Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long vừa ký công văn phân công chấm chéo bài thi tự luận kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 gửi 63 Sở GD-ĐT trong cả nước và Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng. Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT triển khai việc thực hiện chấm chéo bài thi giữa các tỉnh với nhau.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2008 tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) sáng 28-5 trước giờ vào phòng thi – Ảnh: Quốc Dũng |
Theo đó, thứ trưởng đề nghị các sở cần xây dựng phương án giao nhận bài thi và cam kết đảm bảo việc giao nhận nhanh chóng, an toàn và thuận lợi. Hạn chế tối đa việc phân công nhiều tỉnh chấm cho một tỉnh; số lượng bài chuyển đổi không vượt quá nhiều khả năng của tỉnh nhận bài chấm. Đặc biệt không chấm tráo đổi qua lại giữa hai tỉnh với nhau và tuyến đường vận chuyển bài thi thuận tiện; quãng đường vận chuyển bài thi không quá xa.
Theo bảng phân công chấm chéo bài thi tự luận tốt nghiệp THPT của bộ thì những tỉnh có số lượng thí sinh dự thi nhiều, bài thi sẽ chia cho nhiều đơn vị chấm. Cụ thể TP.HCM do Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang chấm; Hà Nội do Hải Phòng, Hà Nam, Nghệ An chấm; Sơn La do Điện Biên, Yên Bái chấm; Đắc Lắc sẽ do Khánh Hòa, Lâm Đồng chấm; Khánh Hòa do Gia Lai, Kon Tum chấm; Lâm Đồng do Đắc Nông, Ninh Thuận chấm; Đồng Nai do Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh chấm; Thanh Hóa do Ninh Bình, Hà Nội, Hà Tĩnh chấm.
Riêng TP.HCM và Hà Nội phải chấm cho nhiều tỉnh khác nhau như: TP.HCM chấm cho Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh; Hà Nội chấm cho Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định.
Không để thí sinh bỏ thi vì phải đi lại xa
Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết kỳ thi tốt nghiệp năm nay Bộ GD-ĐT quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, khách quan, công bằng, chính xác, đánh giá đúng chất lượng giáo dục, tạo tiền đề cơ bản tiến tới tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả vừa để công nhận tốt nghiệp THPT vừa làm một căn cứ quan trọng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các Sở GD-ĐT đề phòng tai nạn giao thông ở các địa bàn phức tạp như vùng lũ, vùng sông nước và đồi núi hiểm trở; đáp ứng việc ăn, nghỉ, đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thí sinh ở xa và có nhu cầu khi tham gia thi tại các Hội đồng coi thi trong mỗi cụm thi ở địa phương, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh dự thi theo cụm, không để xảy ra tình trạng bỏ thi vì phải đi lại quá xa hoặc vì điều kiện ăn ở sinh hoạt. Các địa phương có thể tham khảo việc hỗ trợ tiền đi lại, ăn ở cho thí sinh tham gia thi cụm của các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng…
QUỐC DŨNG (TTO)
Bình luận (0)