Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), đã trao đổi với phóng viên xung quanh những thay đổi trong kỳ thi này.
Mặc dù phương án thi 4 môn nhưng các cơ sở giáo dục phải thực hiện đầy đủ khối lượng học tập của từng môn học đã được quy định trong Thông tư 32/2018-TT-BGD-ĐT được sửa đổi bởi Thông tư 13/2022-TT-BGD-ĐT. Cùng với đó, việc xét tốt nghiệp yêu cầu phải có kết quả học tập của tất cả các môn học qua việc đánh giá quá trình.
Thi 4 môn có giúp giảm dạy thêm, học thêm tràn lan?
Việc không thi ngoại ngữ bắt buộc cũng gây băn khoăn vì Chính phủ và Bộ GD-ĐT có Đề án dạy học ngoại ngữ quốc gia với mục tiêu muốn cải thiện chất lượng dạy và học môn học này. Bộ GD-ĐT giải thích gì, thưa ông?
Việc lựa chọn môn thi chúng tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở phân tích Chương trình GDPT 2018, đặc thù môn học, kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tiễn trong nước. Mọi môn học (có đánh giá bằng điểm số, phù hợp thi trên giấy) trong đó có ngoại ngữ đều được tổ chức thi.
Bộ GD-ĐT xác định ngoại ngữ là môn học quan trọng, có tính bắt buộc ở các bậc học. Ở bậc tiểu học, THCS, THPT theo Chương trình GDPT 2018, ngoại ngữ là môn học bắt buộc với mọi HS từ lớp 3 cho đến lớp 12. Ở bậc học CĐ, ĐH, ngoại ngữ cũng là môn học duy nhất tiếp tục được quy định một cách bắt buộc (Quyết định 1982/QĐ-TTg 2016 phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam) về chuẩn đầu ra (bậc 2 với trình độ CĐ, bậc 3 với trình độ ĐH theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của VN).
Như vậy, dù không thi bắt buộc với mọi HS ở kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng ngoại ngữ vẫn là môn học bắt buộc với mọi HS từ lớp 3 đến hết các bậc học CĐ, ĐH, kết quả học tập môn ngoại ngữ ở các bậc học này có ý nghĩa quan trọng ngay trong quá trình học tập mà không phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ngoại ngữ là một trong 2 môn thí sinh lựa chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. ĐÀO NGỌC THẠCH
Một ngoại ngữ bất kỳ đều có 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Với đặc điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay là làm bài thi trên giấy nên với môn ngoại ngữ, chỉ đánh giá được kỹ năng đọc. Do vậy việc đánh giá năng lực ngoại ngữ là phù hợp hơn bởi đánh giá quá trình (đầy đủ 4 kỹ năng) hơn là đánh giá tổng kết (chỉ 1 kỹ năng đọc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT).
Các nước trong khu vực và trên thế giới, rất ít quốc gia lựa chọn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi cấp quốc gia. Ở VN, kết quả môn ngoại ngữ của kỳ thi tốt nghiệp THPT của HS là rất chênh lệch giữa các khu vực khác biệt về cơ sở vật chất và đầu tư học tập cho con người. Ví dụ với môn tiếng Anh, các địa phương có điểm trung bình cao nhất là TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… các địa phương có điểm trung bình thấp nhất là Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Đắk Nông… Sự chênh lệch này đã thấy trong nhiều năm, như vậy dù có là môn thi bắt buộc với mọi HS nhưng nếu không tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất và con người thì kết quả học ngoại ngữ vẫn khó được cải thiện.
Như vậy, để cải thiện chất lượng học tập ngoại ngữ, Bộ GD-ĐT xác định phải dựa trên nền tảng cải thiện về cơ sở vật chất và đầu tư cho con người trong việc giảng dạy và học tập.
Dư luận lo lắng nhiều về tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan và cho rằng cần thay đổi cách thức thi cử, kiểm tra, đánh giá. Bộ GD-ĐT có thể cho biết phương án và cách thức thi mới có giải quyết được tình trạng HS phải học thêm quá nhiều để ôn thi như hiện nay không?
Với phương án thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, HS được lựa chọn môn học và thi theo đúng năng lực sở trường; do đó, chúng tôi cho rằng HS có thể tự học theo đam mê và sở thích để phát huy tối đa năng lực và tăng khả năng tự học của các em.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)