Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thị trường đồ chơi trẻ em trước dịp 1.6: Nhập nhèm sản phẩm có tem và chưa tem hợp quy

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1.6) đang đến gần, thị trường đồ chơi trẻ em (ĐCTE) đã bắt đầu khởi động, những phố chuyên kinh doanh ĐCTE luôn đông khách.

Điều đáng nói là mặc dù hạn định bắt buộc tất cả các sản phẩm ĐCTE phải chứng nhận và gắn dấu hợp quy (tem CR) đã có từ tháng 9.2010, nhưng đến nay thị trường này vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tình trạng hàng có tem và không tem hợp quy vẫn còn tồn tại.
Loại gì cũng có

Lực lượng QLTT TP.Hà Nội kiểm tra đồ chơi trẻ em không tem CR.
Dọc theo các tuyến phố, chợ đầu mối chuyên kinh doanh ĐCTE trên địa bàn TP.Hà Nội như: Lương Văn Can, Hàng Lược, Hàng Mã, chợ Đồng Xuân…, các mặt hàng ĐCTE được bày bán với số lượng lớn để phục vụ các thượng đế nhỏ tuổi trong dịp 1.6 sắp tới. Năm nay, sản phẩm Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế tới hơn 80% với các mặt hàng được trẻ em yêu thích như: Búpbê, robot siêu nhân, robot trái cây, bộ lắp ráp… Mặc dù các sản phẩm ĐCTE rất đa dạng về mẫu mã, phong phú về chất liệu, nhưng hầu hết các chủ cửa hàng kinh doanh đều cho rằng năm nay ít các sản phẩm mới. Giá tất cả các loại ĐCTE đều tăng trung bình từ 5 – 20%.
Tham khảo một số cửa hàng kinh doanh ĐCTE cho thấy, hiện xuất hiện hai loại sản phẩm ĐCTE được gắn tem CR và có loại không gắn tem CR. Theo chủ cửa hàng tại số 11 Hàng Mã: Hầu hết người tiêu dùng khi mua đồ chơi cho bé không lựa chọn hàng đã được chứng nhận hợp quy hay chưa, mà chủ yếu tập trung vào hai yếu tố: Giá cả và mẫu mã. Khi được hỏi về các sản phẩm ĐCTE chưa có tem CR, chủ cửa hàng số 1 Lương Văn Can cho rằng: Vì còn có một số hàng tồn kho nên chưa dán tem CR, một số loại ĐCTE do quá nhỏ, tem lại bằng giấy photocopy nên khi vận chuyển bị rách hoặc bị rơi nên cửa hàng phải dán lại.
Khảo sát thị trường ĐCTE tại TPHCM cho thấy, sự đa dạng về chủng loại hàng hoá cũng như ở Hà Nội. Thị trường đang có sự phân hoá rõ nét về các loại đồ chơi, một nhóm là những sản phẩm giá rẻ, có chất lượng và độ bền kém với giá chỉ từ 20.000 – 50.000 đồng/sản phẩm. Nhóm thứ hai gồm những sản phẩm đắt tiền có giá 150.000 – 500.000 đồng/sản phẩm, đây chủ yếu là hàng ngoại nhập, đồ chơi sáng tạo, đồ chơi gỗ, bộ xếp hình… So với những năm trước, các sản phẩm ĐCTE năm nay ở TPHCM tăng giá khoảng 5%, nhưng không có nhiều mặt hàng mới.
Điều đáng nói là hầu hết các loại ĐCTE này có xuất xứ Trung Quốc và vẫn còn không ít sản phẩm chưa dán tem hợp quy CR nhưng được bày bán tràn lan, công khai tại các cửa hàng, chợ, vỉa hè. Đặc biệt là trước cổng trường học vào các giờ tan trường hoặc trước cổng các khu vui chơi. Mỗi ngày một lượng lớn ĐCTE không được chứng nhận hợp quy đã được tiêu thụ tại đây với giá rẻ từ 10.000 – 25.000 đồng/sản phẩm. Cả người bán lẫn người mua cũng đều không quan tâm đến quy định bắt buộc phải dán tem đối với mặt hàng này. Vậy người mua muốn có được các sản phẩm được chứng nhận hợp quy chỉ có thể tìm đến một số nơi như siêu thị, cửa hàng lớn chuyên kinh doanh ĐCTE.
