Hội nhậpThế giới 24h

Thị trường dầu biến động

Tạp Chí Giáo Dục

Giá dầu thế giới tiếp đà giảm khi diễn biến phức tạp về dịch COVID-19 ở Trung Quốc đe dọa nhu cầu về nhiên liệu

Thị trường dầu toàn cầu đang đứng trước sự thay đổi tiềm tàng giữa lúc các nhà giao dịch và phân tích lo ngại về nhu cầu dầu thô sụt giảm và thị trường dư cung trong những tháng tới.

Giá dầu thô Brent trong phiên giao dịch hôm 28-11 (giờ địa phương) có lúc giảm xuống mức 81,2 USD/thùng trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ có thời điểm giảm còn 74,12 USD/thùng. Giá dầu Brent và WTI đã chạm mức thấp nhất trong 10 tháng vào tuần trước và có 3 tuần giảm giá liên tiếp.

Sau nhiều tháng tăng trưởng mạnh mẽ, dầu thô hợp đồng tương lai đang chạm mức thấp nhất trong năm nay khi quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới là Trung Quốc áp đặt thêm các biện pháp phong tỏa để phòng dịch COVID-19 và ngân hàng trung ương nhiều nước tăng lãi suất nhằm chống lạm phát.

Ngoài ra, thị trường còn ảm đạm trước thềm lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga của Liên minh châu Âu (EU), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-12. Song song đó, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có kế hoạch buộc các bên mua tuân thủ mức giá trần đối với dầu của Nga.

Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất bên ngoài, gọi là OPEC+, cũng sẽ họp xem xét các điều kiện nhằm cân bằng thị trường dầu thế giới vào ngày 4-12. Vào tháng 10-2022, OPEC+ đã nhất trí giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày cho đến năm 2023.

Thị trường dầu biến động - Ảnh 1.

Các nhân viên làm việc trên giàn khoan dầu tại thị trấn Kersey, bang Colorado – Mỹ. Ảnh: Reuters

Các nhà giao dịch lo ngại về tình trạng dư cung nếu Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục nhập khẩu lượng lớn dầu giảm giá của Nga.

Ông Hiroyuki Kikukawa, quản lý cấp cao tại Công ty môi giới chứng khoán Nissan Securities (Nhật Bản), cho hay bên cạnh những lo ngại ngày càng tăng về nhu cầu nhiên liệu suy giảm tại Trung Quốc, sự bất ổn do các hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt của nước này cũng thúc đẩy hoạt động bán ra.

Bên cạnh đó, các nhà máy lọc dầu châu Âu ghi nhận tình trạng dư cung dầu thô khi sự thiếu hụt do ảnh hưởng từ lệnh cấm của EU đối với dầu của Nga sắp tới vẫn chưa thành hiện thực.

Dựa trên các diễn biến đó, ông Kikukawa nhận định phạm vi giao dịch của dầu WTI dự kiến giảm còn 70-75 USD/thùng, đồng thời thị trường có thể biến động tùy thuộc vào kết quả cuộc họp ngày 4-12 của OPEC+ và mức trần đối với giá dầu Nga mà G7 đặt ra.

Hãng thông tấn nhà nước Iraq dẫn lời ông Saadoun Mohsen, quan chức cấp cao Công ty quốc gia tiếp thị dầu SOMO (Iraq), cho biết cuộc họp sắp tới của OPEC+ sẽ tính đến điều kiện và sự cân bằng cung cầu của thị trường trước khi quyết định tăng hoặc giảm sản lượng.

Các nhà ngoại giao của các nước G7 và EU cũng đã thảo luận về mức giá trần đối với dầu của Nga từ 65-70 USD/thùng, với mục đích hạn chế doanh thu của Nga mà không làm gián đoạn thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Ông Tetsu Emori, Giám đốc điều hành Công ty quản lý quỹ Emori Fund Management (Nhật Bản), cho rằng nếu OPEC+ không giảm sản lượng trong thời gian tới hoặc Mỹ không có kế hoạch bổ sung dầu cho kho dự trữ chiến lược, giá dầu sẽ tiếp tục giảm.

Theo hãng tin Reuters, giá vàng thế giới cũng giảm khi các nhà đầu tư xem đồng USD là kênh trú ẩn an toàn hơn trong bối cảnh dịch bệnh ở Trung Quốc căng thẳng. Giá vàng giao ngay trong phiên giao dịch hôm 28-11 có lúc giảm còn 1.750 USD/ounce. Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao tại Reuters, giá vàng giao ngay có thể trở lại mức thấp nhất của ngày 23-11 là 1.727 USD/ounce.

Theo Xuân Mai/NLĐO

 

Bình luận (0)