Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thị trường bán lẻ vào đường đua

Tạp Chí Giáo Dục

Thị trường bán lẻ tại Hà Nội đang bùng nổ khi hàng loạt siêu thị khai trương vào dịp cuối năm trong đó có sự lấn sân của những nhà đầu tư “tay ngang”.
Cạnh tranh khốc liệt
Ngày 23.11, Công ty cổ phần bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail), thành viên của Ocean Group, đã khai trương siêu thị Ocean Mart thứ 5 tại Hà Nội. Giám đốc phát triển mạng lưới Ocean Mart Nguyễn Mạnh Duy cho biết: Đến cuối 2015 Ocean Mart sẽ có 70 siêu thị đi vào hoạt động. Doanh nghiệp (DN) này đặt mục tiêu trở thành một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất toàn quốc.
Nhiều siêu thị ra đời giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn. Ảnh: P.Hậu (Thanh Niên)
Tập đoàn Sơn Hà cũng đã khai trương đại siêu thị Hiway thứ 2 tại Hà Nội. Cách đây một năm, tập đoàn này đã từng tuyên bố “phủ sóng” 20 siêu thị trong vòng 5 năm. Ông Nguyễn Bảo Lộc, Phó tổng giám đốc điều hành và nội vụ Hiway Supercenter cho hay: “Kế hoạch phát triển siêu thị bị chậm lại vì chúng tôi muốn đi chậm mà chắc”.
Trước đó thời điểm tháng 10, Tập đoàn Vingroup cũng chính thức công bố đầu tư phát triển hệ thống VinKC (Vin Kids Center), đánh dấu bước sự thâm nhập của tập đoàn tại thị trường bán lẻ nói chung và thị trường dành cho trẻ em nói riêng. Không chỉ có các nhà đầu tư trong nước, các đại gia bán lẻ nước ngoài đang đẩy mạnh việc mở rộng và thâm nhập thị trường bán lẻ trong nước. Đại diện của Big C không giấu tham vọng phát triển rộng khắp các tỉnh thành tại VN. Trong quý 3, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cũng mở rộng lĩnh vực bán lẻ tại Hà Nội khi thuê lại 4 sàn diện tích bán lẻ của Mipec Mall ( phố Tây Sơn, Q.Đống Đa) để mở siêu thị bán lẻ Lotte Mart vào quý 1/2014. Ông lớn trong ngành bán sỉ Metro cũng làm mới mình bằng việc đưa mô hình chợ quê VN vào áp dụng tại Metro Thăng Long (Hà Nội) với các sản phẩm rau quả đặc trưng của các tỉnh thành. Dự kiến, trong thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình này tại các siêu thị trong hệ thống.
Mảnh đất màu mỡ
Theo tính toán của các chuyên gia, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị, 1 trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình; còn 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện ích. “Nếu tính trên đầu người, mô hình bán lẻ tại VN mới chỉ đáp ứng được 1/5. Mô hình bán lẻ hiện đại ở VN vẫn ở dưới mức 20%, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Tại Singapore, tỷ lệ này là 90%; Trung Quốc 64%, Indonesia là 43%, Thái Lan 46%, Malaysia 53%…”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, phân tích.
Với sự đổ bộ của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua, không ít người lo ngại DN trong nước sẽ bị lép. Nhưng bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ VN lại có cái nhìn khác: “Không nên quá bi quan với các nhận định thị trường bị mất vào tay DN bán lẻ nước ngoài. Trên thực tế, DN nội đang mở rộng quy mô hoạt động và có nhiều cơ hội phát triển”. Ông Nguyễn Bảo Lộc thẳng thắn: “Kinh doanh giống như một trận đánh, phải có chiến lược tính toán linh hoạt. Mỗi DN đều có chiến lược phát triển riêng. Các đại gia bán lẻ nước ngoài thường chắc mới làm, còn các DN VN, vướng đâu, giải quyết đấy. Miếng bánh thị trường bán lẻ vẫn còn lớn nên chúng tôi vẫn có một lượng khách hàng trung thành”. Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành hệ thống Ocean Mart, cho hay: “Ocean Mart đang tập trung chứng minh với người tiêu dùng chúng tôi là nơi mua sắm tin cậy, tin cậy về nguồn gốc, chất lượng, dịch vụ và giá cả, mang đến phong cách mua sắm hoàn toàn mới. Chúng tôi cũng chú trọng xây dựng mạng lưới rộng khắp với vị trí tốt và điều đó làm chúng tôi tự tin rằng chúng tôi có đủ sức cạnh tranh trên thị trường”.
Theo Thanh Niên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)