Du khách Hồi giáo là đối tượng rất thích đi du lịch và là nhóm có chi tiêu cho du lịch ở mức cao trên thế giới. Nếu khai thác thị trường này, TP.HCM cũng như Việt Nam sẽ tăng số lượng khách du lịch quốc tế, tăng cơ hội cho doanh nghiệp du lịch.
Cần dịch vụ phù hợp
Những năm gần đây, số người theo đạo Hồi đi du lịch trên thế giới tăng khá nhanh. Nếu năm 2013 khoảng 108 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch thì đến năm 2023 có khoảng 140 triệu lượt. Đến năm 2028, ước khoảng 230 triệu lượt khách du lịch Hồi giáo sẽ đi du lịch ra nước ngoài, chi tiêu sẽ lên tới 225 tỷ USD.
Ông Trần Văn Tân Cương (Giám đốc Công ty Halal Quốc gia Việt Nam) cho biết, nhu cầu du lịch Halal (Hồi giáo) ngày càng tăng. Mỗi chuyến đi của người Hồi giáo bao gồm điểm đến du lịch với di sản Hồi giáo. Ở một số khu vực, chuyến tham quan còn bao gồm cả việc tham quan cộng đồng Hồi giáo địa phương và nhà thờ Hồi giáo.
Ông Cương cho rằng, các doanh nghiệp du lịch có thể nắm bắt dòng khách này bằng cách cung cấp các dịch vụ và gói dịch vụ chuyên biệt đáp ứng sở thích đa dạng của du khách Hồi giáo. Từ đó, mang đến cho khách Hồi giáo những trải nghiệm phù hợp với giá trị tôn giáo và văn hóa.
Muốn được vậy, doanh nghiệp phải hiểu, tôn trọng nhu cầu và sở thích riêng biệt của du khách Hồi giáo. Theo đó, doanh nghiệp cần đầu tư vào đào tạo nhận thức văn hóa cho nhân viên, cung cấp các dịch vụ phù hợp với các yêu cầu cho người Hồi giáo. Đồng thời, phải làm sao tạo ra một môi trường hòa nhập, thân thiện và chào đón du khách tại địa điểm hay khu vực của mình quản lý.
Ngoài ra, việc giải quyết cơ sở hạ tầng và hậu cần cũng là điều quan trọng để mang lại trải nghiệm liền mạch cho du khách Hồi giáo. Thực phẩm cho người Hồi giáo luôn sẵn có cho đến việc cung cấp các cơ sở cầu nguyện và thời gian cầu nguyện được chỉ định nhằm nâng cao trải nghiệm du lịch tổng thể cho khách của mình. Đầu tư vào hệ thống giao thông và truyền thông hiệu quả cũng có thể giúp hợp lý hóa hoạt động và cải thiện sự hài lòng của khách hàng.
Ông Cương cho hay, yếu tố văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ du lịch Hồi giáo. Hiểu được các sắc thái văn hóa và truyền thống của du khách Hồi giáo có thể giúp các doanh nghiệp điều chỉnh dịch vụ của mình để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường này. Doanh nghiệp có thể kết hợp các yếu tố văn hóa vào dịch vụ như: Biển báo tiếng Ả Rập, thảm cầu nguyện trong phòng nghỉ và nhân viên nói tiếng Ả Rập. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể triển khai các nền tảng đặt phòng trực tuyến đáp ứng các yêu cầu về dịch vụ du lịch Hồi giáo, cung cấp các tour du lịch ảo đến các điểm đến thân thiện với người Hồi giáo. Sử dụng phương tiện truyền thông từ mạng xã hội để kết nối với du khách Hồi giáo. Mặt khác, đầu tư vào công nghệ thông minh, chẳng hạn như ứng dụng di động cho thời gian cầu nguyện và chỉ đường cũng có thể nâng cao trải nghiệm du lịch tổng thể cho khách du lịch.
