Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thi trắc nghiệm: Khâu ra đề cực kỳ quan trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi THPT quốc gia 2017, trừ môn ngữ văn thi tự luận, còn các môn khác đều thi trắc nghiệm. Chính vì vậy mà nhiều học sinh và giáo viên rất băn khoăn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chỉ cần thí sinh nắm vững kiến thức, còn thi theo hình thức nào không quan trọng.

Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 12 trong tiết học giáo dục công dân – một trong các môn thi trắc nghiệm tại kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Anh Khôi

Ông Hoàng Văn Phú (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội): Chưa đến 0,123% đánh hú họa “trúng”

Nhiều người cho rằng thi trắc nghiệm có hạn chế là thí sinh có thể đánh hú họa vẫn chọn được câu trả lời đúng. Tuy nhiên, vấn đề này có thể được nhìn ở hai góc độ. Góc độ 1: Thí sinh làm bài thi bằng cách điền hú họa các phương án trả lời. Về góc độ này, chúng ta không nên đánh giá theo cảm tính, chủ quan, mà cần tính toán định lượng cụ thể bằng các quy tắc tính xác suất. Tôi xin nêu hai tình huống để chúng ta có cái nhìn khách quan (với giả sử là đề thi có 50 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi có 4 phương án trả lời, trong đó chỉ có 1 phương án trả lời đúng). Tình huống thứ nhất: Một thí sinh “mù” về toán, làm bài thi bằng cách với mỗi câu hỏi đều chọn hú họa một phương án trả lời. Với tình huống này, chúng tôi tính được xác suất để thí sinh đó được từ 5 điểm trở lên (theo thang điểm 10) là chưa đến 0,123%. Như vậy, nếu có 1 triệu thí sinh “mù” về toán làm bài thi theo cách trên thì trung bình chỉ có khoảng 123 thí sinh đạt từ điểm 5 trở lên! Một kết quả hoàn toàn chấp nhận được đối với một kỳ thi. Tình huống thứ hai: Một thí sinh có lực học trung bình – khá chỉ có thể trả lời đúng được 60% số câu hỏi của đề thi, mỗi câu hỏi còn lại đều chọn hú họa một phương án trả lời. Chúng tôi tính được, xác suất để thí sinh đó được 10 điểm là nhỏ hơn 1/1.000 tỷ. Tức là trung bình cứ 1.000 tỷ thí sinh làm bài thi như vậy chỉ có chưa đến 1 thí sinh đạt điểm 10. Như vậy, có thể khẳng định rằng, vấn đề thí sinh làm bài thi bằng cách chọn hú họa phương án trả lời không ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi.

Bằng quy tắc tính xác suất, ta tính được xác suất để thí sinh đó được từ 5 điểm trở lên (theo thang điểm 10) là 0,123%. Kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa qua, cả nước có gần 900.000 thí sinh dự thi. Nếu tất cả 900.000 thí sinh này đều “mù” về toán và chọn cách làm bài như trên thì chỉ có 110 thí sinh “đỗ tốt nghiệp”. Một kết quả hoàn toàn chấp nhận được đối với một kỳ thi.

Góc độ 2: Giáo viên dạy cho học sinh các thủ thuật, các “mẹo” để tìm phương án trả lời đúng. Về góc độ này, chắc là các thầy cô dạy toán đều đồng ý với tôi rằng, chỉ có những câu hỏi trắc nghiệm không đạt yêu cầu mới giúp thí sinh dùng “mẹo làm trắc nghiệm” để tìm câu trả lời đúng. Cũng phải nói thêm rằng, với một câu hỏi thì có thể có nhiều con đường “toán học” để tìm câu trả lời đúng, trong đó có con đường dài dòng, có con đường ngắn gọn dựa trên nền tảng vững chắc về kiến thức toán và năng lực vận dụng kiến thức toán vào giải quyết tình huống cụ thể. Tôi có hai cuốn sách “Tuyển chọn đề thi trắc nghiệm học sinh giỏi toán toàn nước Mỹ” tập I và tập II. Khi xem các câu hỏi trong đó thì tôi không thể dùng “mẹo làm trắc nghiệm” để tìm câu trả lời đúng được. Như vậy, nhằm tránh cho học sinh sử dụng “mẹo làm trắc nghiệm” để tìm câu trả lời đúng thì khâu ra đề cực kỳ quan trọng. Và nếu khâu ra đề được thực hiện tốt thì chúng ta sẽ ngăn chặn được tiêu cực nói trên. Đề thi cần được thiết kế trên cơ sở ma trận và người ra đề cần phải kiểm soát được các con đường tìm ra câu trả lời đúng.

Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ ĐỀ THI MINH HỌA

Thầy Đặng Bảo Hòa (Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ): Đề minh họa môn toán hay

Tuy không có những bài tập nâng cao hóc búa như trong phương pháp thi tự luận nhưng nội dung đề minh họa có phổ rộng, đòi hỏi học sinh muốn làm bài tốt phải nắm vững toàn bộ kiến thức căn bản lớp 12 kết hợp sử dụng kiến thức nền của lớp 10, 11; đồng thời phải biết suy luận vận dụng, kỹ năng nhạy bén trong giải toán để tìm ra đáp án trong thời gian ngắn.

Đề có 50 câu, trong đó hơn 30 câu đại số gồm khảo sát hàm số, câu mũ – logarit, tích phân, nguyên hàm, câu số phức; còn lại là câu hình học. Trong 50 câu có 25 câu dễ, chỉ cần nhận biết nên học sinh trung bình và yếu dễ lấy điểm 5 nếu chịu học. Ngoài những câu dễ, có 15 câu dành cho học sinh có học lực khá và 10 câu dành cho các em giỏi. Những câu thuộc dạng nâng cao này không mang tính đánh đố, chỉ đòi hỏi ở học sinh sự thông minh, kỹ năng vận dụng và nhạy bén.

Tuy nhiên, một số câu yêu cầu giải theo dạng tự luận để tìm đáp số, như phần hình học không gian (7 câu), và 5 câu yêu cầu vận dụng thực tế đời sống như tính lãi suất ngân hàng tiền gửi, vận tốc ô tô chạy… e rằng học sinh không kịp thời gian làm bài. Đề minh họa này giúp thầy cô dạy toán có thể dựa vào để hướng dẫn, rèn luyện và ôn tập cho học sinh…

* Cô Dương Hồng Thủy (Tổ trưởng Tổ địa lý Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Cần Thơ): Nắm vững kỹ năng làm bài trắc nghiệm

Nội dung đề minh họa môn địa lý có tính phân hóa từ hiểu kiến thức, đến vận dụng thấp rồi vận dụng cao. Các câu hỏi có nhận dạng biểu đồ, sử dụng Atlat. Học sinh phải nắm kiến thức cơ bản toàn bộ chương trình và hiểu, biết vận dụng kiến thức mới có thể đạt điểm cao. Tuy nhiên, do các em chưa thi trắc nghiệm môn này lần nào nên nếu không rèn luyện sẽ dễ lầm khi gặp những câu có độ nhiễu cao. Thí dụ câu 3: “Đặc điểm nào sau đây chứng tỏ Việt Nam có nhiều đồi núi?”. Dù nội dung câu hỏi dễ nhưng các câu trả lời na ná giống nhau nên nếu các em chỉ thuộc bài mà không hiểu kỹ vấn đề thì dễ lúng túng khi chọn đáp án. Ngoài ra đề có nhiều câu hỏi dạng vận dụng, đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức trong SGK và hiểu biết những vấn đề thời sự quan trọng, biết vận dụng, đánh giá vấn đề một cách thông minh, nhạy bén.

