Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thị trường bán lẻ trước “giờ G”: Vẫn còn cửa cho doanh nghiệp trong nước

Tạp Chí Giáo Dục

Hệ thống siêu thị Co.opMart hiện đã mở cửa hàng tới tận cửa các chung cư – Ảnh: HỒNG NHỰT

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng không nên quá lo lắng và bi quan về việc mở cửa thị trường bán lẻ trong nước vào "giờ G" (ngày 1-1-2009). 

Sáng 18-12, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp đã tổ chức hội thảo "Thị trường bán lẻ giờ G và giải pháp". Buổi hội thảo thật sự "nóng" lên khi cũng trong thời điểm này, một đại gia bán lẻ của Hàn Quốc là Lotte Mart đã chính thức khai trương đại siêu thị đầu tiên tại Q.7, TP.HCM với vốn đầu tư lên tới 75 triệu USD và tuyên bố sẽ đổ 5 tỷ USD vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong vòng 15 năm tới.

Ông Trần Quốc Khánh – phó đoàn đàm phán WTO, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên Bộ Công thương – cho rằng Việt Nam đã gia nhập WTO được 2 năm và đã đến thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ cho doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Nhìn chung, tâm trạng của các doanh nghiệp là bồn chồn, lo lắng trước viễn cảnh mở cửa thị trường cho bên ngoài, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, tiêu dùng dân cư thu hẹp… nhưng ngược lại, cũng có người cho rằng quy mô thị trường Việt Nam còn nhỏ, sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài chưa thể nhiều nên cũng không cần phải quá lo lắng. Chúng ta cần tránh cả 2 biểu hiện "bi quan" và "lạc quan" đó.

Cũng theo ông Khánh, các nhà bán lẻ nước ngoài, khi được cấp phép, có quyền mở điểm bán lẻ đầu tiên. Tuy nhiên, từ điểm bán lẻ thứ 2 trở đi, họ phải tuân thủ việc "kiểm tra nhu cầu kinh tế" (ENT). ENT là một khái niệm của WTO. Theo đó, trước khi cấp phép, nước chủ nhà sẽ xem xét "nhu cầu" (liệu thị trường có cần thêm một nhà cung cấp dịch vụ nữa hay không) và "khả năng" (liệu trong nước có khả năng làm hay không; nếu có, sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp nội địa). Trong WTO, ENT xuất hiện không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ mà còn ở nhiều ngành khác như vận tải biển, vận tải bộ, nghiên cứu khoa học… Việc bảo lưu được ENT trong lĩnh vực bán lẻ là thắng lợi lớn nhất của Việt Nam trong đàm phán dịch vụ phân phối.

Chia sẻ với các nhà bán lẻ trong nước, ông Nguyễn Ngọc Hòa – chủ tịch hội đồng quản trị Saigon Co.op – cho rằng trong tiến trình hội nhập, các nước luôn đưa lộ trình mở cửa thị trường nội địa và dịch vụ phân phối vào nội dung đàm phán. Việt Nam đã rất nỗ lực để đưa ra một lộ trình thích hợp, trong đó quy định các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, thời gian mở cửa và số lượng điểm bán hàng… Tuy nhiên, trong thực tế Việt Nam đã mở cửa thị trường nội địa và dịch vụ phân phối sớm hơn lộ trình. 

Một bất cập, theo ông Hòa, là việc cấp phép mở điểm bán lẻ hiện nay có nhiều hình thức khó kiểm soát. Chẳng hạn, mục tiêu 10 siêu thị Metro (Đức) đang hoàn thành và sẽ tiếp tục bành trướng thêm; hệ thống BigC cũng bằng hình thức nhượng quyền và có khả năng xâm nhập mạnh trong thời gian gần đây, chưa thấy ai ngăn cấm họ mở thêm siêu thị. Tương tự, Parkson (Malaysia) mở nhiều siêu thị thông qua nhiều công ty khác nhau nhưng chịu sự quản lý của một người điều hành… Và sắp tới, việc bán bớt cổ phần cho nước ngoài, mua bán sáp nhập doanh nghiệp sẽ quyết liệt hơn. Chỉ riêng năm 2008, số vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp cao gấp 7 lần so với năm 2005.

 

Lotte Mart thông báo sẽ đầu tư 5 tỉ USD để xây dựng 30 siêu thị ở các thành phố lớn của Việt Nam trong vòng 15 năm tới – Ảnh: HỒNG NHỰT

Tuy nhiên, "giờ G" đã điểm mà các doanh nghiệp vẫn một "bài ca": thiếu kinh nghiệm trong quản lý điều hành, không cân sức về tài chính, vốn, hạ tầng…; thiếu cạnh tranh trong thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao; chiến lược thực thi dài hạn của VN còn yếu; hạn chế tầm nhìn, nguồn lực… Ông Trần Quốc Khánh – vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương – cũng thừa nhận trong cuộc cạnh tranh này, doanh nghiệp Việt Nam đang thua về vốn, nhưng ngược lại, ta có lợi thế sân nhà.

Ông Trần Anh Tuấn – Công ty tư vấn The Pathfinder – cho rằng thu nhập trên đầu người của Việt Nam hiện còn thấp nên vẫn chưa có sức hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài cỡ lớn như Walmart. Hiện tại chỉ vài tên tuổi như Circle K hợp tác với Tổng công ty Lương thực Sài Gòn, Dairy Farm hợp tác với Citimart, Best Denki hợp tác với Công ty tiếp thị Bến Thành, Lotte Mart hợp tác với doanh nghiệp tư nhân Minh Vân… Còn các tên tuổi khác như Tesco, Carrefour, Seven-Eleven, 108… vẫn còn thăm dò thị trường.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cảnh báo không loại trừ khả năng các vụ mua bán sáp nhập sẽ diễn ra nhanh chóng trong năm tới. Mới đây nhất là vụ Công ty Sojitz (Nhật) mua 25% cổ phần của Công ty phân phối hàng tiêu dùng Hương Thủy, Công ty Lotte Confectionary (Hàn Quốc) mua 30% (khoảng 19 triệu USD) của Công ty Bibica.

Nguy cơ các thương hiệu yếu thế sẽ bị mất đi và xu hướng kinh doanh theo chuỗi sẽ lên ngôi là có thật. Do đó, các doanh nghiệp nội địa nên định vị lại thương hiệu chi tiết hơn. Doanh nghiệp sản xuất nên tăng cường hợp tác với siêu thị để phát triển, đa dạng sản phẩm. Bên cạnh đó, siêu thị cũng có thể ra thêm concept mới để gia tăng thị phần, tăng cường bổ sung tài chính, hoàn thiện chuỗi cung ứng, hậu cần, quản trị thương hiệu và chăm sóc khách hàng tốt hơn nữa. Trước mắt, cần có những liên minh mua hàng lớn để làm đối trọng với nước ngoài.

Kết thúc hội thảo, ông Trần Quốc Khánh đưa ra thông tin: Các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ vào một khi thị trường này đem lại doanh số cao cho họ. Trong 10 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới thì hiện chỉ có Metro vào Việt Nam đầu tiên, còn 9 hệ thống siêu thị lớn khác vẫn còn đang thăm dò. Chậm nhất là 3-4 năm tới mới có thể đặt chân vào Việt Nam.

HỒNG NHỰT (TTO)

Bình luận (0)