Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Thị trường lao động Việt Nam: Hết thời lao động giá rẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Trung bình mỗi năm lực lượng LĐ nước ta tăng khoảng 738.000 người, cao hơn mức tăng trưởng việc làm mới. Áp lực việc làm vẫn sẽ rất lớn trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, các nghiên cứu từ Bộ LĐTBXH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, nếu các chính sách chỉ chú trọng tới tạo việc làm mới mà chưa quan tâm tới cải thiện chất lượng việc làm, như tiền lương, điều kiện LĐ, quan hệ LĐ thì tình trạng khan hiếm LĐ cục bộ tại nhiều địa phương sẽ vẫn tiếp tục xảy ra.
Nếu giữ chi phí nhân công thấp, DN VN sẽ khó tuyển đủ LĐ – Ảnh: Lao Động
Việt Nam đang thâm dụng lao động giá rẻ
Báo cáo do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) công bố trong tháng 6.2010 cho thấy: Lực lượng LĐVN dự kiến sẽ gia tăng khoảng 1,5%/năm (tương đương khoảng 738.000 LĐ/năm) trong giai đoạn 2010-2015. Xu hướng này sẽ tạo sức ép to lớn lên nền kinh tế phải tạo đủ cơ hội việc làm cho những người mới gia nhập lực lượng LĐ.
Ngoài thách thức trên, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương- Viện trưởng ILSSA, thị trường LĐVN đang phải đối mặt với thách thức về LĐ giá rẻ. Qua khảo sát, tốc độ tăng của thu nhập thực tế của người LĐ còn quá khiêm tốn. Trong suốt giai đoạn dài từ năm 1998- 2006, mức tăng thu nhập trung bình hàng năm nhanh nhất ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN nhà nước đạt tỉ lệ 8,6%, còn tại các DN hộ gia đình-nơi đang tạo việc làm cho phần lớn LĐVN thì chỉ đạt 2,3%.
So sánh với tỉ lệ lạm phát trung bình hàng năm là 4,1% của giai đoạn này thì đời sống của người LĐ trong các DN hộ gia đình đã giảm hẳn. Đặc biệt, thời kỳ qua, VN đã dựa vào giá nhân công rẻ để phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng LĐ và hướng tới xuất khẩu như dệt may, giày da, chế biến…
Báo cáo mới đây của Bộ LĐTBXH cho thấy, thu nhập trung bình của 1 LĐ trong các ngành trên chỉ đạt 1,3-1,4 triệu đồng/người/tháng. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng thâm dụng nhiều LĐ, nhưng lại có xu hướng đánh đổi giữa chi phí LĐ cao và ít người sang chi phí LĐ rẻ mà sử dụng nhiều người.
Theo bà Hương, xu hướng sử dụng LĐ rẻ đã làm giảm các chi phí sản xuất cho các DN VN. Tuy nhiên, đây sẽ không còn là một lợi thế so sánh trong những năm tới và sẽ trở thành rào cản khi xu hướng sản xuất ngày càng hướng tới sử dụng công nghệ tiên tiến và LĐ có tay nghề cao.
Cần tính đến đòn bẩy tiền lương
Đối lập với dự báo về khả năng gia tăng LĐ, thách thức về việc làm nói trên, hiện, các DN trên cả nước đang rơi vào tình trạng thiếu LĐ trên diện rộng. Tuy nhiên, thực tế, VN không hề thiếu LĐ mà vấn đề nằm ở các DN không tuyển được LĐ.
Theo phân tích của bà Hương: Trước đây, LĐ dễ dàng chấp nhận mức lương thấp vì việc làm không nhiều. Nhưng nay nếu vẫn tiếp tục trả lương thấp thì DN không thu hút được LĐ là tất yếu. Nếu DN chấp nhận trả lương cao cho LĐ, thì dù ở nông thôn, vùng sâu, xa LĐ cũng sẵn sàng tìm về nơi có việc. Nhưng vì thu nhập quá thấp so với chi phí di chuyển từ nông thôn ra thành thị, chưa bù lại được chi phí sinh hoạt phải ăn, ở và đủ thứ mà người LĐ phải chi trả nên LĐ "chê" việc là đương nhiên.
Vì vậy, muốn giải quyết được bài toán này, DN phải tính đến đòn bẩy tiền lương. Đi kèm với đó, Chính phủ cũng cần có một chiến lược an sinh xã hội toàn diện để hỗ trợ người dân đối phó với các rủi ro và các cú sốc tiềm tàng đe doạ thu nhập, chi tiêu và cuộc sống của người LĐ.
(Ngọc Bảo, Lao Động)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)