* Em Lâm Thiên Long (học sinh lớp 12 Trường THPT Tôn Thất Tùng, Đà Nẵng): Căng thẳng khi phải thi 3 môn trong một buổi

Bộ GD-ĐT công bố sớm đề minh họa tất cả các môn thi giúp cho chúng em có nhiều thời gian hơn để điều chỉnh phương pháp học theo hình thức thi trắc nghiệm. Qua tìm hiểu em thấy các đề minh họa tương đối dễ, nội dung câu hỏi nằm trong chương trình lớp 12. Riêng với đề minh họa môn toán, dù hơi bỡ ngỡ và lúng túng do là năm đầu tiên thi trắc nghiệm nhưng nếu đề thi được ra tương đương với đề minh họa thì em tương đối yên tâm, vì các câu hỏi nằm trong chương trình lớp 12. Chỉ có một điểm em còn băn khoăn là với việc thi tổ hợp, tức là sẽ phải thi cả 3 môn trong cùng một buổi thi với 150 phút thì sẽ rất căng thẳng cho thí sinh. Và căng thẳng nhiều hơn cho các bạn thi cả 3 môn tổ hợp để lấy điểm xét tuyển ĐH.

Đ.Phượng – V.Yên (ghi)

TS. Lê Viết Khuyến (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam): Không thể hiểu một cách khô cứng đúng – sai

Hình thức nào cũng tốt, nhưng thi trắc nghiệm trong điều kiện đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT thì giải quyết được nhiều vấn đề hơn, đòi hỏi người học toàn diện, tránh học tủ, học lệch và tránh được những tiêu cực trong thi cử. Thi trắc nghiệm cũng đánh giá được kiến thức và kỹ năng cơ bản của người học hơn là thi tự luận. Nhưng thi ở hình thức cao hơn như tuyển vào các trường ĐH thì có thể thi tự luận sẽ thích hợp hơn.

Đề thi trắc nghiệm không thể hiểu theo một cách khô cứng giống như “yes” hay “no”, lâu nay nhiều người vẫn nghĩ như vậy. Thực ra, kết quả thi trắc nghiệm dựa trên một phương pháp luận đề đo lường và đánh giá trong giáo dục. Đề thi được xây dựng dựa trên các câu hỏi, câu hỏi đã được thử nghiệm trên chính người học dựa trên độ khó, dễ; và sau đó mới cấu trúc thành đề. Ngược lại, với đề thi tự luận lâu nay được làm theo kiểu dựa vào kinh nghiệm của người thầy, tập hợp thầy và tự nghĩ ra đề, người thầy cảm thấy đề phù hợp nhưng không được thử nghiệm trên người học, do đó phổ điểm năm thì lệch phải, năm thì lệch sang trái.

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT): Thi trắc nghiệm hạn chế sự can thiệp của con người

Trắc nghiệm với tự luận thì không thể nói cái nào tốt hơn, mỗi hình thức có một ưu thế nhất định. Nhưng nếu để áp dụng với một kỳ thi có quy mô lớn thì trắc nghiệm có ưu thế áp đảo. Vì chất lượng thi trắc nghiệm phụ thuộc vào đề thi, còn chất lượng thi tự luận phụ thuộc vào năng lực người chấm. Trong khi đó đề thi có thể làm chất lượng được bằng cách huy động người soạn thảo trong một thời gian lâu, để có ngân hàng tốt; còn năng lực người chấm có khi chấm hàng triệu bài trong nửa tháng thì không thể huy động được người chấm có năng lực. Khi chấm, đối với tự luận sẽ dựa vào barem điểm rất chi tiết, có khi người chấm chỉ cần đếm ý để cho điểm, không đọc chi tiết xem thí sinh viết như thế nào? Như vậy vô tình đã biến đề tự luận có thể là rất hay thành một đề trắc nghiệm tồi. Ngược lại, với hình thức thi trắc nghiệm như phương án của bộ thì đề thi đã được thiết kế ngay từ đầu để có được nội dung từng ý, từng ý lại xen lẫn nội dung cần diễn đạt để đo từng năng lực của học sinh.

Thiên Lam

Bình luận (0)