Theo Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2009 của Bộ GD&ĐT, việc tổ chức thi theo cụm trường phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn ở địa phương, hạn chế tối đa việc tổ chức thi theo từng trường riêng lẻ, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thí sinh bỏ thi vì lý do tổ chức thi theo cụm trường, địa điểm thi phải đảm bảo thuận tiện cho thí sinh đến dự thi…
Ghép được càng nhiều trường trong một cụm càng tốt
Địa điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay phải đảm bảo việc đi lại thuận tiện cho thí sinh, không đi quá xa, mất thời gian đi lại, hạn chế phải đi qua các địa bàn giao thông phức tạp như những nơi thường xảy ra tai nạn trên đường bộ, cầu phà, đò qua sông; địa điểm thi cũng phải đáp ứng việc ăn, nghỉ đảm bảo vệ sinh, an toàn đối với thí sinh ở xa và có nhu cầu.
Trước ngày 12/4/2009 việc sắp xếp các cụm trường để tổ chức thi tốt nghiệp THPT phải được thực hiện. Bộ GD&ĐT quy định, mỗi cụm trường trong kỳ thi năm nay gồm ít nhất 3 trường THPT hoặc 3 trung tâm GD thường xuyên; hoặc thành lập cụm thi hỗn hợp ít nhất 2 trường THPT và 2 trung tâm GD thường xuyên. Đây là yêu cầu tối thiểu và ghép được càng nhiều trường trong một cụm càng tốt (hạn chế tối đa việc tổ chức thi theo từng trường riêng lẻ).
* Những thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2009 chưa được cấp hoặc mất giấy chứng minh nhân dân thì phải có xác nhận của UBND cấp xã hoặc cơ quan công an có thẩm quyền; nếu gia đình thí sinh không có sổ hộ khẩu riêng, có thể sử dụng giấy xác nhận của UBND cấp xã với đầy đủ thông tin như trong sổ hộ khẩu. Trường phổ thông kiểm tra hồ sơ, xác nhận điểm cộng thêm; hiệu trưởng ký tên và đóng dấu vào phiếu đăng ký dự thi. * Về điều động thanh tra của Bộ đến địa phương giám sát và đôn đốc các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT, phương án của kỳ thi năm 2009 gồm: Trong các cụm thi từ 3 trường trở lên, bình quân 6 phòng thi có 1 thanh tra của Bộ; trong các cụm thi có 2 trường hoặc các trường thi riêng lẻ bình quân 5 phòng thi có 1 thanh tra của Bộ; trong các trường thi riêng lẻ, 2 phòng thi có 1 giám thị điều động từ trường ĐH. |
Từ ngày 21/4/2009 đến ngày 30/4/2009 thí sinh nộp phiếu đăng ký dự thi; trường phổ thông lập danh sách thí sinh đăng ký dự thi (phiếu đăng ký dự thi phải có cam đoan và chữ ký của thí sinh); trước ngày 09/5/2009 trường phổ thông sẽ nộp danh sách thí sinh đăng ký dự thi theo ban kèm hồ sơ thí sinh lên cụm trường.
Người đã học hết chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT tại trường phổ thông nơi học lớp 12, không được đăng ký dự thi ở cơ sở GD khác. HS lớp 12 năm học 2008- 2009 ở GD THPT không được đăng ký tốt nghiệp THPT năm 2009 theo chương trình GD thường xuyên.
Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các Sở GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể và có những biện pháp tích cực giúp thí sinh có đủ các loại giấy chứng nhận để được hưởng cộng điểm khuyến khích và chế độ ưu tiên (nếu có); tuyệt đối không tiếp nhận hồ sơ không hợp lệ.
Ngày 01/5 hết hạn đăng ký dự thi, trường phổ thông lập danh sách thí sinh đăng ký dự thi theo ban; xếp thí sinh theo thứ tự Ban Khoa học Tự nhiên, Ban Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ban Cơ bản, Giáo dục thường xuyên (nếu có), thí sinh tự do đăng ký thi ban nào ghi danh sách vào ban đấy. Chậm nhất ngày 07/5 các trường phổ thông phải hoàn chỉnh việc kiểm tra hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh.
Một số điểm quan trọng thí sinh tự do cần chú ý
Các thí sinh tự do của GD THPT được phép đăng ký dự thi tốt nghiệp GD thường xuyên nhưng không được bảo lưu điểm thi như thí sinh tự do đã dự thi tốt nghiệp GD thường xuyên. Hướng dẫn cũng nêu rõ: Thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi ở những năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0; đảm bảo khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện về học lực theo quy định.
Bộ GD&ĐT quy định thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi do nghỉ quá 45 buổi học trong năm trước nếu vẫn đủ điều kiện về học lực thì không cần có xác nhận kiểm tra học lực. Thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi ở những năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm trong năm học lớp 12 thì phải có xác nhận của chính quyền cấp xã về phẩm chất đạo đức, việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định về an ninh trật tự của địa phương và kèm theo phiếu đăng ký dự thi của thí sinh.
Với trường hợp thí sinh tự do mất bản chính học bạ THPT, nhưng có nguyện vọng được dự thi tốt nghiệp THPT năm 2009 thì phải có xác nhận lại bản sao học bạ trên cơ sở đối chiếu với hồ sơ lưu của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc căn cứ vào hồ sơ thi của kỳ thi năm dự thi liền kề trước kỳ thi năm 2009.
Chấm thi chéo có tính đến sự tương đồng về số bài và số cán bộ chấm thi
Hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT ở tỉnh nào thì chấm bài thi trắc nghiệm của thí sinh dự thi tại tỉnh đó. Riêng bài thi tự luận sẽ do Hội đồng chấm thi của tỉnh khác chấm, theo sự phân công của Bộ GD&ĐT và sẽ tính đến sự tương đồng về số bài, số cán bộ chấm thi.
Để việc chấm chéo bài tự luận được thực hiện tốt, trước khi giám khảo chấm bài thi tự luận, Tổ trưởng tổ chấm thi tổ chức cho các thành viên nghiên cứu hướng dẫn chấm thi của Bộ và tiến hành chấm chung 10 bài thi để có sự nhất quán trong tổ chấm thi. Các bài chấm chung phải được cho điểm ngay sau khi thống nhất điểm, phải ghi rõ “bài chấm chung” kèm theo chữ ký của Tổ trưởng tổ chấm và ít nhất 2 giám khảo. Bộ GD&ĐT cũng quy định, nếu trong tổ chấm có ý kiến thắc mắc không tự giải quyết được, hoặc phát hiện có sự nhầm lẫn trong hướng dẫn chấm thi thì phải đề nghị Chủ tịch Hội đồng chấm thi xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tuyệt đối không được tự thay đổi hướng dẫn chấm thi và biểu điểm.
Mỗi bài thi tự luận của thí sinh được hai giám khảo chấm độc lập, ghi điểm riêng theo số phách vào phiếu chấm cá nhân.
Theo GD&TĐ
Bình luận (0)