Tại Việt Nam, blockchain – công nghệ chuỗi khối mới được đưa vào ứng dụng khoảng 4 năm nay ở một số lĩnh vực. Trước làn sóng chuyển đổi số mạnh trong doanh nghiệp, các chuyên gia dự báo blockchain là thị trường đầy tiềm năng trong thời gian tới.
Chuyên gia công nghệ chia sẻ về ứng dụng blockchain trong mua bán bất động sản
Kinh tế số không thể thiếu blockchain
Theo ông Nguyễn Thanh Nam (Chủ tịch HĐQT Công ty OneBlock Labs), hiểu đơn giản về blockchain là tất cả các bên cung cấp thông tin liên quan đến mặt hàng, sản phẩm nào đó để bên thứ ba xác nhận. Sau khi xác nhận, các khối được lưu thành một chuỗi thông tin có thể được sử dụng cho các đối tác thương mại. Các thay đổi liên quan cũng được xác nhận và thực hiện bởi bên thứ ba, đảm bảo tính chính xác và trung thực.
Trên thế giới, blockchain được ứng dụng rộng rãi trong các hoạt động từ sản xuất đến kinh doanh, từ nông nghiệp đến công nghiệp, giúp hiển thị nguồn thông tin gốc chính xác và tiến trình hoạt động của các chuỗi cung ứng phức tạp. Cụ thể, các nhà bán lẻ nước ngoài đã ứng dụng blockchain vào truy xuất nguồn gốc, nhờ tính công khai, minh bạch mà họ đã có một lượng khách hàng đáng kể. Gây chú ý trong giới công nghệ là nhà bán lẻ WalMart (Mỹ) đã nghiên cứu, truy xuất mặt hàng nông sản, thực phẩm chỉ trong 2,2 giây. So với trước khi ứng dụng blockchain, để truy xuất nguồn gốc một mặt hàng nào đó, WalMart phải mất 7 ngày. Theo đó, với blockchain, nhà bán lẻ này đã phát hiện các vấn đề về an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và theo dõi hơn 500 mặt hàng khác nhau.
Bên cạnh đó, blockchain cũng đã được các quốc gia ứng dụng sớm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Ở Việt Nam, blockchain đang tham gia vào các hoạt động quản lý tài chính doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc nông sản… tạo thị trường mua bán công khai, minh bạch ở các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản. Thấy rõ nhất là công nghệ blockchain đã được một số doanh nghiệp ứng dụng vào nuôi trồng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm. Ngoài ra, tại Việt Nam đã có ngân hàng ứng dụng blockchain cho khách hàng là doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Hiệu quả trong ứng dụng công nghệ này vào tài chính, ngân hàng không chỉ vấn đề thời gian mà là ở tính bảo mật cao trong giao dịch. Đây cũng là lý do hầu hết các ngân hàng lớn trên thế giới đều triển khai ứng dụng dựa trên blockchain.
Đánh giá tiềm năng thị trường blockchain trong vài năm tới tại Việt Nam, ông Trần Văn Tùng (Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ) cho rằng việc ứng dụng blockchain trong vận hành chuỗi cung ứng nông sản, hoạt động tài chính doanh nghiệp là rất cần thiết. Qua đó nâng cao lòng tin khách hàng trong việc truy xuất nguồn gốc, tạo sự bền vững trong chuỗi cung ứng. “Thay đổi, ứng dụng công nghệ mới là điều kiện để phát triển kinh tế hướng đến nền kinh tế số. Theo đó, nền kinh tế số không thể phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh nếu chậm ứng dụng blockchain vào các hoạt động của doanh nghiệp”, ông Tùng nói.
Cơ hội khởi nghiệp cao
Theo nhận định của giới công nghệ, blockchain là một thị trường đầy tiềm năng khi doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng công nghệ này vào hoạt động chuyển đổi số. Điều này có thể thấy qua dòng vốn đầu tư cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước ngày càng tăng mạnh. Cụ thể, năm 2021, startup Việt thu hút đầu tư 1,35 tỷ USD, trong khi con số này ở năm 2020 chỉ khoảng 50%. Đặc biệt, các startup được đầu tư phần lớn là ứng dụng và khai thác công nghệ mới như AI, Big data, blockchain… Và đây cũng là cơ hội cho đội ngũ nhân lực công nghệ đã và đang lựa chọn con đường khởi nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Nam dự đoán, trong vài năm tới blockchain (cũng như internet vào Việt Nam năm 1997) sẽ thâm nhập sâu vào trong tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế. Theo ông Nam, sở dĩ blockchain phát triển mạnh là vì ưu thế về tính bảo mật, minh bạch… có thể ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, vận tải, các dịch vụ công cộng.
Dù được đánh giá là một thị trường màu mỡ dành cho startup nhưng để “sống” được thì không phải chuyện đơn giản, bởi đã có không ít startup thất bại nặng nề. Ông Trí Phạm (Founder & CEO Whydah – nhà khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ) chia sẻ, blockchain là cơ hội và cũng là thách thức lớn đối với startup. Sau 4 năm khởi nghiệp, chúng tôi trải qua rất nhiều thăng trầm, thắng nhiều nhưng bại cũng lắm. Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng đừng quá bi quan, luôn đặt mình trong tâm thế sẵn sàng đối mặt và từng bước chuẩn bị cho con đường mà mình lựa chọn. “Muốn dấn thân vào blockchain cần xác định xu hướng và sản phẩm muốn làm, nếu đi ngược xu hướng sẽ thất bại. Bên cạnh công nghệ còn phải tin tưởng vào người đồng hành, đảm bảo nguồn lực tài chính, con người để giải quyết giai đoạn khó khăn cũng như để bứt phá khi gặp thuận lợi”, ông Phạm đúc kết.
THÀNH LẬP HIỆP HỘI BLOCKCHAIN VIỆT NAM Với mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Hiệp hội Công nghệ chuỗi khối Việt Nam (Hiệp hội Blockchain Việt Nam) đã được thành lập theo Quyết định 343/QĐ-BNV ngày 27-4-2022 của Bộ Nội vụ. Theo đó, Hiệp hội Blockchain Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp, được thành lập trên tinh thần tự nguyện của các cá nhân, tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng, triển khai, kinh doanh công nghệ blockchain theo quy định, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, hiệp hội sẽ huy động vốn để hợp tác, thực hiện các đề tài khoa học; tham mưu tư vấn xây dựng hành lang pháp lý, các quy chuẩn liên quan đến ứng dụng sản phẩm, dịch vụ blockchain…
|
Tương tự, ông Lê Hải Triều (CEO Công ty Giải pháp công nghệ Xanh) nhận định, blockchain là một cuộc chơi cam go và thử thách. Sự biến động của thị trường có thể mở đường cho startup đến thành công nhưng cũng có thể dẫn đến thất bại. Để khởi nghiệp thành công với blockchain cần tìm hiểu kỹ về blockchain, tự kiểm tra mình có đam mê, có niềm tin vào nó hay không, nếu có thì ở mức độ nào. Quan trọng nữa là tài chính, cần có bước chuẩn bị, rồi dự báo thị trường thế nào, cung cấp giải pháp cho ai?… Đó chính là cơ sở để lựa chọn lĩnh vực cụ thể nào đó trong một ngành. Tuy còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng blockchain đã và đang là một ngành công nghiệp thu hút vốn đầu tư, vì thế cơ hội để khởi nghiệp là rất lớn. “Có mọi thứ nhưng thiếu niềm tin vào sự phát triển của công nghệ blockchain trong tương lai thì mọi sự cố gắng cũng bằng không”, ông Triều lưu ý.
T.An
Bình luận (0)