Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi tốt nghiệp THPT năm 2009: Tuyệt đối không chủ quan

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 

Giám thị nộp bài thi tốt nghiệp THPT năm 2008 tại Hội đồng thi Marie Curie. Ảnh: T.T.Q

Ngày 21-5-2009, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến qua mạng với 63 sở GD-ĐT tỉnh, thành về thi tốt nghiệp năm 2009. Qua hội nghị, các sở đã đưa ra những khó khăn của mình đối với vấn đề chấm chéo, phần mềm quản lý thi, kinh phí thi…
Không đánh số thứ tự trên giấy thi của thí sinh
Tại hội nghị, nhiều sở băn khoăn về phần riêng trong đề thi. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục KT&KĐCLGD, Bộ GD-ĐT cho biết, thí sinh chỉ được làm 1 phần riêng. Ông cũng yêu cầu các sở phổ biến tới các trường THPT và các trường phổ biến tới học sinh, học sinh học ban nào thì làm phần riêng của ban đó. Vì trong đề thi, sẽ có 3-4 câu ra kiến thức đặc trưng của từng ban. Nếu chọn “trái ban” thí sinh sẽ bị thiệt. Đối với những thí sinh nộp bài thi khi đã hết 2/3 thời gian, trong trường hợp này, sau khi thí sinh rời khỏi phòng thi, hội đồng thi có thể cho thí sinh rời khỏi khu vực thi. Đồng thời tăng cường đảm bảo an ninh trật tự và an toàn vòng ngoài để ngăn chặn sự xâm nhập của bên ngoài vào khu vực thi. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long khẳng định không được đánh số thứ tự vào giấy thi của thí sinh và chỉ rọc phách một vòng. Các bài thi của các ban phải được thu riêng. Khi thu bài thi, các tờ giấy thi của mỗi bài thi được lồng vào nhau. Các bài thi được xếp riêng, không lồng vào nhau, theo số thứ tự từ nhỏ đến lớn.
Nhiều góp ý từ phía sở GD-ĐT các tỉnh thành xoay quanh phần mềm coi thi và chấm thi của Bộ mà cả nước sẽ cùng sử dụng phục vụ kỳ thi năm nay. Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Hoài Chương cho biết, TP.HCM đã sử dụng phần mềm này tổ chức kỳ thi thử cho học sinh vừa qua. Ông Chương đề nghị việc tăng cường tính đồng bộ cho phần mềm này, khắc phục tình trạng khi in danh sách thí sinh, những thí sinh tên dài quá thì phần “tên” nằm một trang, phần “họ” nằm một trang. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long hứa chắc chắn đến ngày 26-5 sẽ gửi phần mềm coi thi, chấm thi đến tất cả các sở GD-ĐT sau khi đã xem xét và bổ sung thêm. Cũng theo ông Chương, để đảm bảo tính công bằng trong khâu chấm thi, Bộ GD-ĐT nên rõ ràng, chi tiết trong thang điểm, đáp án… để các sở cùng hiểu như nhau. Các năm trước, mức chênh lệch trong thang điểm là 0,5; năm nay ngang với mức đại học 0,25 điểm. 
Bài thi vận chuyển xa nhất là 350km
Cho đến thời điểm này, việc phân công chấm chéo giữa các sở GD-ĐT cũng đã “hòm hòm”. Một số tỉnh có số lượng thí sinh lớn sẽ được chia cho nhiều sở chấm, đồng thời cũng sẽ chấm bài thi của nhiều sở bạn. Số lượng bài “đưa đi chấm” và số bài “nhận về chấm” sẽ tương đương nhau. Theo phương thức này, TP.HCM sẽ chấm bài thi cho 5 sở là Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Bến Tre. Những tỉnh chấm cho TP.HCM gồm Đồng Nai, Bình Thuận và Tiền Giang; Hà Nội cũng chấm bài cho 4 tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và một phần của Thanh Hóa. Những sở sẽ chấm bài cho Hà Nội là Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam và Nghệ An. Về kinh phí chấm bài tự luận, Thứ trưởng Bành Tiến Long thống nhất 6.000 bài. Sở có bài sẽ chuyển kinh phí cho sở chấm bài.
Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận quan tâm đó là khoảng cách vận chuyển bài thi. Khoảng cách vận chuyển dưới 50km giữa các sở là rất ít, đa số là từ 100 km trở lên. Đặc biệt, khoảng cách giữa một số sở còn lên đến trên 300km. Theo lịch sắp xếp, sở Kontum sẽ chấm bài cho Khánh Hòa và khoảng cách là 350km. Gia Lai cũng chấm bài cho Khánh Hòa và khoảng cách này cũng là 300km. Khoảng cách vận chuyển bài thi giữa Phú Yên và Đắk Nông cũng là 350km. Với khoảng cách khá xa như thế, thời gian vận chuyển sẽ mất nhiều và vấn đề đảm bảo an toàn cho bài thi sẽ cần sự bàn bạc và phối hợp kỹ lưỡng giữa các cơ quan chức năng.
Sở GD-ĐT Hà Tĩnh “xin đổi” địa phương chấm thi sang khu vực Bắc miền Trung, vì tỉnh Nam Định được chọn chấm thi cho Hà Tĩnh lại cách xa đến 300 km, gây khó khăn và tốn kém. Bộ GD-ĐT cho rằng, việc giải quyết nguyện vọng của Hà Tĩnh vào thời điểm này gặp không ít khó khăn và ảnh hưởng đến cả một “hệ thống” gồm nhiều tỉnh khác.
Đảm bảo một kỳ thi an toàn, nghiêm túc
Tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Bành Tiến Long khẳng định phải khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Đặc biệt, các sở tuyệt đối không được phép chủ quan. Thời gian vừa qua, một số sở thi thử nhưng đã bị lộ đề thi. Rà soát các điều kiện để đảm bảo cho kỳ thi. Các sở bám sát quy chế, các văn bản hướng dẫn của Bộ bổ sung. Không được để mất bài thi của thí sinh. Các sở cũng kịp thời phản ánh về Thanh tra Bộ những trường ĐH, CĐ không gửi đúng số thanh tra ủy quyền. Các địa phương phải có phương án dự phòng đối với thời tiết, phòng thi, ánh sáng. Các sở tổ chức tốt khâu in sao đề thi và ba phòng thi phải tuyệt đối độc lập.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp Bộ đã đề ra để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, hiệu quả với phương châm quyết tâm cao, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương và có phương án dự phòng cụ thể.
Nghiêm Huê – Mê Tâm

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)