Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Nên thi mấy môn và đánh giá năng lực thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều ý kiến ủng hộ giảm số môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Quan trọng hơn, điều các nhà trường quan tâm là việc thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thay đổi về 'chất' ra sao để đánh giá năng lực người học.

Nhiều thầy, trò chọn phương án giảm số môn thi

Bộ GD-ĐT đã đưa ra 2 lựa chọn về thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi, đó là thi 6 môn, trong đó có môn lịch sử bắt buộc hoặc 5 môn với môn lịch sử tùy học sinh (HS) lựa chọn. Được biết, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đang tổng hợp ý kiến góp ý từ các địa phương về phương án thi từ năm 2025.

Nên thi mấy môn và đánh giá năng lực thế nào ?  - Ảnh 1.

Học sinh lớp 11 đang theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ là lứa thí sinh đầu tiên tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT đổi mới. N.B.K

Theo ghi nhận, phần lớn HS nghiêng về phương án thi càng ít môn càng tốt. Tuy nhiên, nhiều HS ở Hà Nội cho rằng điều mà các em quan tâm là việc tuyển sinh đại học (ĐH) thế nào. Nếu vẫn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ĐH thì các trường cần công bố tổ hợp xét tuyển ra sao, căn cứ vào đó HS sẽ có định hướng lựa chọn môn thi và ôn tập phù hợp.

Nguyễn Phương Anh, HS lớp 11 Trường THPT Quang Trung (Hà Nội), cho biết: "Nếu chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT thì dù thi mấy môn việc ôn tập cũng không quá căng thẳng, còn vẫn môn thi ấy nhưng có thêm mục đích để xét tuyển vào ĐH, đặc biệt là những trường ĐH tốp đầu thì việc ôn thi sẽ căng thẳng hơn rất nhiều. Khi ấy, "chiến lược" đầu tư cho việc học chính khóa, học thêm ra sao sẽ phải khác hẳn", Phương Anh nói.

Theo bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm (Hà Nội), có 105/105 nhà giáo của trường khi được hỏi ý kiến đều chọn phương án chỉ thi 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ; môn lịch sử sẽ là một trong số môn thi để HS lựa chọn theo năng lực, định hướng nghề nghiệp của mình.

Chính phủ yêu cầu sớm công bố phương án thi

Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 10.9, sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, trong đó đặt ra một số yêu cầu với Bộ GD-ĐT liên quan đến phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT sớm nghiên cứu, công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận xã hội.

Ông Vũ Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng cho rằng môn lịch sử là bắt buộc học nhưng không nhất thiết bắt buộc thi, còn nếu dùng hình thức thi để bắt buộc HS là cách tiếp cận "không hay", bởi trong quá trình dạy học, muốn HS học và yêu thích môn học đó thì phải tạo môi trường, tạo hứng thú cho HS.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Marie Curie (Hà Nội), bày tỏ quan điểm nên xác định rõ theo hướng kỳ thi tốt THPT chỉ tập trung việc đánh giá quá trình dạy và học ở phổ thông và cấp bằng tốt nghiệp theo chuẩn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho đối tượng dự thi. Không "quàng" thêm việc tuyển sinh ĐH cho kỳ thi này. Nếu như vậy thì không cần thiết phải thi nhiều môn và cách thi cũng đơn giản hóa (tiến tới thi trắc nghiệm trên máy tính), giảm áp lực cho người tổ chức thi và thí sinh, giảm tốn kém không cần thiết cho xã hội. Với phân tích như vậy, ông Khang đề nghị chọn phương án thi 5 môn cả bắt buộc và lựa chọn, trong đó lịch sử là một trong những môn lựa chọn.

Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Nên thi mấy môn và đánh giá năng lực thế nào? - Ảnh 3.

Lớp 10 năm nay là lứa học sinh thứ hai học theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT. NGỌC DƯƠNG

Thi thế nào quan trọng hơn

Bà Nguyễn Thị Đoan Trang, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng), cho biết so với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện hành, phương án thi năm 2025 dù có thi môn lịch sử hay không thì HS vẫn được lựa chọn thi 2 trong 4 môn đã chọn học ở bậc phổ thông nên sẽ giúp giảm bớt được gánh nặng cho HS. Các em có thể phát huy được điểm mạnh của mình trong các môn học sở trường và giải tỏa được áp lực phải thi những môn học mà HS cảm thấy không tự tin.

