Từ 1.10, chỉ những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện như quy định của Nghị định 107 mới được nhập khẩu gas – Ảnh: D.Đ.M
|
Vẫn còn cửa để lách luật
Theo ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội gas VN, điểm mới nhất của nghị định là thương nhân đầu mối quy định giá gas trong hệ thống của mình, có trách nhiệm báo giá mỗi lần thay đổi giá gas về cơ quan chủ quản. Ngoài ra, các công ty, trạm chiết nạp thuê khi sang nạp gas cho các đại lý không cùng hệ thống phải có hợp đồng và chịu trách nhiệm về sản phẩm mình nạp gas.
Nghị định 107 quy định các đầu mối xuất nhập khẩu gas trực tiếp hay đại lý phân phối gas cấp 1 phải có đủ 300.000 bình (không tính bình mini), bồn chứa gas tối thiểu 800m3, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas khác nếu không đáp ứng đủ điều kiện phải chuyển mô hình hoạt động.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Vinh Sang, TGĐ Saigon Petro, cho biết ông đã nhiều lần kiến nghị lên Bộ Công thương về việc Nghị định 107 chưa có những quy định chặt chẽ với hoạt động sang chiết gas lậu. Với 1,6 triệu bình gas đang lưu thông trên thị trường, mối lo lớn của Saigon Petro chính là gas lậu, gas giả. “Những công ty gas nhỏ chỉ bị ép về việc không xuất nhập khẩu gas trực tiếp, nhưng vẫn có thể thoải mái sang chiết gas, nói là có hợp đồng hay chịu trách nhiệm nhưng rất khó kiểm soát chuyện này. Nhiều công ty, đại lý trong số này tồn tại được chỉ nhờ sang chiết gas lậu”, ông Sang nói.
Đồng quan điểm này, ông Lê Minh Hiếu, TGĐ Công ty gas khí Thái Dương cũng cho rằng, dù có Nghị định 107, thị trường gas chưa thể minh bạch, doanh nghiệp nào làm đúng luật vẫn làm đúng, doanh nghiệp nào sai luật vẫn có nhiều cửa để lách luật.
Điều 50 của Nghị định 107 quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh khí hóa lỏng gas (LPG) như sử dụng trạm nạp di động, nạp từ xe bồn, nạp vào chai mini không được phép nạp lại, nạp vào chai không thuộc sở hữu… Chiếm giữ trái phép, mua bán, trao đổi chai LPG không thuộc sở hữu (trừ trường hợp thuê nạp), nhái vỏ chai, nhái nhãn hàng hóa… Mọi hình thức như đầu cơ trục lợi, bán thiếu khối lượng, gian lận chất lượng LPG, chiếm đoạt chai LPG của thương nhân kinh doanh LPG khác… cũng bị cấm. Các thương nhân kinh doanh LPG vi phạm các quy định trên, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Các tổng đại lý nếu vi phạm sẽ bị rút giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai, giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG, giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào ô tô… |
Gas lậu, gas giả vẫn tràn lan
Từ 1.10, Nghị định 107 mới có hiệu lực toàn diện nhưng các quy định về phạm vi điều chỉnh, mức chế tài, xử phạt đã có hiệu lực từ 15.1.2010. Tuy nhiên từ đó đến nay, tình trạng gas lậu, gas giả vẫn chưa được cải thiện nhiều. Gần đây nhất tháng 9.2010, Đội quản lý thị trường 4A của TP.HCM đã phát hiện hơn 1 tấn gas giả các nhãn hiệu Elf, VT, Shell, Petrolimex. Dù vậy, theo bà Lê Thị Anh Mẫn, Chủ tịch Chi hội gas miền Nam, số gas bị lực lượng chức năng bắt giữ còn quá ít so với thực tế.
Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, nhiều đại lý đã chiếm dụng vỏ bình gas của các công ty lớn, cải tạo để sang chiết gas lậu, thậm chí bơm gas giả khiến vỏ bình rất dễ rò rỉ, xảy ra cháy nổ. Đầu tháng 9.2010 tại Vĩnh Phú xảy ra vụ bình gas bốc cháy khiến 6 người bị bỏng. Riêng nửa đầu tháng 4.2010 tại TP.HCM đã xảy ra 3 vụ tai nạn gas gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, vụ nổ bình gas tại đại lý gas Hiệp Phát (Q.Gò Vấp) khiến 11 người bị thương. Nguyên nhân được Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM xác định do đại lý này sang chiết gas trái phép.
Không quyết liệt, khó hiệu quả
Hiệp hội gas VN hiện có khoảng 180 DN thành viên, nhưng trên cả nước số cửa hàng, đại lý gas có thể lên tới hàng chục nghìn, bởi chỉ tính riêng TP.HCM đã có khoảng 5.000 thương nhân kinh doanh gas.
Theo một chuyên gia, việc chỉ còn một số đầu mối đủ khả năng xuất nhập gas trực tiếp hay phân phối có thể giúp sàng lọc lại thị trường, nhưng ít nhiều sẽ sinh ra tình trạng độc quyền của một vài “ông lớn”, ảnh hưởng tới giá gas. Mặt khác, để tránh sức ép thua lỗ, không loại trừ việc các công ty nhỏ, đại lý vẫn sẽ cố tình vi phạm để kiếm lời.
Ông Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), người tham gia xây dựng Nghị định 107 cho rằng, các quy định sẽ đưa việc kinh doanh gas đi vào trật tự, nền nếp, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, khó kiểm soát với hàng trăm nhãn hiệu gas khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ Nghị định 107 không hướng tập trung riêng vào việc kiểm soát gian lận thương mại gas giả, hay sang chiết gas lậu. Theo ông Xuân, việc chống gas giả, gas lậu cần tới những quy định riêng, với những công cụ mạnh tay hơn, và sự tham gia quyết liệt của cơ quan chức năng như quản lý thị trường hay công an kinh tế.
Mai Hà – Hoàng Việt (Theo TNO)
Bình luận (0)