Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi tốt nghiệp THPT năm 2009: Những điều thí sinh cần biết trước giờ G

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền đang ôn tập môn địa lý. Ảnh: M.T

Thời gian gần đây Bộ GD-ĐT đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 từ các sở GD-ĐT trong cả nước. Ông Trần Văn Nghĩa – Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã trả lời những thắc mắc của thí sinh trước khi bước vào kỳ thi. Và đây cũng là cơ sở để thống nhất thực hiện trên toàn quốc…
Việc đăng ký dự thi theo ban của thí sinh thực hiện như thế nào?
ÔngTrần Văn Nghĩa: Học sinh theo học ban nào sẽ đăng ký dự thi theo ban đó, thí sinh chuyển ban trong quá trình học thì đăng ký theo ban đang học tại lớp 12. Đây là cơ sở để trường và cụm lập danh sách thí sinh dự thi và xếp phòng thi theo Phụ lục 1 của Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2009. Việc đăng ký này không phụ thuộc vào việc học sinh được học chương trình nào (đối với ban cơ bản), tuy nhiên trong phiếu đăng ký dự thi, trừ môn ngoại ngữ, học sinh phải ghi rõ, từng môn sẽ đăng ký thi theo chương trình nào (nâng cao hay chuẩn) tùy thuộc vào chương trình được học.
Trong hồ sơ có yêu cầu giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10 không?
Hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT không yêu cầu có giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10 của thí sinh.
Trong các quy định về nộp hồ sơ, không đề cập tới vai trò của các trung tâm giáo dục thường xuyên, thực chất vấn đề này là như thế nào?
Tại điều 1 Quy chế thi tốt nghiệp THPT đã nêu: “…Trường trung học phổ thông… cơ sở GDTX gọi chung là trường phổ thông”, nên các phần sau không nhắc lại GDTX. Chính vì vậy phần quy định về nộp hồ sơ phải được hiểu là:
1. Học sinh kết thúc chương trình lớp 12 năm 2009 nộp hồ sơ tại trường THPT hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên (đối với học sinh theo học chương trình giáo dục thường xuyên) nơi học lớp 12;
2. Thí sinh tự do có thể đăng ký dự thi tại trường THPT phổ thông (trung tâm giáo dục thường xuyên) nơi học lớp 12 hoặc tại trường THPT (trung tâm giáo dục thường xuyên) nơi có hộ khẩu thường trú.
Học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, hoặc tại các trường THPT công lập có hệ GDTX sẽ ghi mã số trường như thế nào?
Theo quy định GDTX nằm trong trường THPT công lập có mã số 6, GDTX trong trường trung cấp chuyên nghiệp có mã số 7; việc lên danh sách các trường được thực hiện theo mẫu M5.
Trong hướng dẫn, mã số hội đồng coi thi chỉ có 2 chữ số, những tỉnh lớn có tổng số hội đồng coi thi lớn hơn 100 sẽ xử lí như thế nào?
Trong thực tế không có cụm trường nào có trên 100 Hội đồng coi thi, vì vậy mã số của Hội đồng coi thi chỉ cần tối đa 2 chữ số.
Nếu giao nhiệm vụ đề xuất số giám thị ngoài phòng thi cho cụm trường, cụm trường đề xuất không hợp lí sẽ xử lí như thế nào?
Tại khoản 1 điều 18 của Quy chế 04 quy định: Giám đốc sở GD-ĐT quyết định thành lập các hội đồng coi thi, cụm trường đề xuất số giám thị ngoài phòng thi. Nếu ban công tác cụm trường đề xuất không hợp lí, Sở GD-ĐT có thể điều chỉnh.
Những học sinh tự do năm trước không thi theo ban thì năm nay đăng ký thi theo mẫu nào?
Thí sinh tự do năm trước không thi tốt nghiệp THPT theo ban, năm nay phải lựa chọn ban phù hợp với mình để đăng ký dự thi.
Thí sinh thiếu tuổi và thí sinh quá tuổi có được thi tốt nghiệp của giáo dục THPT không?
