quả có như ý thì có đáng phải trả giá thế không? Có vẻ như, ngành GD-ĐT đang muốn chứng minh quyết tâm chống tiêu cực trong thi cử để từ đó có được kết quả thi tốt nghiệp THPT đủ tin cậy cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ và hoàn thành nhiệm vụ đổi mới công tác thi tuyển sinh như đã báo cáo với Chính phủ và công bố với xã hội. Phải chăng, để đạt mục tiêu đó, ngành GD-ĐT đề ra coi thi theo cụm, chấm thi chéo dẫu biết rằng có thể năm nay, tỷ lệ thi tốt nghiệp sẽ không "đẹp" như năm vừa qua và nhiều trường ĐH vẫn chỉ coi kết quả này như một cái ngưỡng để loại bớt thí sinh dự thi vào trường mà thôi?
Nếu ngành GD-ĐT không đặt mục tiêu hoàn thành đề án đổi mới thi và tuyển sinh đã được Chính phủ phê duyệt, dũng cảm giao việc tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo, thi tốt nghiệp cho các địa phương để dành thời gian, tâm huyết, trí tuệ cho công tác quản lý nhà nước với những vấn đề cốt tử như cải cách, chiến lược, kiểm định chất lượng, cơ chế chính sách… thì Bộ cũng bớt phải loay hoay, thí sinh bớt phải lo mỗi năm lại một lần đổi mới thi và tuyển sinh
Kim Thoa (SGGP)
Bình luận (0)