Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thi tốt nghiệp THPT: Phương án nào khả thi?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

HS TP.HCM tranh luận lại bài làm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013. Ảnh: D.Bình
Sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp THPT 2014 và những năm tiếp theo, nhiều ý kiến của các nhà làm giáo dục cũng như các chuyên gia đã được nêu ra. Đa số đều cho rằng nên thi 4 môn nhưng phải có 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ.
Có nên bắt buộc thi ngoại ngữ?
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, phương án thi tốt nghiệp mới được bộ đưa ra chỉ áp dụng đến khi chương trình – SGK mới hoàn thành. Có thể coi đây là giải pháp tạm thời của ngành giáo dục để giảm bớt gánh nặng thi cử cho HS trước khi chúng ta tiến hành đổi mới toàn diện nền giáo dục. Hai phương án đã được Bộ GD-ĐT đưa ra cho đổi mới thi tốt nghiệp đó là thi 4 môn (2 môn bắt buộc: Văn, toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại) hoặc thi 5 môn (3 môn bắt buộc: Toán, văn, ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại). Ở phương án 1, Bộ GD-ĐT có đưa ra giải pháp nếu thí sinh chọn thi môn ngoại ngữ sẽ có điểm cộng khuyến khích còn phương án 2, ngoại ngữ là một trong 3 môn bắt buộc. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng, cần phải đưa môn ngoại ngữ là môn bắt buộc đối với thi tốt nghiệp THPT. PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng ngoại ngữ là môn rất quan trọng cần phải được coi là môn thi bắt buộc, vì thực tế đất nước đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng thì môn ngoại ngữ càng có vai trò lớn. Quan điểm của PGS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng, nếu được thì nên bắt buộc 3 môn thi tốt nghiệp (toán, văn và ngoại ngữ), toán để có tư duy, văn để viết về đất nước, cách hành văn, theo tinh thần không hỏi mà để cho HS phải tự nghĩ ra để viết, riêng môn ngoại ngữ thì ở mức độ nào đó. Nếu Bộ GD-ĐT làm được như vậy, lấy điểm của thí sinh trên quá trình các em học là tốt. Ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An vẫn muốn HS thi ngoại ngữ là môn bắt buộc. Theo ông, ngoại ngữ là chìa khóa để HS tiếp cận tri thức, là kỹ năng để các em có thể tiếp tục phát triển.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng ngoại ngữ đúng là môn rất quan trọng. Bộ cũng đã đưa ra tiêu chí khuyến khích các em nếu lựa chọn thi môn ngoại ngữ. Còn thực tế, bộ cũng như các trường cần thêm thời gian để chuẩn bị thật tốt cho Đề án ngoại ngữ quốc gia. Đồng quan điểm này, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Ninh Nguyễn Đức Bưởi cũng cho rằng không nhất thiết phải thi bắt buộc môn ngoại ngữ. Các em có thể lựa chọn để được cộng điểm khuyến khích.
4 môn là đủ
PGS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng ở thời điểm trước  mắt thì phương án 4 môn thi tốt nghiệp là tốt, trong đó có 3 môn bắt buộc là ngoại ngữ, toán, văn. Ông Nhĩ cũng cho biết, thi tốt nghiệp không nhất thiết phải đỗ 80-90%, mà ra đề thi để đánh giá đạt khoảng 60-70% là tốt, những người không đỗ thì cấp cho các em chứng chỉ học xong bậc phổ thông, và nên cho giấy đó một giá trị trong việc đăng ký trung học nghề, nghề ngắn hạn. Như vậy là giải quyết được vấn đề bỏ 3 chung. Ông Nguyễn Đức Bưởi cũng cho rằng thi tốt nghiệp trong 2 ngày là đủ. 
Theo các chuyên gia, cùng với việc giảm các môn thi, Bộ GD-ĐT nên có tiêu chí cụ thể để kết hợp việc thi và đánh giá tốt nghiệp. Có như thế mới tránh được việc thí sinh học lệch, tiêu cực… Đồng thời, những đổi mới này hoàn toàn có thể thực hiện trong năm 2014. PGS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng việc Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo và có thể sẽ áp dụng ngay trong năm 2014 này, nhiều người lo ngại phương án này quá đột ngột với HS, các em sẽ không có thời gian để chuẩn bị. “Nếu áp dụng trong năm nay, hoàn toàn không ảnh hưởng tới HS, nhưng bộ nghĩ làm sao phải đánh giá HS bằng cách kết hợp với điểm của thí sinh. Bộ GD-ĐT đưa ra đề xuất có thể lấy điểm quá trình học tập của HS là 30% và điểm thi tốt nghiệp 70% cộng lại. Tất nhiên các môn khác giáo viên đánh giá vẫn đạt ở mức 30% thì vẫn có giá trị trong kỳ thi”, ông Nhĩ nói. Như vậy 3 năm học ở phổ thông HS phải học đều đặn các môn, nếu các em chỉ tập trung vào 4 môn thi tốt nghiệp cũng chỉ được 70%. Cách đánh giá như vậy phù hợp với đổi mới. Về phía Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết bộ nghiêng về phương án thi tốt nghiệp 4 môn.
Nghiêm Huê
PGS. Văn Như Cương cho rằng, phương án khả thi nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là thí sinh thi 4 môn. Trong đó bắt buộc thi 2 môn toán, ngữ văn. 2 môn còn lại do thí sinh tự chọn, ngoài các môn: Vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử thì nên có thêm môn ngoại ngữ. Như vậy, phương án này vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học theo Đề án ngoại ngữ 2020 mà vẫn khuyến khích thí sinh học ngoại ngữ thông qua hình thức cộng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)