Thí sinh TP.HCM xem lại bài thi tại kỳ thi tốt nghiệp 2013
|
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 có những điểm mới như: Học sinh sẽ thi 4 môn trong đó gồm 2 môn bắt buộc là toán, văn và 2 môn tự chọn trong 6 môn là vật lý, sinh học, hóa học, địa lý, lịch sử và ngoại ngữ. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 sẽ chiếm 50% số điểm công nhận và xếp loại tốt nghiệp. Bỏ miễn thi 20%. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Ngoại ngữ thi tự luận và trắc nghiệm
PV: Dựa trên cơ sở nào, Bộ GD-ĐT đã lựa chọn phương thức thi như hiện nay, thưa ông?
Sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT, bộ đã lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, các phụ huynh, học sinh và toàn xã hội. Trên tinh thần tiếp thu ý kiến một cách nghiêm túc, cầu thị, cuối cùng bộ đã quyết định phương án này.
Với việc chỉ còn 4 môn thi, cách ra đề của Bộ GD-ĐT có thay đổi gì không, thưa ông? Môn ngoại ngữ có thay đổi như thế nào?
Về căn bản vẫn giữ nguyên như các năm trước: Toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý vẫn thi tự luận; vật lý, hóa học, sinh học thi trắc nghiệm. Riêng môn ngoại ngữ sẽ có phần tự luận và phần trắc nghiệm để đánh giá kỹ hơn các kỹ năng của học sinh.
Ngoại ngữ có viết luận, vậy thời gian có thay đổi không? Và ở ĐH môn ngoại ngữ sẽ như thế nào?
Thời gian thi môn ngoại ngữ ở tốt nghiệp THPT vẫn 60 phút. Ở ĐH vẫn giữ ổn định như các năm.
Năm nay bộ đã lắng nghe các ý kiến phản hồi để đưa môn ngoại ngữ từ môn khuyến khích thành môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp 2014. Bộ cũng thừa nhận, việc dạy ngoại ngữ ở trường phổ thông đang có nhiều bất cập và yếu kém. Vậy việc chuyển từ môn khuyến khích sang môn tự chọn có làm chậm quá trình chúng ta đi lên chuẩn ngoại ngữ không?
Rõ ràng trong bối cảnh Việt Nam hướng tới hội nhập quốc tế thì môn ngoại ngữ rất quan trọng và chúng ta đang thực hiện những giải pháp căn bản để hướng tới lộ trình này. Vậy có nghĩa là chúng ta đánh giá đúng vai trò của môn ngoại ngữ, dù là ở môn khuyến khích như dự thảo hay môn tự chọn như bây giờ là đều đánh giá đúng vị trí của môn ngoại ngữ. Chúng ta đưa môn ngoại ngữ thành tự chọn là trên cơ sở tiếp thu các ý kiến theo nguyện vọng học sinh, phụ huynh và xã hội. Thời gian tới chắc chắn môn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc. Đến lúc đó, việc thi ngoại ngữ sẽ linh hoạt và toàn diện hơn.
Hướng tới 4 bài thi
Thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa kiểm tra dấu niêm phong đề trước giờ vào phòng thi. Ảnh chụp tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013. Ảnh: N.Anh
|
Trong thông báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy 2014, Bộ GD-ĐT có cho biết chuyển dần từ 4 môn thi thành 4 bài thi. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã có điều chỉnh trong việc dạy tổng hợp. Đặc biệt trong đề thi của hai kỳ thi (tốt nghiệp THPT và ĐH – PV) chúng ta đã đưa vào đó câu hỏi mở, đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp, kiến thức hiểu biết xã hội để giải quyết vấn đề. Hướng này được tiến hành từng bước từ đơn giản đến phức tạp, từ nông đến sâu, từ diện hẹp đến diện rộng để đến một lộ trình nào đấy việc đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp thì chúng ta sẽ tiến tới được mục tiêu chuyển từ 4 môn thi thành 4 bài thi. Bộ sẽ sớm xây dựng đề án để chúng ta sẽ thảo luận. Việc định hướng tổ chức 4 bài thi là tiệm cận với các nước tiên tiến hay dùng. Việc thi 4 bài thi là những viên gạch đầu tiên, là bước đi ban đầu để chúng ta tiệm cận gần với lộ trình đó.
4 bài thi này sẽ hướng tới cách như thế nào, hướng đến lĩnh vực gì, thưa ông?
Thời điểm này, tôi cũng chưa thể nói rõ 4 bài đó sẽ như thế nào.
Theo ông, 4 môn thi thành 4 bài năm 2015, thi khi chúng ta chưa dạy tích hợp thì có vội vàng không?
Như tôi đã nói, việc làm này không mới, trước đã sử dụng dạng đề này rồi. Năm tới chúng ta có thể sử dụng tăng cường thêm. Cả diện rộng, cả chiều sâu và hướng là sử dụng câu hỏi mở để tiệm cận dần.
