Một nền kinh tế đang phát triển với dân số hơn 90 triệu người là vùng đất hứa của ngành bán lẻ, tiêu dùng. Bán lẻ được chờ đợi là ngành kinh doanh có sức tăng trưởng bùng phát trong tương lai không xa. Không ngạc nhiên khi những thương hiệu lớn nhất trong ngành này đều đang tìm cách mở rộng sự có mặt tại Việt Nam, đầu tư phát triển cả các kênh thương mại, bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử. Cơn sóng đổ bộ của nhà đầu tư ngoại đã mở rộng cửa cơ hội việc làm cho giới trẻ và cũng đặt ra không ít thử thách cho nhà đầu tư nội. Liệu kịch bản nào sẽ diễn ra với thị trường “mới nổi” Việt Nam?
Thị trường tiềm năng đầy hấp dẫn cho đến cuộc đối đầu giữa nhà đầu tư nội và các “ông lớn” nước ngoài
Theo báo cáo của CBRE về “Mức độ sôi động của các thị trường bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2014”, Việt Nam thuộc top 10 quốc gia được đánh giá cao về tiềm năng bán lẻ bậc nhất khu vực. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 11,7%/năm trong giai đoạn 2008 – 2014 và dự báo tăng trưởng 13% trong giai đoạn 2015 – 2018.
Năm 2017, Theo kết quả khảo sát thường niên về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu năm 2017 (GRDI) của Hãng tư vấn A.T. Kearney, thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn hàng đầu ASEAN và tiềm năng của thế giới với dân số trẻ, đô thị hóa nhanh và nền kinh tế mở cửa. Chỉ số xếp hạng của Việt Nam đã tăng 5 bậc, xếp ở vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng khu vực. Hiện Việt Nam chỉ đứng sau các thị trường lớn là Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE). Như vậy, Việt Nam đã vượt các thị trường đông dân như Indonesia (vị trí trứ 8), hay các nước có thị trường bán lẻ tốt trong những năm qua như Saudi Arabia (thứ 11), Kazakhstan (thứ 16), Philippines (vị trí 18), Thái Lan (thứ 30).
Tương tự, kết quả khảo sát và nghiên cứu đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cũng chỉ ra rằng, việc Chính phủ cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài, cùng với các yếu tố như chính sách ưu đãi, đô thị hóa, dân số tương đối trẻ… đã khiến thị trường bán lẻ Việt Nam lọt vào danh sách thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới.
Từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, tỉ trọng doanh thu bán lẻ hiện đại từ dưới 10% đã tăng lên 25% cuối năm 2014, nhưng vẫn thấp so với các nước trong khu vực. Điều này cho thấy dư địa phát triển kênh bán lẻ hiện đại là khá lớn. Dự báo thị phần kênh bán lẻ hiện đại Việt Nam là 45% năm 2020.
Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, điển hình như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan), CJ, Circle K, E-Mart, 7-Eleven, Auchan… đã và đang đầu tư, hoạt động tại Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán – sáp nhập. Điều này dẫn đến hiện tượng các cửa hàng, trung tâm mua sắm từ doanh nghiệp nội địa và nước ngoài mọc như nấm sau cơn mưa. Sự có mặt của nhà phân phối nước ngoài là cú hích mạnh mẽ thúc đẩy các nhà bán lẻ Việt Nam đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức giữa “ông lớn” nước ngoài và những tập đoàn truyền thống nội địa.
Tuy nhiên, sự am hiểu, kiến thức và kinh nghiệm về thị trường nội địa sẽ là những kháng thể để các nhà bán lẻ nội địa giữ được vị thế của mình trong cuộc chiến ít cân sức ấy. Nhà nhà người người Việt Nam đã quá quen thuộc với những tên gọi như: Coopmart, Satra, Co.op Food, B’s Mart, Vinmart,…
“Cuộc chiến” không cần sức và quy mô thị trường lao động thiếu hụt nghiêm trọng
Theo các chuyên gia phân tích thị trường, sự gia tăng mạnh mẽ của các cửa hàng tiện ích đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho bức tranh ngành bán lẻ, biến đây thành “chiến trường” ngày càng nóng bỏng, sôi động hơn. Khi tốc độ đô thị hoá ngày càng mạnh mẽ, quy mô gia đình ngày càng nhỏ và nhu cầu của người dân về mua hàng hoá, sử dụng dịch vụ cửa hàng tiện ích càng tăng cao thì thách thức về nhân sự cả về chất lượng và số lượng cho ngành bán lẻ càng trở nên căng thẳng với những tập đoàn đang “tham chiến”.
