Trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và kiến thức ngoại ngữ của người lao động Việt Nam hiện nay khó có thể hòa nhập với thị trường lao động năng động trong thời gian tới. Nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với nguồn nhân lực nước ta.
Giáo viên trường nghề tiếp cận với trang thiết bị đào tạo chất lượng cao tại một hội thi. Ảnh: T.Tri |
Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) bày tỏ lo ngại như thế tại buổi báo cáo chuyên đề “Thị trường lao động hội nhập tiến tới nền công nghiệp 4.0 và tác phong công nghiệp. Cơ hội, thách thức về thị trường lao động, việc làm với với sinh viên”, do Trường CĐ Kinh tế TP.HCM tổ chức mới đây.
Cơ hội nhiều, thách thức lớn
Theo ông Tuấn, khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN đã là một thách thức lớn đối với thị trường lao động trong nước. Nền kinh tế thị trường theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà nguồn lao động lại luôn trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu (thiếu kỹ năng ở lao động trình độ ĐH-CĐ). “Ngay từ bây giờ, dù chậm mỗi người hãy tự tìm cho mình một nghề hoặc nhóm nghề phù hợp với đam mê, điều kiện kinh tế và xã hội đang cần, đó là cách mà bản thân tìm cơ hội cho thị trường lao động hội nhập tiến tới kỷ nguyên 4.0. Tuy nhiên, để làm được điều này, mỗi người phải có kế hoạch, mục tiêu nghề nghiệp ngay từ bậc THCS. Theo đó, người học cần tỉnh táo lựa chọn nghề nghiệp, luôn ý thức tiếp cận khoa học công nghệ… là điều kiện cần trong kỷ nguyên 4.0”, ông Tuấn lưu ý.
Bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) khẳng định, hợp tác quốc tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp cận với nền giáo dục nghề nghiệp tiên tiến trong khu vực và thế giới. Theo đó, việc hợp tác phát triển và chuyển giao chương trình đào tạo là cực kỳ quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng thị trường lao động trong thời kỳ công nghiệp 4.0.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Cẩm (Trưởng phòng Đào tạo Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên, Thành đoàn TP.HCM) đánh giá cao tính tương thích trong đào tạo và sử dụng lao động hiện nay. Có được kết quả đó, ngoài các yếu tố xuất phát từ doanh nghiệp, cơ sở đào tạo còn đến từ ý thức của người học hoặc người lao động trong việc chuẩn bị hành trang cho tương lai của mình.
Để có nguồn nhân lực đáp ứng kỷ nguyên 4.0
Đại diện Trường CĐ nghề Lilama 2 cho rằng, để có được nguồn lao động phục vụ thị trường trong thời kỳ công nghiệp 4.0, các trường cần tạo mọi điều kiện để người lao động, người học tiếp cận với mô hình đào tạo kép của nước ngoài, cụ thể là của Đức thông qua Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam đã triển khai thực hiện ở một số ngành nghề.
Bà Trần Thị Tú Anh (Phó Trưởng phòng tư vấn – giới thiệu việc làm, Khu công nghệ cao TP.HCM) cho biết, hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong và ngoài khu công nghệ cao có nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật cao nhưng thành phố chưa đáp ứng được. Đơn cử như tại Ngày hội việc làm Khu công nghệ cao lần 1 năm 2017, 20 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng đến 500 vị trí. Hiện nhân lực ở các vị trí quản lý chất lượng, kỹ sư phát triển phần mềm, trưởng phòng xưởng Mold, kỹ sư kiểm soát chất lượng nhà cung cấp… đang thiếu trầm trọng. |
Trước đòi hỏi của thị trường lao động đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TP.HCM đã triển khai kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo trung hạn giai đoạn 2015-2020. Theo đó, từ đề xuất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, có 2/8 dự án đầu tư cho trường nghề chất lượng cao (Quyết định 761/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và 6/8 dự án đầu tư cho các trường đào tạo nghề trọng điểm quốc gia và khu vực (Quyết định số 854/QĐ-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH).
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho rằng tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng thị trường lao động tương thích với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là trách nhiệm lớn của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Sở LĐ-TB&XH TP.HCM khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng và đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo các trình độ theo hướng phát triển của khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, các cơ sở cần xác định mục tiêu đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động để thuê chuyên gia nước ngoài tham gia đào tạo trực tiếp người học.
Ông Cao Văn Sâm (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) thừa nhận, chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, đặc biệt là những ngành nghề mới, đòi hỏi kỹ thuật cao. Như vậy, việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho thị trường lao động thời kỳ công nghiệp 4.0 là không đơn giản. Chúng ta không thể có được nguồn lao động chất lượng nếu trang thiết bị lạc hậu, thiếu đồng bộ. “Để không bị thua kém với bạn bè, bản thân người học, người lao động phải kiên trì, nỗ lực trang bị cho mình những kiến thức chuyên môn để có một chỗ đứng trên thị trường lao động trong nước và khu vực ASEAN”, ông Sâm khuyên.
T.Anh
Bình luận (0)