Tuy nhiên, điều băn khoăn của bà Trang và nhiều đồng nghiệp là nội dung câu hỏi thi, đề thi được xây dựng theo định hướng chú trọng phát triển năng lực cụ thể như thế nào? Bà Trang kiến nghị cần những đợt tập huấn bài bản, chính thống về nội dung này từ các chuyên gia, các chuyên viên của ngành GD-ĐT ở từng môn cụ thể, trên cơ sở đó để tiếp tục thực hiện tốt việc kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của HS trong thời gian tới.

Tranh luận lịch sử là môn thi bắt buộc hay tự chọn

Ông Đàm Tiến Nam cho biết trường đã tổ chức hội thảo để tiếp nhận ý kiến góp ý của giáo viên xung quanh dự thảo phương án thi của Bộ. "Kết quả, ý kiến thi lịch sử bắt buộc hay lựa chọn là khá ngang bằng nhau", ông Nam nói.

Vẫn theo ông Nam, nhóm ý kiến cho rằng cần phải thi lịch sử là bắt buộc nhằm đảm bảo định hướng, mục tiêu đầu ra cũng như phát triển theo chiều sâu của chương trình; việc dạy học lịch sử là môn bắt buộc thì bắt buộc thi môn này cũng hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, nhóm ý kiến đề nghị đưa môn lịch sử thành môn lựa chọn lại cho rằng, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì cấp THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, dạy học phân hóa nên không nhất thiết học môn gì phải thi hết môn ấy. Bằng chứng là số môn học bắt buộc ở cấp THPT có tới 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, nhưng dự thảo phương án thi mà Bộ đưa ra cũng chỉ thi 3 hoặc 4 môn bắt buộc. Tương tự, HS phải học đủ 4 môn lựa chọn nhưng cũng dự kiến sẽ chỉ thi 2 môn lựa chọn trong số 4 môn đã học… Còn nói về định hướng nghề nghiệp thì số HS định hướng chuyên ngành, chuyên sâu về môn lịch sử rất ít. Do vậy, học để hiểu biết về lịch sử là cần thiết nhưng thi thì không nhất thiết.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học – Giáo dục VN, cho rằng việc thi tốt nghiệp 5 môn hay 6 môn vẫn là cách tiếp cận cũ. Chương trình mới đã có nhiều thay đổi mà cách đánh giá vẫn theo cách cũ là không phù hợp. Theo ông Lâm, mục tiêu giáo dục hiện nay là đào tạo cho HS có năng lực. Điều quan trọng là rèn cho HS tư duy năng lực vận dụng kiến thức vào cuộc sống, không nặng kiểm tra các em nhớ gì, học thuộc gì. Không thể tổ chức thi theo kiểu cũ, kiểm tra kiến thức từ đầu đến cuối chương trình rồi cộng thêm kiến thức lớp 11, cộng thêm kiến thức lớp 12. Làm như thế là vẫn chạy theo tư duy cũ. Vì vậy, cần phải để cho các nhà sư phạm làm công việc của họ. Hoàn cảnh cho phép, chúng ta nên thay đổi. Học thật, thi thật để tạo ra những con người thật.

Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Nên thi mấy môn và đánh giá năng lực thế nào? - Ảnh 5.

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Kỳ thi này sẽ thay đổi vào năm 2025. NHẬT THỊNH

Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cũng cho rằng dù kỳ thi này chỉ còn mục đích duy nhất là xét tốt nghiệp THPT thì cũng phải đặt lên hàng đầu là sự trung thực, khách quan. Việc thi mấy môn bắt buộc, mấy môn lựa chọn không ảnh hưởng nhiều đến việc dạy học, nhưng việc thi thế nào để đánh giá đúng năng lực của người học thì sẽ tác động quan trọng đến việc học. Các trường ĐH đã nắm quyền tự chủ tuyển sinh, nếu họ thấy kết quả thi tốt nghiệp THPT là đáng tin cậy, là đánh giá đúng năng lực của người học và phù hợp với điều kiện tuyển sinh thì họ sử dụng. Bộ không thể có chỉ đạo cụ thể về việc có sử dụng kết quả này để tuyển sinh hay không.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết nội dung thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bám sát yêu cầu cần đạt về năng lực và kiến thức chủ yếu của lớp 12 trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Có lộ trình phù hợp để tăng nội dung đánh giá năng lực mỗi năm phù hợp với thời gian học tập theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của HS. Phương thức xét tốt nghiệp bao gồm kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp. 

Theo Tuệ Nguyễn/TNO

Bình luận (0)