Sẽ tiến hành 2 ca/buổi thi
Việc công bố cách thi khi chỉ còn 3 tháng nữa đến kỳ thi, liệu có khó khăn gì cho các trường và học sinh không?
Thực ra thì học sinh hoàn toàn có lợi hơn năm trước. Những năm trước, các môn thi tốt nghiệp THPT được công bố vào ngày 31-3 hàng năm. Năm nay công bố sớm hơn, các em lại được chọn môn thi nên hoàn toàn chủ động.
Với phương thức thi mới, cách dạy và học của các trường có phải thay đổi hay không và nên thay đổi như thế nào?
Có hai lưu ý với học sinh đó là các em phải học đều các môn, có kết quả học năm lớp 12 cao để góp phần nâng cao điểm tốt nghiệp. Về phía nhà trường, ngoài việc dạy học như lâu nay, đề nghị thầy cô và các em lưu tâm hơn đến các câu hỏi mở. Ở đó đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp xã hội để giải quyết vấn đề.
Thí sinh thi 4 môn nhưng vẫn ra đề 8 môn, cách giải quyết của Bộ GD-ĐT như thế nào?
Để tránh các rủi ro có thể xảy ra, chúng tôi làm theo nguyên tắc sau: Mỗi học sinh có một số báo danh duy nhất trong kỳ thi và phòng thi sẽ được xếp theo môn. Mỗi buổi thi sẽ có 2 ca thi. Mỗi ca thi sẽ có duy nhất một môn thi. Như vậy, hoàn toàn loại bỏ được sự lo lắng trong một phòng thi có nhiều môn thi ban đầu. Hiện nay chúng tôi đang dự kiến phương án tổ chức thi như sau: Ví dụ: Một buổi thi môn văn – hóa, buổi thứ hai thi vật lý – lịch sử, buổi nữa thi toán – ngoại ngữ; buổi cuối cùng thi địa lý – sinh học. Như vậy bảo đảm mỗi ca thi chúng ta có ít nhất 75 phút để thực hiện các thao tác kỹ thuật. Việc xếp các môn thi cùng buổi cũng có ngụ ý là để giảm thiểu tối đa học sinh phải thi hai môn trong một buổi thi.
Phương thức thi này kéo dài trong bao lâu, thưa ông?
Phương thức này nằm trong lộ trình đổi mới hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ của NQ29 theo hướng chúng ta chuyển dần từ việc thi 4 môn thành 4 bài thi. Bộ sẽ xây dựng đề án và sớm đưa lên xin ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý…
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê
Theo ông Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT: Hiện nay chúng ta thi theo môn, xu hướng quốc tế là tiến tới bài thi tổng hợp. Bài thi đó đo được nhiều chỉ số, không chỉ kiến thức mà còn nhiều kỹ năng khác. Ví dụ môn toán không chỉ là môn toán mà kết hợp để đo được khả năng tư duy, ứng dụng của môn toán. Môn văn họ thi đọc hiểu. Ở Mỹ có kỳ thi SAT nổi tiếng. Họ chỉ kiểm tra 3 bài là bài toán, bài đọc và bài viết. Viết cũng tổng hợp, đọc hiểu cũng tổng hợp. Trong khi chúng ta chưa làm được 2 bài thì chúng tôi dự định 4 bài để bao hết được các lĩnh vực một cách tổng hợp hơn. Học sinh sẽ phải huy động nhiều kiến thức để giải quyết một bài toán chung trong cuộc sống chứ không dạy hàn lâm, kiến thức chỉ là kiến thức. 4 bài chúng tôi muốn hướng tới là tổng hợp các kiến thức cơ bản mà học sinh phải đối mặt trong đời sống. Chương trình sau 2015 sẽ xây dựng theo hướng tích hợp các môn đó để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên việc này sẽ phải nghiên cứu kỹ nhưng chúng tôi coi nó là định hướng để xây dựng chương trình. |
Thầy Võ Đức Chỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ:
Chỉ thi 4 môn, trong đó có 2 môn tự chọn, vậy làm sao để HS có ý thức học tốt các môn không thi? Từ trước đến nay đã xảy ra một thực tế không thể phủ nhận trong các nhà trường: Không thi thì HS không chịu học. Do vậy hầu hết HS không quan tâm đầu tư những môn học nếu không là môn thi tốt nghiệp. Việc xét học bạ làm căn cứ thi tốt nghiệp sẽ dẫn đến hai trường hợp: Nếu vì thành tích, nhà trường sẽ chủ trương cho giáo viên các bộ môn “cấy điểm” để tất cả HS khối 12 có đủ điều kiện thi tốt nghiệp, việc dạy học chắc chắn giảm chất lượng vì HS không có động cơ học những môn các em không thi, còn người thầy dễ chán nản, không đầu tư cho tiết dạy và chăm chút cho HS vì thái độ lơ là, thậm chí coi thường của HS đối với môn học do mình dạy. Thực trạng này, thậm chí còn khiến một bộ phận giáo viên một số bộ môn thấy thoải mái, buông lơi đầu tư cho việc dạy vì không phải chịu trách