Được, vì Quy chế 04 không quy định tuổi.
Thí sinh tự do của giáo dục THPT có được phép đăng ký dự thi tốt nghiệp giáo dục thường xuyên năm 2009 không?
Thí sinh tự do của giáo dục THPT được phép đăng ký dự thi tốt nghiệp giáo dục thường xuyên: mục 2, phần I của Phụ lục 1 trong Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2009 đã lưu ý: “Thí sinh tự do của giáo dục THPT được phép đăng ký dự thi tốt nghiệp giáo dục thường xuyên nhưng không được bảo lưu điểm thi như thí sinh tự do đã dự thi tốt nghiệp giáo dục thường xuyên”.
Thí sinh tự do là học viên đang đi công tác xa có được đăng ký dự thi trên địa bàn nơi công tác?
Mục 2, phần I của Phụ lục 1 của Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2009 đã quy định: “Thí sinh tự do đang đi công tác xa được đăng ký dự thi trên địa bàn nơi công tác, nếu có đủ căn cứ về việc không thể dự thi tại nơi cư trú và nơi học lớp 12”.
Học sinh chưa kịp làm hoặc mất giấy chứng minh nhân dân; trường hợp gia đình thí sinh không có sổ hộ khẩu riêng xử lý như thế nào?
Mục 2, phần I của Phụ lục 1 của Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2009 quy định: “…những trường hợp chưa được cấp hoặc mất giấy chứng minh nhân dân phải có xác nhận của UBND cấp xã hoặc cơ quan công an có thẩm quyền; nếu gia đình thí sinh không có sổ hộ khẩu riêng, có thể sử dụng giấy xác nhận của UBND cấp xã với đầy đủ thông tin như trong sổ hộ khẩu”.
Nên dùng bản chính hoặc bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở; không nên sử dụng bản chứng thực là bản sao để phòng ngừa bằng giả.
Mục 2, phần I của Phụ lục 1 của Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2009 lưu ý: “…Bản chứng thực của các hồ sơ liên quan là bản photocopy được UBND cấp xã xác nhận”; có đủ cơ sở pháp lí để sử dụng.
Cơ quan nào xác nhận không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi đối với thí sinh tự do thuộc giáo dục thường xuyên đã đủ điều kiện dự thi và đã dự thi ở những năm trước?
Khoản 5 điều 11 của Quy chế 04 quy định: “Thí sinh tự do… phải có thêm giấy xác nhận không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi của trường phổ thông nơi dự thi năm trước”.
Mục 2 phần I Phụ lục 1 của Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2009 lưu ý: “…UBND cấp xã xác nhận về cư trú, việc không ở trong thời gian truy cứu trách nhiệm hình sự của thí sinh”.
Thí sinh đã dự kỳ thi các năm trước nhưng chưa được tốt nghiệp, hiện nay bị mất bản chính học bạ THPT nhưng có nguyện vọng được dự thi năm 2009. Trường hợp này phải xử lý như thế nào?
Thí sinh tự do bị mất bản chính học bạ THPT nhưng có nguyện vọng được dự thi năm 2009 phải có xác nhận lại bản sao học bạ trên cơ sở đối chiếu với hồ sơ lưu của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc căn cứ vào hồ sơ thi của kỳ thi năm dự thi liền kề trước kỳ thi năm 2009.
Thí sinh tự do có giấy chứng nhận nghề phổ thông có được cộng điểm khuyến khích để công nhận tốt nghiệp không?
Theo quy định trên, thí sinh tự do (cả giáo dục THPT và giáo dục thường xuyên) có giấy chứng nhận nghề phổ thông được cấp trong thời gian học cấp THPT đều được cộng điểm khuyến khích để công nhận tốt nghiệp theo quy định của quy chế.
Nếu ngày, tháng, năm sinh trong giấy khai sinh không khớp với giấy CMND và các loại giấy chứng nhận, bằng tốt nghiệp THCS… thì giải quyết như thế nào?
Phải lấy giấy khai sinh làm căn cứ.
Nhóm PV

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)