Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thị trường bánh trung thu cao cấp chiếm ưu thế

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Trung thu song mùa bánh trung thu (BTT) 2010 đã vào độ. Ngoài các loại bánh truyền thống, thị trường bánh trung thu cao cấp vẫn chiếm ưu thế do nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao và giá bán vẫn… trên trời.

Bên cạnh đó vẫn có những loại bánh bình dân có giá từ 4.000 – 20.000 đồng nhưng “ba không”: không nhãn mác, không nguồn gốc, không ngày sản xuất…
Ảnh: An Ninh Thủ Đô.

Tết Trung thu ngoài ý nghĩa truyền thống là Tết dành cho thiếu nhi, gần như còn được xem là dịp để bày tỏ lòng tri ân người thân, gia đình, bạn bè, là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp tri ân CBCNV, đối tác, khách hàng theo phong tục truyền thống Việt Nam. Vì vậy chất lượng, mẫu mã BTT ngày càng đa dạng và phong phú.

Dạo quanh thị trường BTT năm nay, có thể thấy các gian hàng BTT đã xuất hiện sớm hơn mọi năm, nhất là ở những vị trí đắc địa. Mặc dù chưa có người mua nhưng nhân viên bán hàng vẫn trưng bày và “giữ chỗ”.
Theo nhận định, sức mua bánh trung thu của thị trường năm nay sẽ có nhiều khả quan do kinh tế đang được phục hồi. Hầu hết các công ty, cơ sở sản xuất đều tăng sản lượng ồ ạt. Công ty Kinh Đô dự tính sản lượng năm nay là 1.900 tấn, tăng thêm 100 tấn so với Trung thu 2009.
Vẫn là những hương liệu truyền thống, BTT Kinh Đô với dòng sản phẩm Trăng Vàng cao cấp (số lượng 240.000 hộp) sẽ có 8 bộ sản phẩm: Hồng phúc, Vinh hoa, Tinh tế, Hưng phú, Thanh tịnh, Thanh tú, Tao nhã và Hoàn bích, được chế biến từ thành phần nguyên liệu quý hiếm, bổ dưỡng như: bào ngư, hải sâm, vi cá, tôm càng… và các loại hạt (chế biến bánh chay) cũng là những đặc sản cao cấp như: quả hồ đào, Pumpkin seed, hạt Macadamia… có giá từ 350.000 – 700.000 đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, phòng Đối ngoại, Công ty Kinh Đô: Kinh Đô sẽ chính thức tham gia thị trường bánh trung thu chay lần đầu tiên với những sản phẩm được chế biến từ 100% thành phần nguyên liệu chay cao cấp, trên dây chuyền sản xuất riêng biệt nhằm đảm bảo vị chay thuần khiết. Điểm khác biệt của BTT chay Kinh Đô là sản phẩm mô phỏng các đặc sản ẩm thực như bào ngư, tôm, cua, vịt quay, heo quay.
Sản phẩm của Công ty Thành Long, đơn vị dẫn đầu về sản xuất BTT cho người ăn kiêng và bệnh nhân béo phì, đái tháo đường cũng rất hút khách ở thị trường Hà Nội. BTT Đồng Khánh lại chinh phục khách hàng bằng hương vị riêng biệt bởi nguyên liệu truyền thống như: nhân đậu, thập cẩm, gà quay, jambon, vica… ẩn lòng đỏ trứng muối. Năm nay nhà hàng Đồng Khánh đặc biệt chú trọng tới 2 dòng sản phẩm là bánh cho người kiêng đường và bánh cho người ăn chay.
Theo đánh giá của nhiều chủ cửa hàng, các đại lý phân phối BTT thì thị trường BTT năm nay đa dạng về mẫu mã, sản phẩm, chất lượng, đặc biệt là các nhà sản xuất đều hướng đến sự kiện trọng đại Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội nên việc thiết kế bao bì, vỏ hộp cũng theo đó mà đẹp hơn, sang trọng hơn và giá cũng cao hơn năm ngoái từ 5-15% do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Chiến dịch quảng cáo sản phẩm của các đại gia BTT cũng hấp dẫn hơn với sự bùng nổ của mẫu mã bao bì và những tên gọi hoa mỹ cùng chiết khấu được rao từ 10-30%.
Bên cạnh đó, những khách sạn hạng sang ở Hà Nội cũng đều hứa hẹn nhiều điều bất ngờ cho Trung thu năm nay. Khách sạn Hilton Hà Nội Opera với số lượng có hạn cùng chiêu quảng cáo 2 đầu bếp đến từ Trung Quốc trình diễn tài nghệ làm bánh bằng phương pháp thủ công thu hút khá nhiều khách hàng.
Hilton cũng cho ra mắt dòng bánh cao cấp chào mừng Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội bằng hộp bánh 2 tầng cao 13,5cm, chiều ngang là 12,8cm… với mức giá dao động từ 320.000 – 2.800.000 đồng/hộp. Những khách sạn Fortuna, Sofitel Metropole, Melia… đều có kế hoạch sản xuất BTT.
Tuy nhiên, bên cạnh các thương hiệu lớn thì bánh trung thu tại các cơ sở tư nhân lại khởi động sớm hơn mọi năm. Tại hầu hết các đại lý bánh kẹo đều đã bày bán bánh trung thu với giá từ 12.000 – 30.000 đồng/bánh, nhiều bánh nướng, bánh dẻo không ghi ngày sản xuất, không có nguồn gốc, xuất xứ nhưng vẫn thu hút khá nhiều người mua.
Thôn Đông, trung tâm của làng nghề Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội những ngày này các lò BTT luôn hoạt động hết công suất. Ở đây cũng có 2 loại: bánh có thương hiệu và hàng chợ. Bánh có thương hiệu có giá 10.000 – 30.000 đồng/cái, bánh hàng chợ có giá 4.000-6.000 đồng/ cái. Tuy nhiên, “tiền nào của ấy”, bánh không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ngày sản xuất, hạn dùng nhưng vẫn có nhiều đầu mối đặt hàng.
Theo Huyền Chi
An Ninh Thủ Đô

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)