Tính bền vững là một khía cạnh ngày càng quan trọng của du lịch hiện đại và du lịch Hồi giáo cũng không ngoại lệ. Việc thực hiện các hoạt động bền vững phù hợp với nguyên tắc giáo lý của Hồi giáo và thu hút những du khách có ý thức về sinh thái. Kết hợp tính bền vững bằng cách phát triển chỗ ở thân thiện với môi trường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước và giảm chất thải thông qua các chương trình tái chế và ủ phân.
Ông Hosen Yousof (Giám đốc Công ty HalalTrip.vn – mô hình du lịch của người Hồi giáo) cũng cho rằng, muốn thu hút khách Hồi giáo, những địa điểm du lịch cần đầu tư khu nghỉ dưỡng có tiện nghi như spa, hồ bơi riêng biệt cho nam và nữ. Đào tạo nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên du lịch thân thiện với khách Hồi giáo. Các điểm du lịch cần đầu tư thêm nhà hàng dành riêng cho người Hồi giáo, thêm phòng cầu nguyện tại sân bay, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại thế giới, hội chợ quốc tế.
Nhiều lợi thế
Ông Phan Đình Huê (Giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt) cho biết, thị trường khách Hồi giáo rất lớn vì có tới gần 2 tỷ người theo đạo Hồi và nhiều người giàu nhất thế giới là theo đạo Hồi. Đối với khách Hồi giáo thì đứng về mặt danh tiếng, họ rất thích Việt Nam. Đứng về mặt tài nguyên, nguồn lực thì chúng ta cũng rất tốt. Đặc biệt, đối với TP.HCM là một cửa ngõ mà khách Hồi giáo họ rất quen thuộc vì trong TP cũng có rất nhiều nhà thờ của đạo Hồi. “Khách du lịch Hồi giáo họ cũng không khác khách du lịch các dòng khác. Họ cũng bị thu hút bởi nhịp sống, kinh tế năng động của TP.HCM, sự hào phóng hiếu khách của TP.HCM. Ở đây cũng là nơi cung cấp cho họ những dịch vụ đầy đủ nhất về thực phẩm, trung tâm mua sắm, giải trí và là đầu mối để họ có thể tỏa ra các nơi. Với chúng tôi, qua sự tìm hiểu, khách du lịch Hồi giáo đến TP.HCM chiếm tới 60% lượng khách trong số gần 1 triệu khách đến Việt Nam”, ông Huê cho biết.
Theo các chuyên gia, du khách Hồi giáo hay có lịch trình trải nghiệm dài hơn so với những khách du lịch khác vì hầu hết họ có xu hướng dành ít nhất một hoặc hai tuần ở điểm đến đã chọn. Du khách đến từ các quốc gia Hồi giáo thường đi cùng gia đình hoặc theo nhóm lớn. Họ thích tham quan các địa điểm thú vị, công viên giải trí, mua sắm. Vì vậy địa điểm nào có các hoạt động vui chơi, giải trí thân thiện với gia đình sẽ thu hút đối với những du khách này.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu (Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) cho biết, ngành du lịch TP.HCM luôn khuyến khích các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ cần có bếp ăn để phục vụ du khách Hồi giáo. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu và đẩy mạnh thị trường khách Hồi giáo đến du lịch TP.HCM.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu (Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) cho biết, ngành du lịch TP.HCM luôn khuyến khích các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ cần có bếp ăn để phục vụ du khách Hồi giáo. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu và đẩy mạnh thị trường khách Hồi giáo đến du lịch TP.HCM. |
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định cần quan tâm phát triển các thị trường mới, có tiềm năng trong đó có thị trường Trung Đông, Ấn Độ… Du lịch Hồi giáo là tiềm năng phát triển du lịch bền vững, đem lại nhiều cơ hội lớn cũng như thách thức với ngành du lịch.
Song song với việc khai thác thị trường khách du lịch Hồi giáo gần như Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ, TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung cũng tập trung khai thác thị trường Hồi giáo có khả năng chi trả cao, du lịch dài ngày, đặc biệt chú trọng khu vực Trung Đông.
Hồ Trinh
Bình luận (0)