Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Thị trường chuyển nhượng: Lãng phí về tiền bạc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Khi Portsmouth đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng tài chính, Premier League vẫn còn nhiều cầu thủ nhận lương cao nhưng vật vờ bên băng ghế dự bị.
John Utaka là bản hợp đồng kỷ lục của Portsmouth khi anh gia nhập Fratton Park từ Rennes vào tháng 7-2007 với giá 7 triệu bảng. Tuy nhiên, trong hai năm rưỡi qua, tiền đạo người Nigeria trở thành một trong những cầu thủ lãng phí về tiền bạc của CLB miền Nam.
Utaka đã đá chính 31 trận tại Premier League và ghi được vỏn vẹn 7 bàn ở tất cả các giải. Kể từ khi ghi được 5 bàn thắng trong số này ở mùa giải đầu tiên, phong độ của Utaka đi xuống một cách thất vọng. Mùa bóng này, thành tích nổi bật mà cầu thủ người Nigeria cho thấy là bàn thắng vào lưới Hereford United ở Carling Cup cách đây… 5 tháng. Thế nhưng, bất chấp những khó khăn của Portsmouth – Avram Grant chỉ có 17 cầu thủ để sử dụng và Portsmouth chưa được phép tham gia thị trường chuyển nhượng – Utaka mới chỉ đá chính 2 trận tại Premier League, từ hồi tháng 8. Rốt cuộc, Utaka không chỉ bị Nigeria từ chối gọi tham dự giải vô địch châu Phi mà anh thậm chí còn không có tên trong danh sách sơ bộ 32 người.
Điều khó tin là trong khi Portsmouth nợ nần nhiều như vậy và có nguy cơ phá sản, Utaka vẫn tiếp tục tận hưởng mức lương 80.000 bảng/tuần theo bản hợp đồng có thời hạn 4 năm. Nếu anh ở lại đến cuối kỳ hạn, tổng chi phí mà Portsmouth phải bỏ ra vào khoảng 23 triệu bảng. Con số này đủ giúp họ vượt qua được khó khăn hiện tại để có thể tập trung thi đấu.
Sau cùng thì Utaka chính là mặt trái của thị trường chuyển nhượng, của những quyết định sai lầm được tạo nên bởi Giám đốc điều hành Peter Storrie và cựu HLV Harry Redknapp. Trong buổi họp báo giới thiệu cầu thủ mới, Redknapp đã nói về Utaka và một cầu thủ khác như sau: "Tôi rất hài lòng khi có được họ. Họ sẽ mang lại cho chúng tôi sức mạnh mới nơi hàng tấn công."
Đối tác mới của Utaka là ai? David Nugent. Bản hợp đồng 6 triệu bảng chưa bao giờ được Redknapp sử dụng trong đội hình chính và hiện tại, anh đang bị đẩy sang Burnley theo thỏa thuận cho mượn, sau khi đá chính 18 trận trong 3 mùa giải, ở nhiều vị trí khác nhau.
Dù sao thì Portsmouth cũng không phải là CLB duy nhất mắc sai lầm khi dành những bản hợp đồng dài hạn, hấp dẫn cho những cầu thủ chỉ quen ngồi ghế dự bị hoặc thi đấu ở đội hình dự bị.
Năm 2003, Duncan Ferguson của Everton (10 mùa giải, 59 bàn) và Seth Johnson của Leeds (7 triệu bảng từ Derby, 15 trận đá chính, 1 bàn, lương 35.000 bảng/tuần) là hai trong số những sai lầm tốn kém của các ông chủ tịch, giám đốc điều hành và HLV. Tính tới năm 2010, ngoài Utaka còn có Ryan Babel, 11,5 triệu bảng, của Liverpool (hợp đồng 5 năm, 45.000 bảng/tuần), David Bentley, 17 triệu bảng, tại Tottenham (6 năm, 50.000 bảng/tuần) và một số cầu thủ của Newcastle có mức lương trên 50.000 bảng/tuần.
Theo Hãng kiểm toán Deloitte, quỹ lương ngốn tiền ngân sách còn nhiều hơn cả phí chuyển nhượng. Năm 2003, tổng chi phí chuyển nhượng của các CLB tại Premier League ước tính là 248 triệu bảng. Năm 2008 (con số mới nhất) là 675 triệu bảng. Thế nhưng, quỹ lương lần lượt là 548 triệu bảng và 787 triệu bảng. Tính ra, khoảng cách giữa phí chuyển nhượng và quỹ lương đã được thu hẹp nhưng tổng chi phí trong 5 năm qua thì gần gấp đôi nhau.
Thế nên, những sai lầm trong cách quản lý của Portsmouth (quỹ lương của họ trong năm 2008 là 54,6 triệu bảng) khiến CLB không thể rũ bỏ được Utaka, cầu thủ nhận một mức lương không thua kém gì những đồng nghiệp ở Man United, Man City, Liverpool hay Chelsea. Thậm chí, một cầu thủ như Cesc Fabregas của Arsenal khi đó cũng chỉ có thu nhập 60.000 bảng/tuần.
Thật không may cho Tottenham là những vấn đề trên vẫn đeo đuổi Redknapp khi ông đến White Hart Lane. Một trong những cầu thủ có thu nhập cao nhất hiện nay của CLB là Bentley, được đưa về vài tháng trước khi Redknapp có mặt vào năm 2008. Hơn 20 triệu bảng đổ vào Bentley, gồm phí chuyển nhượng và lương, nhưng những gì Tottenham nhận được là 21 trận đá chính tại Premier League, 1 bàn thắng, 1 giấy phạt lái xe trong tình trạng uống rượu và một sự nghiệp ngắn ngủi ở đội tuyển Anh với vỏn vẹn 6 trận.
Và không chỉ có Tottenham. Trong khi Chelsea như trút được gánh nặng vì bán được Steve Sidwell vào năm 2008 sau một mùa giải nhận lương 50.000 bảng/tuần với 7 trận đá chính, các CĐV Aston Villa cũng chẳng vui vẻ gì với quyết định bỏ ra 5 triệu bảng để mua tiền vệ này của Martin ONeill. Sidwell đã chơi 32 trận cho Villa và được xem là người thừa ở CLB.
Tại Anfield, Babel, với 24 trận đá chính ở Premier League kể từ năm 2007, và Andriy Voronin, 5 bàn trong 14 trận đá chính với mức lương 30.000 bảng/tuần trước khi chuyển sang Dynamo Moscow, cũng gây thất vọng như vậy. Khác với Tottenham hay Aston Villa, khoản nợ của Liverpool hiện nay là 350 triệu bảng và còn đang tăng nữa.
Vậy thì ai là người  đáng bị chỉ trích khi các CLB bỏ ra nhiều tiền như vậy – lãng phí quá nhiều – vào những cầu thủ không đâu ra đâu? Hãy nghe Seth Johnson và chúng ta sẽ thấy, các cầu thủ không có lỗi và trách nhiệm gì khi điều đó xảy ra. Johnson nói về vụ chuyển nhượng thất bại tới Leeds: "Tôi sẽ là thằng ngốc nếu từ chối một số tiền nhiều như vậy. Tôi không thể làm khác được bởi tất cả cũng sẽ hành động tương tự."
Bình An (theo thethaovietnam)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)