Lượng hàng hợp lệ chỉ chiếm phần nhỏ
Theo Phòng nghiệp vụ 2 – Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng 3 tại TPHCM: Thời gian gần đây, đã có nhiều lô ĐCTE của hơn 10 DN sản xuất và nhập khẩu được chứng nhận và cấp dấu hợp quy CR theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn ĐCTE. Tuy nhiên, so với lượng hàng ĐCTE phong phú đang bày bán trên thị trường, thì số lượng hàng được kiểm nghiệm, cấp dấu hợp quy CR vẫn còn rất ít.
Ông Lý Phát Chánh – chủ cơ sở sản xuất lắp ráp ĐCTE Hưng Phát – cho biết: “Việc đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm và được cấp giấy chứng nhận hợp quy đã tạo điều kiện cho việc kinh doanh sản phẩm thuận tiện hơn. Khi photo các giấy chứng nhận và sản phẩm có dán tem hợp quy, các đại lý tin tưởng và an tâm vào sản phẩm hơn trong việc kinh doanh, tiêu thụ. Tuy nhiên, để thực hiện việc kiểm nghiệm và cấp chứng nhận hợp quy, trung bình mỗi kiểu dáng mẫu sản phẩm phải mất một thời gian với chi phí mất khoảng 2.000.000 đồng/mẫu. Sau đó, chi phí in tem để dán lên sản phẩm trung bình vài chục đồng/tem. Cứ 6 tháng, cơ quan chức năng sẽ kiểm định lại 1 lần/mẫu. Cũng giống như những đơn vị nhập khẩu sản phẩm và đưa đi kiểm nghiệm để được cấp giấy chứng nhận hợp quy các khoản chi phí này đều được tính vào giá thành sản phẩm”.
Đại diện Cty Tosy Robotic (Việt Nam) cho rằng: Giá sản phẩm đĩa bay Tosy đã được cấp giấy chứng nhận, dán tem CR là 129.000 đồng, trong khi sản phẩm Trung Quốc đang bày bán tràn lan trên thị trường VN giá chỉ bằng 1/10, vì vậy với những sản phẩm đã được chứng nhận, gắn dấu hợp quy CR cần phải được Nhà nước bảo hộ bằng cách cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra hàng lậu, hàng kém chất lượng để những DN sản xuất, nhập khẩu mặt hàng ĐCTE đã được chứng nhận và gắn dấu hợp quy có thể “đứng” trên thị trường.
Ông Phan Quang Diệu – trợ lý giám đốc Cty nhựa Chợ Lớn – đơn vị sản xuất ĐCTE đã được cấp giấy chứng nhận hợp quy – cho biết: “Hiện DN đã được cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho hơn 100 sản phẩm ĐCTE. Tuy nhiên chúng tôi vẫn lo ngại, rồi đây trên thị trường sẽ xuất hiện các loại tem CR giả để dán trên các sản phẩm chưa qua kiểm định, cấp giấy chứng nhận”.
Lo ngại trên của DN hoàn toàn có cơ sở, bởi trong thực tế, Chi cục QLTT TPHCM và TP.Hà Nội đã từng phát hiện hiện tượng dán tem CR tự in. Từ khi có hạn định thực hiện việc dán tem CR đến nay, chi cục QLTT TPHCM  và TP.Hà Nội đã phát hiện gần 45.000 sản phẩm ĐCTE các loại vi phạm chưa qua kiểm định và không dán tem CR.
Theo Lao Động

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)