Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi tốt nghiệp THPT năm 2010: Xóa bắt buộc thi môn ngoại ngữ?

Tạp Chí Giáo Dục

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận) đề cập vấn đề kiểm tra đánh giá công tác thi trắc nghiệm tại hội nghị

Tăng lệ phí đăng ký dự thi ĐH, xóa bắt buộc đối với môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tổ chức chấm thi theo cụm… là những vấn đề được hơn 1.000 đại biểu đại diện cho sở GD-ĐT các tỉnh thành, trường ĐH-CĐ… cả nước quan tâm thảo luận tại hội nghị trực tuyến thi và tuyển sinh năm 2010 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 9-1.
Tránh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 sẽ có những nét mới. Cụ thể, ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc như trước đây. Môn học này được xếp chung danh sách các môn (vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý) được luân phiên chọn thi cho mỗi năm. Bên cạnh đó, những thí sinh (TS) học ngoại ngữ không đủ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; TS thuộc các vùng khó khăn về điều kiện dạy học có thể được thi môn thay thế.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM) nhận định, kết quả thi môn ngoại ngữ cũng là một trong những cơ sở để đánh giá chất lượng người học. Việc xóa bắt buộc thi môn này sẽ đi ngược lại đề án nâng cao chất lượng ngoại ngữ học sinh Việt Nam và như vậy dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Bà Phan Thị Thu Hà (Phó giám đốc Sở GD Đồng Tháp) đồng tình, việc chỉ học mà không thi khiến người dạy và người học thiếu động lực phấn đấu; không đảm bảo được năng lực ngoại ngữ cho học sinh. Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh Nguyễn Ngọc Hợi đơn cử, chỉ 30-40% SV nhập học tại trường hằng năm đủ khả năng học ngoại ngữ. Số còn lại phải tiến hành học bổ sung kiến thức mới theo được chương trình. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển lại cho rằng, việc bắt buộc thi môn ngoại ngữ trong các năm qua đã có tác động tích cực trong mục tiêu phủ rộng môn ngoại ngữ đến các trường học. Tuy nhiên, chất lượng môn ngoại ngữ không chỉ được quyết định bởi việc thi cử. Hiện điều kiện dạy học ngoại ngữ tại nhiều địa phương còn rất khó khăn, chất lượng đào tạo chưa cao. Nếu cứ bắt buộc thi trong lúc chất lượng chưa thực sự đảm bảo sẽ không mang lại hiệu quả mong đợi.
Chưa đủ sức thực hiện chấm thi theo cụm

Học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2009.  Ảnh: Mê Tâm

Ông Nguyễn Hoài Chương (Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) đặt vấn đề thành lập hội đồng liên vùng trong công tác chấm thi. Theo ông Chương, việc Sở GD-ĐT có bài thi cử một giáo viên của mỗi môn thi tham gia thảo luận và chấm chung (tối thiểu 15 bài thi) tại các tổ thuộc hội đồng chấm thi cho đơn vị mình là không hiệu quả. Nhiều đại biểu cũng đề nghị việc tổ chức chấm thi theo cụm, tuy nhiên theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, hiện chúng ta chưa có điều kiện thực hiện. Nhất là các tỉnh miền núi, rất khó để bố trí chỗ ăn nghỉ cho đội ngũ giám khảo, thanh tra trong suốt 10 ngày diễn ra chấm thi. Chỉ TP.HCM hoặc Hà Nội với các tỉnh lân cận có thể đủ khả năng thực hiện hoạt động này. 
Ông Nguyễn Văn Hiến (Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận) đề cập vấn đề kiểm tra đánh giá công tác thi trắc nghiệm. Nếu hình thức thi này lợi thế hơn tự luận thì nghĩ đến việc triển khai với các môn còn lại. Khi đó, khâu chấm thi sẽ “nhẹ nhàng” hơn và bộ chỉ việc tập trung làm đề sao cho chặt chẽ; tập trung thời gian chỉ đạo kỳ thi ĐH… Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị mở rộng hình thức thi trắc nghiệm đối với hai môn lịch sử và địa lý. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh khả năng diễn đạt của học sinh khi tham gia học các môn như văn sử địa… Khả năng này sẽ khó được bộc lộ với hình thức thi trắc nghiệm. Thời gian qua, việc tổ chức thi trắc nghiệm cũng đã bộc lộ một số hạn chế, tuy không nhiều. Sắp tới, bộ sẽ tiến hành đẩy mạnh sơ kết công tác thi trắc nghiệm để có hướng khắc phục.
Liên quan đến tuyển sinh ĐH-CĐ, nhiều địa phương “kêu” tăng mức lệ phí đăng ký dự thi ĐH. Ông Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM) có ý kiến, việc TS đóng thêm 20 ngàn đồng lệ phí không phải là quá khó, đã đến lúc tăng lệ phí thi để tạo thuận lợi cho các trường trong khâu tuyển sinh. Giám đốc ĐH Huế Nguyễn Văn Toàn chung quan điểm, năm 2008 lệ phí đã được tăng lên 10 ngàn đồng. Năm nay, lệ phí cũng cần được tăng để giải quyết một số khó khăn tại hội đồng cơ sở. Thứ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, thời gian gần nhất là một tuần sẽ làm việc với Bộ Tài chính về vấn đề tăng lệ phí nêu trên.
Rất nhiều ĐH mong rút ngắn thời gian xét tuyển NV2 để SV có điều kiện nhập học sớm. Các năm qua, việc SV nhập học trễ gây áp lực thời gian cho công tác đào tạo trong năm học đầu tiên. Ông Đỗ Văn Xê (ĐH Cần Thơ) nêu thực tế, tại ĐH Cần Thơ, đầu tháng 9 SV đậu NV1 mới bắt đầu nhập học. SV đậu NV2 phải nhập học trễ hơn…
MÊ TÂM
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, sẽ có sự điều chỉnh cấu trúc đề thi và quy định cho thí sinh: Các môn thi mà đề thi có phần bắt buộc và phần tự chọn, TS chỉ được chọn một phần tự chọn thích hợp để làm bài; nếu làm cả hai phần tự chọn thì bài làm cả hai phần đó đều không được chấm. Thời hạn nộp đơn xin phúc khảo của TS được rút ngắn để đẩy nhanh tiến độ phúc khảo bài thi, tạo điều kiện thuận lợi cho TS có đơn xin phúc khảo dự thi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Điều chỉnh điều kiện phúc khảo, hạ mức chênh giữa điểm bài thi và điểm tổng kết năm học lớp 12 của môn thi từ thấp hơn 2,0 điểm xuống còn thấp hơn 1,0 điểm để mở rộng diện phúc khảo, tạo điều kiện giải quyết tốt hơn các sai lệch trong chấm thi. Hạ mức chuẩn chênh lệch để được điều chỉnh điểm sau phúc khảo nhằm đảm bảo quyền lợi TS: điểm của bài thi các môn thi được điều chỉnh khi điểm chấm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 0,5 điểm trở lên. Riêng điểm của bài thi môn ngữ văn được điều chỉnh khi điểm chấm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 1,0 điểm trở lên.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)