Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2009 có gì mới?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thi tốt nghiệp năm 2009 không có thay đổi nhiều so với năm 2008. Ngoại trừ một số điểm mới như không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp lần 2, và một số thay đổi để đảm bảo kỳ thi được tổ chức nghiêm túc hơn. Ông Trần Văn Nghĩa (ảnh), Phó cục trưởng Cục KT&KĐCLGD, Bộ GD-ĐT cho biết:
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2009 có ba điểm mới: thi tốt nghiệp theo cụm; đổi chéo chấm bài thi tốt nghiệp giữa các địa phương; phân định rõ trách nhiệm của thanh tra bộ và cán bộ giám sát phòng thi, tăng cường thanh tra của bộ ở những nơi không có điều kiện tổ chức thi theo cụm… Để có thể triển khai được các điểm mới đó, quy chế thi cũng sẽ có một số điểm cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Về bản chất thì không có thay đổi nhiều nhưng câu chữ phải chỉnh sửa nhiều nên nhiều ý kiến nghiêng về việc soạn thảo và ban hành quy chế mới. Dự kiến, cuối tháng 2 Bộ GD-ĐT sẽ ban hành.
l Thời gian công bố các môn thi tốt nghiệp năm nay sẽ như thế nào thưa ông?
– Thời gian công bố môn thi không có thay đổi. Các môn thi tốt nghiệp sẽ được công bố vào cuối tháng 3.
l Ông có thể cho biết, đề thi tốt nghiệp năm nay sẽ ra theo hướng nào?
– Về cơ bản đề thi năm nay vẫn giữ ổn định như những năm trước, theo quy chế thi, đề thi phải đảm bảo:
a) Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12 ;
 b) Kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết về thực hành của người học;
c) Đảm bảo tính chính xác, khoa học, tính sư phạm;
d) Phân loại được trình độ của người học;
đ) Phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi;
e) Nếu đề thi tự luận gồm nhiều câu hỏi thì phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi vào đề thi; điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm đều được quy về thang điểm 10;
Cấu trúc đề thi đã được Bộ ban hành và gửi về các sở GD-ĐT, trường THPT. Ngoài ra, cấu trúc đề thi các môn cũng được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT: www.moet.gov.vn.
Đối với các môn toán, vật lý, hoá học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi mỗi môn gồm 2 phần: Phần chung dành cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao.
Phần riêng cho thí sinh học theo từng chương trình: chương trình chuẩn hoặc chương trình nâng cao.
Thí sinh học chương trình nào thì chỉ được làm phần riêng cho chương trình đó (chuẩn hoặc nâng cao); riêng thí sinh tự do được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài.
Đối với tất cả thí sinh, nếu làm cả 2 phần riêng đều không được chấm điểm.
Các môn thi ngoại ngữ, đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng.
Đề thi dành cho thí sinh học theo chương trình GDTX cấp THPT được ra theo chương trình GDTX cấp THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, không có phần riêng.
l Tại hội nghị thi và tuyển sinh 2009, Bộ GD-ĐT có đưa ra phương án thi tốt nghiệp theo cụm. Nhưng dường như dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn về vấn đề này. Ông nghĩ sao?
– Thực ra việc tổ chức thi cụm không phải là vấn đề hoàn toàn mới. Với quyết tâm tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, công bằng và đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức thi tốt nghiệp tập trung (toàn bộ học sinh tập trung về thành phố để thi); tỉnh Nghệ An cũng đã thí điểm tổ chức thi cụm.
Sau khi phân tích kết quả thi ở các tỉnh trên toàn quốc, dựa trên kinh nghiệm của các tỉnh đã tổ chức thi cụm, Bộ GD-ĐT đã thống nhất triển khai việc thi tốt nghiệp theo cụm:

Thi tốt nghiệp THPT năm 2008 tại hội đồng thi Nguyễn Hữu Huân (Thủ Đức, P.HCM). Ảnh: T.T.Q

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức cho học sinh lớp 12 hoặc thí sinh tự do thi theo các cụm trường. Mỗi cụm có ít nhất 3 trường THPT hoặc 3 trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc 2 trường THPT và 2 trung tâm giáo dục thường xuyên;
Trong mỗi cụm trường, danh sách thí sinh được sắp xếp theo các bước sau:
– Bước 1. Xếp theo thứ tự ban: Thí sinh ban khoa học tự nhiên, ban khoa học xã hội và nhân văn, ban cơ bản; thí sinh giáo dục thường xuyên (nếu có);
– Bước 2. Xếp theo thứ tự ngoại ngữ: Trong mỗi ban, trừ thí sinh giáo dục thường xuyên, xếp theo ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật);
– Bước 3. Trong mỗi ngoại ngữ hoặc trong danh sách thí sinh giáo dục thường xuyên: tên thí sinh được xếp theo thứ tự a, b, c…
Số báo danh của thí sinh được đánh từ 001 đến hết số thí sinh của cụm trường.
Để tăng tính khả thi của việc tổ chức thi theo cụm, Bộ cũng đã cho phép: Những trường ở vùng xa, hải đảo đi lại khó khăn, không thể tổ chức thi theo cụm hoặc tổ chức được 2 cụm trường thì có thể tổ chức thi tại chỗ. Tuy nhiên, địa phương phải có báo cáo Bộ và Bộ sẽ tăng cường lực lượng thanh tra cũng như cử các cán bộ từ các trường đại học, cao đẳng tham gia coi thi.
Cảm ơn ông!
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)