Đại diện nhiều trường ĐH chỉ ra, việc đột ngột áp dụng thi trắc nghiệm đối với môn lịch sử sẽ gây khó khăn cho học sinh; hạn chế khả năng vận dụng kiến thức, phân tích, tổng hợp, đánh giá; không kiểm tra được khả năng diễn đạt viết, suy luận, giải quyết vấn đề ở các em.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2016 môn lịch sử tại TP.HCM với hình thức tự luận. Dự kiến năm 2017, môn này sẽ được thi trắc nghiệm. Ảnh: T.Trân |
Theo dự thảo phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017, môn lịch sử sẽ không đứng độc lập mà nằm chung trong bài thi khoa học xã hội cùng với hai môn giáo dục công dân và địa lý. Đặc biệt, khác với trước đây, môn lịch sử sẽ được thi trắc nghiệm.
TS. Tưởng Phi Ngọ (nguyên Phó Trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận định, dự thảo phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017 có một số ưu điểm, nhất là đồng bộ, gọn nhẹ, chấm thi công bằng, nhanh chóng; tuy nhiên có nhiều điều không hợp với môn lịch sử. Cụ thể, số lượng 20 câu hỏi trắc nghiệm là quá ít để lấy kết quả vừa dùng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển vào ĐH-CĐ phục vụ mục đích “tuyển dụng nhân tài”. TS. Ngọ cho rằng, trắc nghiệm có ưu thế kiểm tra trình độ biết và hiểu trên diện rộng nhưng không đo được trình độ nhận thức ở các bậc cao hơn như vận dụng kiến thức, phân tích, tổng hợp, đánh giá; không kiểm tra được khả năng diễn đạt viết, suy luận, giải quyết vấn đề; tiềm ẩn nhiều may rủi do quay cóp, đoán mò. Chưa kể, về lâu dài, nếu học sinh chỉ tập trung quan tâm đến các đề trắc nghiệm để chuẩn bị cho thi, kiểm tra mà xao lãng việc học theo các bài, chủ đề thì cuối cùng chỉ nắm được những tri thức lịch sử tản mạn, rời rạc, thiếu hệ thống.
“Về lâu dài, nếu học sinh chỉ tập trung quan tâm đến các đề trắc nghiệm để chuẩn bị cho thi, kiểm tra mà xao lãng việc học theo các bài, chủ đề thì cuối cùng chỉ nắm được những tri thức lịch sử tản mạn, rời rạc, thiếu hệ thống”, TS. Tưởng Phi Ngọ (nguyên Phó Trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đánh giá. |
“Mỹ hiện nay đã bỏ thi trắc nghiệm. Hình thức thi trắc nghiệm của Nhật (áp dụng từ năm 1990) hiện đang bị chỉ trích rằng “không thể đánh giá đúng khả năng hiểu biết của thí sinh”; “một số sinh viên thiếu kỹ năng viết”… Vì vậy, họ đề xuất từ năm 2020 trở đi sẽ bổ sung vào bài thi phần luận đề cho nhiều môn để khắc phục những nhược điểm đó”, TS. Ngọ cho biết.
ThS. Nguyễn Duy Hải (Trưởng khoa Khoa học xã hội – nhân văn Trường ĐH Văn Hiến) có cùng quan điểm khi cho rằng, đề thi 20 câu trắc nghiệm không thể đánh giá hết năng lực thí sinh, trong khi đó các em phải ôn tập hết tất cả khối lượng kiến thức mới có thể làm bài tốt. Chưa kể, ngoài môn lịch sử, thí sinh còn phải ôn tập thêm hai môn khác (của cùng bài thi). Như vậy khối lượng kiến thức phải học rất nhiều nhưng xác suất câu hỏi rơi vào những phần đã học lại thấp gây khó khăn cho cả thí sinh lẫn thầy cô hướng dẫn.
“Việc chuyển hình thức thi tự luận ở môn lịch sử sang thi trắc nghiệm sẽ gây không ít khó khăn cho thí sinh cho nên cần có lộ trình, cần phân chia tỷ lệ đề thi giữa hai phần tự luận và trắc nghiệm để thí sinh tìm được phương pháp ôn tập và làm quen dần”, ThS. Hải đề xuất.
Tương tự, TS. Tưởng Phi Ngọ cũng kiến nghị tránh dùng duy nhất hình thức thi trắc nghiệm đối với môn lịch sử. Thay vào đó, đề thi môn lịch sử nên thi theo hình thức tự luận hoặc gồm cả hai phần trắc nghiệm và tự luận. Bên cạnh đó, TS. Ngọ còn đề xuất tách bạch hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ vì mục tiêu của hai kỳ thi này khác nhau. Trong đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT cần được duy trì và đổi mới cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ ban hành sau năm 2018. Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn tuyển sinh ĐH-CĐ có thể giao cho các trường tự chủ trong việc này.
Mê Tâm
Bình luận (0)