Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Thị trường lao động đang thừa hay thiếu?

Tạp Chí Giáo Dục

Cho đến giờ, nhiều người vẫn không hiểu vì sao trong khi số lao động bị mất việc đang tăng lên từng ngày, mà nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vẫn không tuyển được lao động. Vậy, thị trường lao động hiện nay đang thiếu hay thừa? Thừa ở đâu, thiếu ở đâu?

Sàn giao dịch việc làm TPHCM ngày 28/2/2009.

 Cung lớn hơn cầu 

Qua khảo sát thực tế cho thấy, lao động ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam gần đây đã và đang giảm mạnh về số lượng. Tại nhiều nhà máy, số lao động còn làm việc chỉ bằng 30 – 60% so với cách đây vài tháng. Một chuyên gia thị trường lao động cho biết, nếu những năm trước, các doanh nghiệp thường vắng nhiều lao động vào thời điểm sau tết là do lao động luân chuyển từ nhà máy này sang nhà máy khác, thì năm nay, lao động vắng là do về quê và… ở lại luôn. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, giám đốc trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) Hepza cho biết, những ngành nghề sa thải nhiều lao động là: may mặc, da giày, dệt nhuộm, xây dựng, lắp ráp điện tử… Ngoài ra còn có các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh địa ốc, chứng khoán, ngân hàng… cũng đã cắt giảm nhân sự với số lượng lớn. 

Tuy nhiên, nhìn toàn cục, nguồn cung trên thị trường lao động, nhất là nguồn lao động phổ thông vẫn lớn hơn so với cầu. Tại sàn giao dịch việc làm do trung tâm GTVL Thanh Niên TPHCM tổ chức ngày 28/2, các nhà tuyển dụng đã nhận được 4.633 phiếu đăng ký tìm việc của các ứng viên. 

Tuy nhiên, có một thực tế là giữa người lao động và nhà tuyển dụng vẫn tồn tại một khoảng cách đáng kể. Nhiều doanh nghiệp tuyển lao động với mức lương khá cao, nhưng số người đăng ký chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu. Ví dụ như công ty TNHH vệ sinh công nghiệp P. Dusmann Việt Nam cần tuyển 100 lao động phổ thông, mức lương khởi điểm từ 1,5 – 1,8 triệu đồng/tháng, nhưng bà Vũ Thị Kiều Tiên, trưởng phòng nhân sự công ty cho biết, suốt buổi sáng chỉ có năm người đăng ký. Ban tổ chức sàn giao dịch cho biết, chỉ có 759/4.633 ứng viên được nhận việc, hoặc mời về công ty tham gia phỏng vấn vòng hai, chủ yếu là lao động có chuyên môn.

Chuyên gia thị trường lao động Trần Anh Tuấn: “Do không lường trước được những diễn biến của thị trường thế giới, nên thời gian tới, nhiều DN sẽ tạo nên tình trạng biến động liên tục trên thị trường lao động. Không ít DN khi ký được đơn hàng, thì tuyển người ồ ạt, nhưng khi “làm” xong đơn hàng, thì lập tức cho người lao động nghỉ việc”.

Một cán bộ của trung tâm GTVL Hepza cho biết, có hiện tượng nhiều doanh nghiệp rao tuyển hàng ngàn người, nhưng khi trung tâm mới cung ứng được một vài chục, thì lại không tiếp nhận nữa(?). Chuyên gia thị trường lao động Trần Anh Tuấn nhận định, không loại trừ khả năng nhiều doanh nghiệp đưa ra nhu cầu tuyển dụng “ảo” để “đánh bóng thương hiệu”, hoặc nhằm vào các mục đích không chính đáng khác, gây “nhiễu” thị trường lao động. 

Tình trạng thiếu lao động vẫn chỉ diễn ra cục bộ ở khu vực nhân sự trung – cao cấp, thợ lành nghề, vốn là “căn bệnh cố hữu” của thị trường lao động Việt Nam. 

Người lao động tự “đề kháng” 

Theo khảo sát mới đây của công ty nghiên cứu thị trường TNS và Gallup International, so với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, lao động Việt Nam có vẻ “lạc quan” về vấn đề việc làm hơn nhiều so với lao động các nước khác. Thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 31% số người lao động được hỏi ý kiến bày tỏ lo ngại sẽ bị mất việc làm. 

Một điều thú vị khác từ cuộc khảo sát cho thấy, tâm lý tự tin về cơ hội tìm kiếm việc làm mới của người lao động Việt Nam là khá cao. Cụ thể, cuộc khảo sát hỏi các đáp viên đánh giá khó khăn họ sẽ gặp, nếu họ mất việc. Không ngạc nhiên, tại Việt Nam, nơi có 86% dự đoán số người thất nghiệp trong năm nay sẽ tăng lên, khoảng 1/3 số công nhân được hỏi (39%) tin rằng họ có khả năng tìm được việc mới nhanh chóng, trong khi 55% nghĩ rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn. 

Liệu thực tế có đúng như vậy không? Một nhà nghiên cứu về thị trường lao động cho rằng, phần đông lực lượng lao động Việt Nam có xuất phát điểm khá thấp, chủ yếu xuất thân từ nông thôn, nên họ có thể tự tìm ra nhiều lối thoát, nếu bị mất việc. Họ có thể chấp nhận một mức sống thấp hơn, nhưng không phải là “mất tất cả”, nếu bị thất nghiệp như lao động ở các nước phát triển. Thậm chí, nếu không tìm được việc ở các đô thị, họ có thể trở về quê làm ruộng, sống dựa vào gia đình. Đó chính là cơ sở để tạo nên sự tự tin của số đông người lao động. Vấn đề người lao động khi tìm việc quan tâm nhất hiện nay là độ ổn định của việc làm. Bởi có không ít yếu tố tác động, khiến tính chất công việc trở nên bấp bênh. 

Một điểm khá nổi bật khác, là người lao động Việt Nam có khả năng thích ứng khá tốt. Đối diện với nguy cơ mất việc, họ tìm cách tự trang bị kiến thức, kỹ năng mới để tìm công việc khác, thậm chí là chuyển nghề. Tại sàn giao dịch việc làm TP.HCM mới đây, số người đăng ký theo học các khoá đào tạo ngắn và trung hạn tăng đột biến so với các lần trước. 

Theo Hải Việt

Sài Gòn tiếp thị

 

Bình luận (0)