Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thị trường bán lẻ còn nhiều tiềm năng

Tạp Chí Giáo Dục

 

Thứ tư, 05/04/2017, 09:42 (GMT+7)

Theo số liệu thống kê cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá ổn định ở mức trên 10% mỗi năm. Năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 2,68 triệu tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2015. Trong đó, doanh thu bán lẻ theo phương thức truyền thống chiếm tỷ trọng gần 80%, bán lẻ hiện đại chiếm hơn 20%. Trên thực tế, thị trường bán lẻ của Việt Nam còn nhiều tiềm năng.

Người tiêu dùng mua sắm tại cửa hàng tiện lợi của một DN trong nước. Ảnh: CAO THĂNG

Đua nhau mở điểm bán

Liên tục trong 3 năm từ 2014-2016, người ta chứng kiến hàng loạt vụ chuyển nhượng và sáp nhập doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực bán lẻ với giá trị rất lớn. Nổi bật là vụ Tập đoàn Berli Jucker (BJC, Thái Lan) mua lại chuỗi siêu thị Metro Việt Nam; Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại (TTTM) của Big C Việt Nam… Ở trong nước, Tập đoàn Vingroup đã lần lượt thâu tóm chuỗi siêu thị Ocean Mart, Vinatexmart, Maximark. Cùng với mua bán và sáp nhập, hàng loạt nhà bán lẻ hàng đầu trong khu vực cũng đẩy mạnh việc tìm kiếm và hợp tác với các DN bán lẻ trong nước để phát triển các điểm bán tại Việt Nam, như Tập đoàn Mapletree và Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore) bắt tay với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op)…

Trong khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài có phần chú ý hơn đến việc đầu tư vào phân khúc siêu thị, đại siêu thị và TTTM, thì DN trong nước lại tập trung nhân rộng các mô hình kinh doanh, dưới dạng các cửa hàng tiện lợi. Điển hình nhất là Saigon Co.op. Vào cuối năm 2016 vừa qua, đơn vị này tiếp tục ra mắt thêm một mô hình kinh doanh mới là cửa hàng Co.op Smile.  Co.op Smile được hình thành từ việc liên kết, đầu tư, biến cửa hàng tạp hóa thành đại lý bán lẻ hiện đại với phương thức nhượng quyền thương hiệu. Tiêu chí của hệ thống này là diện tích kinh doanh linh hoạt, từ 20 – 200m2, đặt trong những khu dân cư nội, ngoại thành. Chỉ sau một thời gian ngắn, đến nay đã có 20 cửa hàng Co.op Smile tại TPHCM.

Trong cuộc đua mở cửa hàng tiện lợi còn có Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) với chuỗi 105 cửa hàng Satrafoods tại TPHCM. Theo đó, vào ngày 29-2 vừa qua, Satra chính thức khai trương cửa hàng Satrafoods tại Cần Thơ nhằm nối dài cánh tay phân phối hàng hóa đến các các tỉnh, thành khác.

Chuỗi Bách hóa xanh của Công ty Thế giới di động đã có trong tay 50 điểm bán, dự kiến sẽ mở tới 350 cửa hàng trong năm 2017. Tập đoàn Vingroup cũng đã tham gia phát triển chuỗi cửa hàng VinMart+ với khoảng 1.500 cửa hàng trên toàn quốc, gấp 5 lần so với thời điểm cuối năm 2015.

Bên cạnh các DN trong nước, thị trường Việt Nam cũng đã xuất hiện hàng loạt chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini của các thương hiệu như Shop&Go, Circle K, FamilyMart, B’mart… đã và đang cạnh tranh quyết liệt nhằm nhanh chóng phủ kín thị trường.

Vẫn còn dư địa

Mặc dù các cửa hàng tiện lợi đang được xem như “nấm mọc sau mưa”, nhưng theo các chuyên gia vẫn chưa thấm vào đâu so với các nước. Theo tính toán, hiện cứ 69.000 người dân Việt mới có 1 cửa hàng tiện ích, trong khi tỷ lệ này ở Philippines là 37.000 người, Trung Quốc là 21.000 người, Hàn Quốc 1.800 người. Tổng giám đốc của một trong những DN bán lẻ hàng đầu tại TPHCM cũng cho biết đơn vị này mở cửa hàng ở đâu cũng thắng lớn. Doanh thu từ các cửa hàng tiện lợi hiện tăng ổn định ở mức 50%, thậm chí có thời điểm tăng đến 100%, gấp nhiều lần so với mảng kinh doanh siêu thị. Vì thực tế, nhiều siêu thị của các DN trong nước hiện đang mất dần sự cạnh tranh so với các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài, do vậy DN này đã buộc phải chuyển hướng kinh doanh kịp thời.

Dư địa phát triển của mô hình bán lẻ hiện đại này còn rất lớn, song không phải DN bán lẻ nào cũng có điều kiện để đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối và thành công. Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho biết cùng với việc phát triển chuỗi các trang trại chăn nuôi, công ty cũng tập trung để đầu tư cho chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, đến nay công ty cũng mới chỉ phát triển được 7 điểm bán. Nguyên nhân chính là thị trường đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa DN nội và nước ngoài trong việc săn tìm những mặt bằng tốt để phát triển chuỗi các cửa hàng tiện lợi.

Nhận định về cơ hội phát triển của các cửa hàng tiện lợi, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết tốc độ tăng trưởng của loại hình này nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của siêu thị cũng như các loại hình bán lẻ khác. Nhưng cái khó nhất của cửa hàng bán lẻ nhỏ là tổ chức cung ứng hàng hóa, logistics và quản trị. Vấn đề này thì DN vốn đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm hơn DN Việt, bởi họ vừa có chuỗi cửa hàng tự đầu tư, vừa có kinh nghiệm trong nhượng quyền cửa hàng. Trước sự xuất hiện của nhà kinh doanh cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới 7-Eleven, một số chuyên gia thị trường cho rằng, về ngắn hạn, các cơ sở bán lẻ sẽ chưa thấy sự ảnh hưởng trực tiếp giống như hiệu ứng 12 năm trước khi Metro vào Việt Nam, nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến từng ngõ hẻm. 7-Eleven là mô hình bán lẻ rất hiệu quả trên thế giới và đã chứng minh được sự phù hợp ở các nước Đông Nam Á. Điều này khiến nhiều DN trong nước e ngại. Tuy nhiên, nếu DN có những biện pháp chủ động hơn trong cách bán hàng, tận dụng tốt lợi thế “sân nhà” để cung ứng những mặt hàng thiết yếu có chất lượng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của khách hàng thì vẫn có thể làm chủ cuộc chơi.

 Tính toán của ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vissan, cho thấy hiện nay giá các mặt bằng mà Vissan thuê đã tăng gấp đôi so với hồi cuối năm 2013. Đây cũng là một trong những lý do khiến Vissan phải thu hẹp các điểm bán từ hơn 100 xuống còn khoảng 40 cửa hàng, nhằm cắt lỗ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi cửa hàng tiện lợi phải mất 5 – 6 năm mới có thể hoàn vốn. Để đạt được mức lợi nhuận ổn định, phải mở ít nhất 300 cửa hàng. Điều này hoàn toàn đúng với thực tế tại một số DN trong nước. Dù không công khai mức lỗ hàng năm đối với 1 cửa hàng, nhưng theo con số chúng tôi có được, tại 1 điểm bán có thể lỗ khoảng 2 tỷ đồng!

 

 THÚY HẢI (SGGP)

 

Bình luận (0)