Nhiều chương trình ca nhạc quy mô vừa phải từ vài trăm đến khoảng 1.000 khán giả xuất hiện khá nhiều thời gian qua. Xu hướng này được các nhà sản xuất lựa chọn vì dễ thực hiện. Tuy nhiên, vẫn có không ít thách thức.
Nhộn nhịp các chương trình mới
Sau đợt nghỉ lễ, Mây Lang Thang tiếp tục có loạt chương trình diễn trong tháng Năm này với sự tham gia của các ca sĩ như: Bằng Kiều, Thùy Chi, Vương Anh Tú, Orange (Khương Hoàn Mỹ), Hoàng Hải… Nhạc sĩ Đức Trí và các cộng sự đang ráo riết chuẩn bị cho sự trở lại của Musique de Salon vào ngày 18/5 tới tại Nhà hát TPHCM, Quân Đội… Các chương trình ca nhạc này có quy mô chỉ từ vài trăm đến khoảng 1.000 khán giả.
Ca sĩ Văn Mai Hương biểu diễn tại Nhật Bản, quy tụ gần 1.000 khán giả. Ảnh do ban tổ chức cung cấp
Không phải đến nay mà từ 2 năm trước, đạo diễn Vân Trình (nhà sáng lập Xin Chào Live Music) đã liên tục tổ chức các đêm nhạc từ 1.000-1.500 chỗ ngồi, hướng tới nhiều đối tượng khán giả của các dòng nhạc khác nhau: indie, boléro, ballad… Mô hình này khá vừa vặn với các thương hiệu mới trên thị trường, đảm bảo an toàn cho nhà sản xuất (NSX).
Các chương trình có quy mô vừa phải đã diễn ra ở nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Lạt, Thanh Hóa, Hạ Long, Phan Thiết, Cần Thơ… trong thời gian qua. Mới đây, Xin Chào Live Music tiếp tục mở rộng bằng mô hình biểu diễn tại Nhật với tên gọi TKO Concert. Mở màn là chương trình của Văn Mai Hương quy tụ gần 1.000 khán giả, tại Tokyo.
Các địa phương – đặc biệt những điểm phát triển du lịch – cũng bắt đầu quan tâm, chú trọng đến việc thưởng thức nghệ thuật của du khách, xem các chương trình nghệ thuật là yếu tố quan trọng để thu hút du khách. Các chương trình ca nhạc nhờ đó có thêm điều kiện thuận lợi để tổ chức. Một số đơn vị chọn kết hợp với các resort, khu nghỉ dưỡng… để tổ chức biểu diễn. Tuy nhiên chúng chỉ xuất hiện nhỏ lẻ chứ chưa tạo thành vệt hay dấu ấn lớn.
Nhu cầu thưởng thức của khán giả với âm nhạc hát trực tiếp ngày càng tăng. Đây cũng là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển của bất kỳ mô hình nào. Với không gian ấm cúng, gần gũi, ca sĩ và khán giả cũng dễ dàng giao lưu, gia tăng sự kết nối.
Có thể thấy, các chương trình này không quá chú trọng vào cảnh trí, hiệu ứng sân khấu… vốn là những khoản “ngốn” không ít chi phí. Đặc biệt, khi diễn ra tại các địa phương phát triển du lịch, chúng được cảnh sắc thiên nhiên bổ trợ khá tốt cho phần nhìn. Lượng vé vừa phải cũng không tạo áp lực quá lớn lên NSX trong khâu phát hành.
Không chỉ có thuận lợi
Qua giai đoạn trầm lắng, những diễn biến này được xem là tín hiệu tốt cho thị trường, dù việc bán vé vẫn còn nhiều khó khăn. Các NSX cho rằng, vẫn cần thêm thời gian để thói quen chi tiền để thưởng thức âm nhạc của khán giả ổn định. Dĩ nhiên, tất cả đều phải xuất phát từ chất lượng chương trình phải tốt.
Ông Lê Văn Linh – đại diện Gia Định Audio (đơn vị cùng nhạc sĩ Đức Trí sản xuất Musique de Salon) – cho biết: với quy mô 700-800 ghế cho mỗi chương trình, đến nay, sau 12 số, phần thu về luôn nhỏ hơn phần chi ra. Tuy nhiên, cả 2 bên hợp tác đều xác định mục tiêu là làm đa dạng bức tranh nhạc Việt, nên trước mắt tạm gác vấn đề lợi nhuận.
Ca sĩ Hà An Huy biểu diễn trong chương trình Musique de Salon tháng 3/2024, tại TPHCM. Ảnh: Ban tổ chức
Nếu như nhiều chương trình ca nhạc khác chỉ dừng ở việc bố trí ban nhạc live thì Musique de Salon còn mang cả dàn nhạc giao hưởng hùng hậu lên sân khấu, khiến chi phí đầu tư tăng lên. Việc tìm một điểm diễn cố định, với quy mô khoảng 1.000 chỗ, đảm bảo chất lượng âm thanh tốt hiện vẫn khó. Trong khi đó đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển lâu dài.
Các chương trình không mạnh phần nhìn nên tập trung vào phần nghe để lôi cuốn khán giả. Ngoài ban nhạc hay, ca sĩ cũng phải có giọng tốt, được nhiều khán giả yêu thích. Nếu NSX chi trả theo đúng mức cát sê bình thường của họ sẽ rất khó khăn, đặc biệt những chương trình quy tụ nhiều ca sĩ. Vì thế, giữa NSX và ca sĩ cũng phải tìm được tiếng nói chung, để có thể cùng phát triển. “Sân khấu phải giúp cho ca sĩ thăng hoa trong âm nhạc; là sân chơi giúp họ thấy thoải mái, phát triển được” – ông Lê Văn Linh cho biết. Theo ông, hiện chương trình đã sản xuất được 12 số cũng nhờ yếu tố này.
Đạo diễn Vân Trình cho rằng, cũng sẽ có sự cạnh tranh để tồn tại. Bởi với quy mô này, không khó để các đơn vị đầu tư, thử sức. “NSX nào đủ nhanh nhạy, sáng tạo để có lối đi riêng, đồng thời có tiềm lực kinh tế, nhất định sẽ tạo được chỗ đứng góp phần làm bức tranh ca nhạc ở Việt Nam đa dạng hơn” – anh nói.
Theo anh, khi một thương hiệu ra đời, phải xây dựng được kế hoạch đường dài, kiên định, bởi thành quả sẽ không đến ngay lập tức mà cần có một quá trình dài để có được “quả ngọt”. Các chương trình này có thể giúp NSX có điều kiện cân đối tài chính, nguồn lực, nhân sự nhưng rủi ro, mất mát… luôn có với bất kỳ chương trình nào, đặc biệt khi chọn tổ chức ở những địa phương xa.
“Dù chương trình lớn hay nhỏ, chúng tôi luôn đặt trọng tâm chất lượng, uy tín, bền vững lên hàng đầu; từ đó mới tính tới lợi nhuận, con đường dài hạn” – đạo diễn Vân Trình chia sẻ.
Theo Trung Sơn/NLĐO
Bình luận (0)