Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thị trường gas loạn giá

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Vin cớ giá gas bị điều chỉnh tăng do nhà cung cấp tăng giá, nhiều đại lý gas đang “té nước theo mưa” làm loạn thị trường với các mức điều chỉnh giá vô tội vạ khiến người tiêu dùng điêu đứng.

"Loạn" giá gas
Chỉ trong vòng 5 tháng, giá gas tăng 7 lần với mức tăng hơn 30%. Tính riêng từ đầu tháng 5 đến nay, giá gas thế giới tăng lên 970 USD/tấn (tăng 87,5 USD/tấn so với trước đó). Với mức tăng này, theo tính toán của các hãng gas, giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng trong nước tăng khoảng 30.000 đồng/bình 12 kg là đã có lãi. Tuy nhiên, nhiều hãng gas lại bán với giá tăng đến hơn 40.000 đồng/bình.
Chỉ trong 5 tháng giá gas tăng đến 7 lần.
Theo tìm hiểu của chúng tôi về giá gas niêm yết tại một số hãng gas trên địa bàn Hà Nội từ ngày 12 đến 14-5, cùng một loại bình loại 12 kg gas Petro Việt Nam đang có giá là 378.000 đồng, Petrolimex là 386.000 đồng, Totall gas là 396.000đồng, shell gas là 426.000 đồng. Như vậy, giá chênh lệch giữa các hãng lên tới 48.000 đồng/bình 12kg.
Ngoài việc các hãng gas tăng giá, hiện ngoài thị trường còn có tình trạng các đại lý vin cớ hãng gas tăng giá để “hét” giá cao thêm tới gần 30.000 đồng/bình 12kg.
Ghi nhận tại đại lý gas Bảo Việt trên đường Ngọc Lâm (Gia Lâm, Hà Nội), giá gas Petrolimex đang được bán cho người tiêu dùng là 410.000 đồng, bình Totall gas có giá là 425.000 đồng, bình gas Gia định thì mức giá thấp hơn, hiện đang ở mức 390.000 đồng/bình (các bình 12kg).
Việc tăng giá gas trong thời gian qua đều được giải thích là do giá là giá gas trên thế giới tăng cao, tỷ giá tăng, nguồn hàng từ Dung Quất tạm ngừng nên các DN phải nhập khẩu bổ sung với mức gas thế giới trên đà tăng cao…
Trong lần tăng giá mới nhất ngày 11-5 vừa qua, đại diện Sài Gòn Petro lại cho rằng, các đại lý đang gặp rất nhiều khó khăn, chi phí tăng cao, trong khi giá gas phải bán theo giá của công ty, khiến lợi nhuận mỗi bình gas không được là bao nhiêu. Để chia sẻ điều này, Sài Gòn Petro quyết định tăng thêm 4.000 đồng/bình 12 kg. Trước đó vào đầu tháng 5, Cty này cũng tăng giá bán thêm 30.000 đồng/bình.
Người tiêu dùng chịu thiệt
Giá gas trên thị trường hiện nay đang “loạn” song theo Hiệp hội gas Việt Nam, mức tăng và mức chênh nhau giữa các đại lý không đáng kể. Chỉ có người tiêu dùng thì vẫn "ngậm bồ hòn" sử dụng gas vì chẳng còn sự lựa chọn nào khác.
Trả lời PV, ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam lại cho rằng, giá gas Việt Nam phụ thuộc vào giá gas thế giới, bởi trong tổng số lượng gas ở nước ta, có tới 60% là gas nhập khẩu, 40% còn lại dù không phải nhập khẩu nhưng vẫn phụ thuộc vào giá thế giới.
Nghị định 107 của Chính phủ cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá mình đưa ra trong hệ thống. Vì vậy, nếu người dân phát hiện ra đại lý nào bán gas không niêm yết giá và bán giá cao hơn so với giá quy định của hãng, thì có thể phản ánh để hãng đó xử lí theo quy định.
Về giá bán chênh nhau giữa các hãng, ông Thắng cũng cho biết, hiện nay, các hãng bán giá chênh nhau vài chục nghìn đồng hay các đại lý tự tăng giá tính ra chỉ là 1%. Con số này không phải là nhiều, nếu khi nào các hãng bán chênh nhau từ 5-10% thì lúc ấy Hiệp hội mới can thiệp. Qua sự chênh giá này, người dân có quyền lựa chọn những hãng gas nào tốt, dịch vụ tốt để sử dụng.
Cũng theo ông Thắng, chỉ khi doanh nghiệp nào bán giá bất thường thì mới can thiệp. Tuy nhiên, hiện chưa có gì nổi cộm về vấn đề này.
Ông Thắng cũng nói thêm rằng, hiện nay, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của nhà nước chưa được chặt chẽ. Điều này khiến cho các đại lý tự ý nâng giá lên cao, nếu công tác này được làm chặt thì người tiêu dùng đỡ bị thiệt thòi.
Theo Minh Đức
VTC News

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)