nhiệm trước vấn đề chất lượng học tập của HS… Trường hợp thứ hai là những trường học thiết tha vì cái tâm với HS, vì tương lai đất nước. Ở những trường này, Ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên phải rất vất vả tìm biện pháp nhằm giúp HS có ý thức học đều tất cả các môn, để khi tốt nghiệp các em có được những kiến thức tối thiểu về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trường THPT chọn phương án dạy thật và cho điểm nghiêm túc. Vì nếu buông thả để HS học lệch và cho điểm ảo, thì dù tỷ lệ tốt nghiệp là 100% nhưng hậu quả giáo dục rất tai hại: Sẽ không thể khiến HS các khối 10 và khối 11 chịu học, đặc biệt là học đều các môn vì các em thấy đàn anh đàn chị không học hành nghiêm túc mà vẫn đậu tốt nghiệp dễ dàng. Rồi tới đây là việc thi ĐH cũng tương đối dễ vì không phụ thuộc vào điểm sàn…
Cô Trần Thúy Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Hưng, quận Thốt Nốt:
Mong Bộ GD-ĐT có biện pháp để ngăn chặn những trường, vì chạy theo thành tích nên sẽ nhẹ việc dạy học mà thay vào đó là yêu cầu giáo viên các bộ môn “cấy điểm” các môn không thi cho HS. Nếu để tình trạng này phổ biến chắc chắn HS sẽ học lệch và nền giáo dục Việt Nam có bước thụt lùi về chất lượng. Hiện nay trường chúng tôi đang rất vất vả trong việc thuyết phục đại đa số HS chịu học môn sử. Chắc chắn rất ít HS chọn môn này để thi, hiện nay cũng như thời gian tới, và đất nước sẽ ra sao nếu HS tốt nghiệp THPT mà không biết gì về lịch sử của dân tộc?”. Trường tổ chức ôn tập cho HS theo các môn thi do các em chọn, nhưng sẽ phối hợp phụ huynh HS làm công tác tư vấn, định hướng HS chọn môn thi để tránh trường hợp một môn thi nhưng chỉ có 1, 2 em chọn. Không chỉ khó trong công tác ôn tập mà cả trong khâu tổ chức thi: Cơ sở vật chất làm sao đủ khi các môn tự chọn tràn lan? Việc điều động giám thị sẽ như thế nào khi phòng thi chỉ có 1 hoặc 2 thí sinh?”.
Cô Nguyễn Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, quận Cái Răng:
Nếu không là môn thi bắt buộc, sẽ rất khó định hướng để HS chịu học môn ngoại ngữ, trong khi đây là chìa khóa để đưa đất nước và nền giáo dục đi vào quỹ đạo hội nhập. Đa số HS trường chúng tôi ở khu vực nông thôn, từ trước đến nay trường rất nỗ lực để giúp các em chịu học ngoại ngữ và đã đạt một số thành quả nhất định. Bây giờ, ngay khi có quyết định của bộ về phương án thi tốt nghiệp mới, rất nhiều HS đã buông lơi, có thái độ coi thường môn này, cho đó cũng như các bộ môn “phụ” khác. Tôi cho rằng chủ trương thi mới này là bước tụt hậu đối với ngành giáo dục. Về phía nhà trường, chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn vì HS của trường là diện xét tuyển, đa số có sức học yếu nên cũng như các năm học trước, từ đầu năm học, chúng tôi đã tổ chức ôn luyện cho HS khối 12 các môn: Toán, văn, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ. Đến giờ này thì phải điều chỉnh lại công tác ôn tập. Ngoài ra Ban giám hiệu cũng phải làm công tác tư tưởng, động viên các thầy cô giáo dạy những môn không phải toán, văn, để thầy cô tránh bị sốc trước thái độ coi thường môn học của một bộ phận HS. Sẽ làm việc với các giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện hội cha mẹ HS để cùng định hướng HS chọn môn thi phù hợp năng lực và định hướng thi ĐH, trong đó có việc chọn những nghề phù hợp và là yêu cầu của địa phương trường đặt yêu cầu chất lượng giáo dục lên hàng đầu. Chúng tôi tổ chức các kỳ thi, kiểm tra nghiêm túc theo đề chung của trường đối với khối 10, khối 11 và đề của Sở GD-ĐT đối với khối 12.
|
Tin liên quan
Văn phòng UBND TP.HCM đã có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Trần Thị Diệu Thúy tại buổi...
Sáng 22-1, tại Hội nghị sơ kết HKI năm học 2024-2025, Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận đã chính thức ra mắt ứng...
Học kỳ 1 năm học 2024-2025, TP.HCM đạt 81% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Tỉ lệ số lớp học...
Trong thời gian chờ HĐND TP.HCM ban hành nghị quyết về mô hình trường thực hiện nội dung giáo dục chất lượng...
Bình luận (0)