Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thị trường dược VN hút nhà đầu tư nước ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

Quy mô sản xuất ngành dược VN chiếm 77% về số lượng nhưng chỉ chiếm 35% về giá trị. Sản xuất dược trong nước vẫn chủ yếu tập trung vào nhóm thuốc cũ có giá trị thấp, công thức đơn giản.

Thị trường dược VN hút nhà đầu tư nước ngoài
Đại diện Tập đoàn dược phẩm Sanofi và Vinapharm ký thỏa thuận hợp tác chiến lược tại Diễn đàn doanh nghiệp Pháp – Việt sáng 7-9 – Ảnh: Q.ĐỊNH

Để cải thiện tình trạng này, nhiều công ty dược VN đã chủ động liên doanh với đối tác nước ngoài, vừa bảo vệ thị trường trong nước vừa tìm cơ hội ra thị trường 
nước ngoài.

Hợp tác tận dụng lợi thế

Ngày 7-9, trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Pháp 2016, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước Việt – Pháp, Tập đoàn Sanofi công bố lễ ký kết thỏa thuận tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Tổng công ty Dược VN (Vinapharm).

Theo đó, Vinapharm sẽ đầu tư vốn vào Công ty CP Sanofi VN, hiện đang sở hữu nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP) tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Nhà máy mới có tổng vốn đầu tư 75 triệu USD theo mô hình công nghệ hiện đại, công suất tối đa 150 triệu hộp/năm và là trung tâm phát triển dược phẩm cho toàn khu vực châu Á.

Đây là nhà máy có vốn đầu tư lớn nhất của Sanofi trong khu vực ASEAN đến thời điểm này.

Ông Cyrill Grancham-desraux, giám đốc phụ trách Sanofi khu vực ASEAN, cho rằng thỏa thuận này một lần nữa nhấn mạnh cam kết của Sanofi trong việc sản xuất và phát triển các dược phẩm chất lượng cao, đa dạng để đáp ứng nhu cầu thị trường VN.

Theo báo cáo của BMI Research, thị trường dược phẩm VN dự kiến tăng từ 4,2 tỉ USD năm 2015 lên 7,2 tỉ USD năm 2020 và được kỳ vọng tiếp tục giữ được mức tăng trưởng ít nhất 15% trong 5-10 năm tới.

Với dân số đông, trẻ và GDP tăng cao, đặc biệt là mang yếu tố địa phương khá cao, thị trường dược VN thời gian qua luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

“Trong khi ngành dược địa phương tại nhiều quốc gia khác trong khu vực thường bị chi phối bởi các tập đoàn đa quốc gia, tại VN ngược lại có rất nhiều công ty dược phẩm địa phương hoạt động khá năng động và có lợi thế cạnh tranh riêng” – ông Cyril Grancham-desraux nhận xét.

Điều đó phần nào lý giải cho hiện tượng khá nhiều liên doanh giữa công ty dược VN với công ty dược nước ngoài được hình thành ở VN như Rhone – Poulenc (Pháp) liên doanh với Công ty Xuất nhập khẩu y tế, hình thành Công ty Vinaspecia, hay Stada VN là liên doanh giữa German Stada (Đức) và Công ty dược phẩm Khương Duy…

Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm dược made in VN

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, với quan hệ hợp tác kéo dài hơn 23 năm qua, việc mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược giữa Vinapharm và Sanofi sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của hai bên.

Trong đó, Sanofi là một trong những doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu thế giới, sản phẩm chất lượng cao trong khi Vinapharm nắm rõ nhu cầu thị trường thuốc trong nước cũng như nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân VN.

Thị trường dược phẩm VN được kỳ vọng sẽ có những sản phẩm dược chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Cũng theo ông Tuấn, theo Luật dược vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực đầu năm 2017), VN đặt mục tiêu tập trung phát triển công nghiệp dược, làm sao sản xuất được nhiều sản phẩm dược chất lượng cao cho người dân sử dụng.

Với sự đầu tư vào nhà máy mới theo mô hình công nghệ hiện đại, Bộ Y tế kỳ vọng các sản phẩm không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu cho các nước trong khu vực.

“Một khi sản phẩm dược “made in VN” được xuất khẩu sang các nước tiên tiến, hình ảnh ngành công nghiệp dược VN chắc chắn sẽ được cải thiện hơn” – ông Tuấn bày tỏ kỳ vọng.

Bà Martine Pinville, quốc vụ khanh phụ trách thương mại – thủ công nghiệp – tiêu dùng – kinh tế – xã hội & đoàn kết Pháp, cho rằng theo cam kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) VN – EU đã được VN và Liên minh châu Âu (EU) ký kết, cơ hội cho doanh nghiệp Pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và dược phẩm sẽ rất lớn.

“Và các quan hệ liên doanh hợp tác hiện nay là nền tảng tốt để doanh nghiệp hai nước tận dụng các cam kết trong FTA này” – bà Martine Pinville nói.

Nâng cao giá trị sản phẩm dược VN

Ông Cyril Grancham-desraux cho rằng quan hệ hợp tác này không chỉ bỏ vốn vào nhà máy tại khu công nghệ cao mà điều quan trọng hơn là trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) với hơn 90% nhân sự là người VN nhằm phát triển, sản xuất và kinh doanh sản phẩm dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

 

Như Bình/TTO

 

Bình luận (0)