Ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM – chia sẻ với học sinh về nguồn nhân lực trong tương lai tại chương trình tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức
|
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí (CK) đang đứng trước tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng, trong khi xu hướng chọn nghề của học sinh lại không mấy mặn mà với các khối kỹ thuật. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là do lương của người lao động ngành CK còn thấp.
Học sinh chưa “mặn” với ngành CK
Hiện có một nghịch lý là những ngành nghề được Bộ GD-ĐT siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh như tài chính – ngân hàng, kế toán… lại được rất nhiều học sinh quan tâm, trong khi đó một trong những ngành đang khan hiếm nguồn nhân lực như ngành CK thì không được các em quan tâm nhiều. Một em học sinh ở Trường THPT Lương Văn Can (Q.8, TP.HCM) phân vân: “Em được biết, ngành CK có hai chuyên ngành nhỏ là CK động lực và CK chế tạo. Vậy hai ngành này khác nhau ở chỗ nào?”.
Trả lời câu hỏi này, ThS. Hồ Thị Ánh Tuyết (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho biết: “Khi chọn ngành CK chế tạo, các em sẽ được học về cách gia công cắt gọn các chi tiết CK, còn CK động lực thì chuyên về vận hành các loại máy móc, động cơ ô tô…”.
Tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, ngành công nghệ kỹ thuật CK lại có hai chuyên ngành là CK chế biến bảo quản nông sản thực phẩm và CK nông lâm. TS. Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) cho hay: “Ngành CK của Trường ĐH Nông lâm sẽ đào tạo các kỹ sư có những kiến thức chuyên môn về CK và công nghệ liên quan đến các vấn đề bảo quản và chế biến nông – lâm – thủy hải sản. Các em sẽ học về quá trình hoạt động, máy và thiết bị để sản xuất các chi tiết máy, máy cho các ngành sản xuất công – nông nghiệp; về cấu tạo, nguyên lý làm việc của các thiết bị động lực; về cấu tạo, nguyên lý làm việc của các máy và thiết bị phục vụ cho việc cơ giới hóa một quá trình sản xuất nông nghiệp…”.
Hiện nay, tại TP.HCM có rất nhiều trường ĐH tuyển sinh ngành CK với chỉ tiêu khá cao như ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Công nghiệp… Ngoài bậc ĐH, ngành CK còn được tuyển sinh hệ TCCN và các em sẽ được học liên thông ngay tại trường. ThS. Bùi Phương Tùng (Trưởng khoa CK Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) cho biết: “Khoa CK của trường hiện đào tạo hai chuyên ngành là CK chế tạo và CK động lực, hai ngành này đào tạo hệ TCCN từ lâu, còn hệ CĐ thì ngành CK chế tạo tuyển sinh từ năm 2008, CK động lực thì năm 2013 mới tuyển sinh. Hiện trường có 700 sinh viên ngành CK, trong đó hệ TCCN có 100 em”.
Không đủ cung ứng nhân lực
Theo báo cáo thị trường nhân lực trực tuyến tháng 12-2012 do nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng trực tuyến Vietnam-Works công bố, trong năm vừa qua, ngành CK là một trong 3 ngành có nhu cầu nhân lực tăng nhiều nhất (68%). Còn theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cùng với ngành hóa chất, chế biến thực phẩm và công nghệ thông tin, ngành CK sẽ là một trong 4 nhóm ngành thu hút nhu cầu nhân lực nhất từ nay đến năm 2020.
Khi tốt nghiệp ngành CK, sinh viên có thể làm những việc như điều hành sản xuất và bảo trì máy, phân tích lựa chọn công nghệ, nghiên cứu và đào tạo, lập các kế hoạch quản lý, điều hành các dự án kỹ thuật, CK ô tô, sửa chữa và đóng tàu…
“Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư ngành CK nông lâm có thể làm việc trong các lĩnh vực CK nói chung và các ngành CK phục vụ phát triển nông thôn hoặc các xí nghiệp CK chế tạo máy, xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc, các công ty chế biến nông lâm sản, các cơ quan xuất nhập khẩu máy, các xí nghiệp đông lạnh hoặc tự mình làm chủ một cơ sở sản xuất tổng hợp…”, TS. Trần Đình Lý chia sẻ.
Tốt nghiệp ngành CK, sinh viên có rất nhiều lựa chọn do nhu cầu nhân lực ngành này còn thiếu. Q.Thủ Đức (TP.HCM) là địa bàn tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp nên nơi đây có nhiều công ty cần lao động tay nghề cao, đặc biệt là lao động ngành CK. ThS. Bùi Phương Tùng cho hay: “Hiện Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức có liên kết với 8 doanh nghiệp trên địa bàn quận để đưa sinh viên đi thực tập. Mặc dù nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp cần nhiều nên tạo điều kiện cho tất cả sinh viên đều được thực tập nhưng mỗi năm chúng tôi chỉ đưa ra khoảng 120 sinh viên đi thực tập vì các em còn học nhiều môn khác. Hiện 100% sinh viên ngành CK của trường tốt nghiệp đều xin được việc làm, tuy nhiên một số ít em vẫn chưa đi làm vì doanh nghiệp trả lương cho ngành này còn thấp, có nơi chỉ trả khoảng 2,5 đến 3 triệu đồng/ tháng thì các em khó có thể chi tiêu cho cuộc sống ở thành thị”.
Bài, ảnh: Minh Châu
Bình luận (0)