Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các trường ĐH đều có sự chuẩn bị các phương án dự phòng trong tuyển sinh năm nay cho các tình huống khác nhau liên quan đến thi kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh nhận giấy báo dự thi tốt nghiệp THPT. ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
Xét bằng kết quả học tập THPT
Theo đề án tuyển sinh đã công bố, năm nay Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện tuyển sinh chỉ dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp toán, hóa và sinh cho tất cả các ngành.
Theo PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hiện nay trường phải thực hiện điều chỉnh đề án tuyển sinh theo hướng phù hợp hơn với sự cho phép của Chính phủ, Bộ GD-ĐT và UBND TP.HCM.
Ông Xuân cho biết hiện theo đề án tuyển sinh cũ, dù xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nhưng trường vẫn quy định điều kiện đăng ký chung cho tất cả các ngành là xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên năm lớp 12, đầy đủ sức khỏe để theo học ngành đăng ký. Riêng các ngành y khoa, dược học và răng – hàm – mặt, thí sinh (TS) còn phải có điểm trung bình cộng của 5 học kỳ THPT (trừ học kỳ 2 lớp 12) tối thiểu 7,0. Sau khi có kết quả trúng tuyển, trường sẽ kiểm tra học bạ và những TS không đáp ứng điều kiện này sẽ bị từ chối nhập học. “Nếu phải chuyển sang xét học bạ, có thể TS vẫn phải đạt đủ kiều kiện này trước khi nộp hồ sơ”, ông Xuân nói.
Xét tuyển chung toàn quốc để tránh ảo
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu đề xuất: “Nếu phải xét học bạ thay cho điểm thi, nên chăng xét tuyển chung toàn quốc. Năm nay, Bộ đã yêu cầu nhập điểm học bạ của học sinh lên hệ thống dữ liệu thi, đây là cơ sở để thực hiện việc xét tuyển chung để giảm tỷ lệ TS trúng tuyển ảo đồng thời vào nhiều trường như việc xét học bạ hiện nay”. Cũng theo ông Lưu, nếu có tình huống này xảy ra, quy chế tuyển sinh sẽ phải điều chỉnh lại và các trường sửa đề án. Đặc biệt là thay đổi quy định ràng buộc TS trúng tuyển đợt sau phải có điểm bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước với cùng phương thức xét tuyển.
|
Khi không thể tổ chức kỳ thi tại một số địa phương như Đà Nẵng và 6 TP, thị xã, huyện của tỉnh Quảng Nam, theo ông Xuân, để đảm bảo quyền lợi TS, các trường ĐH có thể tính tới phương án dành một phần chỉ tiêu để xét tuyển kết quả học tập THPT với các học sinh trên các địa bàn này. Tất nhiên dù thực hiện theo cách nào, các trường vẫn phải bám sát quy chế của bộ.
Để dành chỉ tiêu cho đợt 2 thi tốt nghiệp THPT
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm nay xét tuyển theo 5 phương thức cho 5.000 chỉ tiêu. Hiện nhà trường đang trong quá trình xét tuyển diện ưu tiên theo quy định của bộ và ĐH Quốc gia TP.HCM, xét tuyển TS người nước ngoài hoặc tốt nghiệp THTP nước ngoài. Phần lớn chỉ tiêu còn lại trường vẫn chờ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp (30 – 60% chỉ tiêu) và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức (30 – 70% chỉ tiêu).
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết kỳ thi tổ chức 2 đợt, kế hoạch xét tuyển của trường sẽ tùy thuộc vào thời gian tổ chức. Nếu 2 đợt thi gần nhau và tổ chức đợt tuyển sinh chung thì mọi việc bình thường. Nhưng 2 đợt thi và đợt tuyển sinh khác nhau, trường sẽ tính toán tỷ lệ chỉ tiêu còn lại cho đợt 2 để tạo cơ hội cho TS. “Tỷ lệ chỉ tiêu còn lại sẽ phụ thuộc số lượng TS dự thi, đồng thời tham khảo số nguyện vọng mà TS dự thi đợt 2 đã đăng ký vào trường, kể cả số TS các năm trước trúng tuyển vào trường từ các địa phương này”, ông Thắng nhìn nhận.
Trong trường hợp tổ chức 2 đợt thi, tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết trường sẽ thực hiện theo hướng dẫn chung của Bộ GD-ĐT. “Căn cứ trên số nguyện vọng TS thi đợt 2 đã đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vào các trường, có thể tính toán được phần chỉ tiêu cần để dành lại của các trường cho đợt sau”, ông Lưu dự tính.
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)