Nói như ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng quản trị Thế giới di động “Một nhà bán lẻ muốn phát triển trong tương lai, cần phải được khách hàng yêu mến mình. Khi ý thức được tầm quan trọng của người nào đó trong cuộc đời mình, thì mình sẽ làm mọi thứ để giữ. Đối với tôi, khách hàng là đối tác”. Để có được và giữ được khách hàng, điều quan trọng góp phần vào thành công đó là khả năng và ý thức phục vụ của đội ngũ nhân viên tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hoá của doanh nghiệp.
Còn theo ông Vũ Thanh Tú – CEO của 7-Eleven Việt Nam thì cho rằng “Thị trường ở Việt Nam còn rất mới, khách hàng đang thay đổi, sẵn sàng thích ứng với cái mới. Họ không thực sự gắn kết với một thương hiệu nào, mà sẵn sàng thử.” Với một thị trường tiềm năng như bán lẻ thì nhu cầu về nhân sự chất lượng và quy mô lớn càng là bài toán hóc búa với các nhà phát triển lĩnh vực này.
Cơ hội việc làm rộng mở dành cho sinh viên ngành quản trị bán hàng
Thị trường đầy tiềm năng, cơ hội nghề nghiệp rộng mở, con đường thăng tiến thuận lợi đối với nhân sự trong ngành bán lẻ nói riêng và quản trị bán hàng nói chung. Trên thực tế, các chuyên gia nhân sự về ngành này vẫn đang ‘đau đầu với bài toán’ thiếu hụt trầm trọng ở cấp cao, từ trưởng, phó phòng trở lên. Trong khi đó, nhân lực bộ phận bán hàng, giao nhận chưa chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng nghiệp vụ. Còn đội ngũ bán hàng ít có tính ổn định, ‘nhảy việc’ liên tục, các siêu thị thường xuyên thay đổi người thay thế.
Nguyên nhân chính vẫn do nhóm ngành này vẫn chưa được đào tạo bài bản, chỉ khoảng 4 – 5% được đào tạo bài bản, hơn 50% nhân lực chưa qua đào tạo, … thiếu hụt nhiều kiến thức, kỹ năng và tâm lý trân trọng nghề nghiệp. Với các cơ sở đào tạo tại Việt Nam, rất ít trường học có ngành quản trị bán hàng tập trung đào tạo, định hướng cho sinh viên ngành bán lẻ, chỉ có một số trường giảng dạy marketing trong đó lồng ghép nghiệp vụ thương mại.
Nhà trường nên kết hợp cùng doanh nghiệp đưa sinh viên tiệm cận hơn với thực tế, không chỉ trau dồi thêm kiến thức mà còn nhận thức nghiêm túc nghề nghiệp, từ đó gắn bó lâu dài hơn, bất kể đó là ngành học gì. (Ảnh Sinh viên trường Cao đẳng Việt Mỹ trong dịp kiến tập tại doanh nghiệp Golden Gate).
Vừa là cơ hội vừa là thách thức không chỉ với ngành bán lẻ mà chính các bạn sinh viên đã đang và dự định sẽ theo học ngành quản trị bán hàng trong tương lai. Một mặt, các bạn hoàn toàn có thể chủ động nắm bắt được cơ hội thăng tiến cao trong công việc. Con đường nghề nghiệp trong vòng 2 – 3 năm, với những nhân viên có thái độ làm việc nghiêm túc, được đào tạo bài bản và định hướng rõ ràng, các bạn sẽ vươn đến vị trí cửa hàng trưởng, giám sát cửa hàng. Nhưng mặt khác, người học cần nghiêm túc đặt mục tiêu trong học tập, không ngừng trau dồi kỹ năng, kiến thức xã hội, ngoại ngữ để linh động làm việc trong mọi môi trường, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tại Cao đẳng Việt Mỹ, từ năm 2018 – 2019, nhà trường sẽ đào tạo ngành quản trị bán hàng với định hướng giảng dạy theo chuẩn quốc gia và đáp ứng được yêu cầu của các công ty nước ngoài. Đội ngũ giảng viên là quý thầy, cô dày dặn kinh nghiệm, tích lũy từ chính quá trình làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đồng thời, chương trình đào tạo chú trọng thực hành 70%, lý thuyết 30%, giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế CDIO. Giúp các bạn sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức, học thêm những nội dung phù hợp với xu hướng như: bán sỉ, bán lẻ, quản trị nhân sự, Digital marketing, cách vận hành các kênh bán hàng hiệu quả trên mạng xã hội…
Đồng thời, nhà trường còn kết hợp với doanh nghiệp tổ chức các chuyến kiến tập, thực tế, thi cấp chứng chỉ nghề để các bạn sinh viên chủ động nắm bắt cơ hội việc làm ngay từ năm nhất cũng như sau khi ra trường.
T.D.V
Bình luận (0)