Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thị trường mật ong: Thật giả lẫn lộn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Việt Nam là quốc gia nhiệt đới, có lợi thế rất lớn về sản xuất mật ong. Về đông y, mật ong có giá  trị dinh dưỡng cao, với nhiều vitamin, khoáng chất, đặc biệt là đường Fructose (đường tự nhiên) rất tốt cho sức khỏe. Thế nhưng, hiện nay mật ong được bày bán tràn lan trên thị trường, giá thành thì thượng vàng hạ cám, thật giả lẫn lộn, làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến “ngành công nghiệp thiên nhiên” này.
Rất khó để phân biệt mật ong thật giả bằng mắt thường. Dân gian có nhiều kinh nghiệm để nhận biết, nhưng chỉ mang tính tương đối, bởi ngày nay người làm mật giả dùng đường ăn (Glucose) chứ không dùng đường hóa học, nên vị ngọt của mật cũng không quá gắt, rất khó nhận biết. Do đó, chỉ xét nghiệm, chúng ta mới có thể biết được chính xác thành phần có trong mật ong.
Tinh vi mật ong giả
Bà H. (quê quán ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), người từng pha chế mật ong giả, nay đã bỏ nghề, khẳng định: “Tao bao hàng cho mầy luôn, bỏ ngăn đông tủ lạnh, thử bằng cọng hành có bị héo không… mọi cách cũng không phân biệt được thật giả đâu. Nhưng mà tội chết con ơi, giờ tao nghĩ lại mà còn sợ”!
Bà H. kể, do khi đó gia đình khó khăn nên làm đủ nghề để kiếm sống, gặp được một người phụ nữ, nói chuyện rồi thành thân quen. Người phụ nữ này có ý định mượn nhà của bà H. để pha chế mật ong bán, rồi chia sẻ công thức cho bà H. luôn. Bà H. nhớ lại:
Người phụ nữ đó mang về một loại thuốc gì đó, dạng bột, màu vàng, không có tên, được mua ở biên giới giáp với nước bạn Campuchia. Để pha thành mật ong, chỉ cần mua 1 cây đường cát, sau đó pha vào khoảng 15-16 lít nước, đun sôi cho đường tan chảy sánh lại thì ngưng. Sau đó, cho nước cốt chanh cùng một ít thuốc bột màu vàng trên vào là thành mật ong chính hãng, màu sắc, hương vị không khác gì mật ong tự nhiên.
Bà H. nói tiếp, mật ong giả này bỏ ngăn đông tủ lạnh cũng không đông hay thử bằng cọng hành, nếu mật ong giả thì cọng hành không bị héo, nhưng với loại mật này, cọng hành vẫn bị héo. Đặc biệt là đốt sẽ cháy! Khi tôi đề nghị tìm mua loại thuốc đó để pha chế mật ong, thì bà H. bảo không biết chỗ nào bán. Do người phụ nữ đó không nói tên thuốc bột là gì nên khi dùng hết số thuốc, bà thấy làm gian dối vậy tội lỗi quá, bỏ nghề cho đến nay.
Như chúng ta biết, mật ong có hương vị thơm ngon đặc trưng nên thường được dùng để làm gia vị chế biến món ăn. Ngoài ra, mật ong được dùng như một thực phẩm chức năng để hỗ trợ trong việc điều trị bệnh. Do có giá trị dinh dưỡng cao, đông y dùng mật ong để tăng cường sức đề kháng, bồi bổ cơ thể, hồi phục sức khỏe sau khi bị cảm, nên nhu cầu sử dụng mật ong rất cao.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, thành phần chính của mật ong là đường, trong đó đường Fructose chiếm tỷ lệ nhiều hơn, cùng một số vitamin, khoáng chất vi lượng rất tốt cho sức khỏe. 
Tuy nhiên, ngày nay để tìm mật ong nguyên chất thì rất khó. Một lần đi theo anh Tám (người săn ong ở Bến Tre), anh chỉ cho tôi thấy một số chiêu trò của bọn “treo đầu dê, bán thịt chó”. Nhóm người này cũng đi săn ong như bao người khác, nhưng số lượng mật kiếm được ít hơn. “Họ mua lại một số vỉ ong non (hay gọi là sáp ong) nhưng không phải để ngâm rượu mà để làm màu với khách hàng”, anh Tám nói.
Ngay khi tôi đang trò chuyện với anh Tám ở một quán cà phê thì có 2 thanh niên chạy xe gắn máy đến. Một thanh niên đến chào mời: “Mua mật ong không anh, mật ong ruồi nguyên chất vừa bắt được mới vắt ra, độ khoảng 2 lít. Anh mua đi, bán mão giá 580.000 đồng/lít”. Thấy chúng tôi không trả lời, anh thanh niên này nói tiếp, “Thôi trưa rồi, em bán rẻ về luôn, anh mua em lấy giá 550.000 đồng/lít”!
Nhìn vào xô của thanh niên này cầm trên tay, một lượng mật nằm lưng chừng trong xô, bên trên để 2 sáp ong, có vài con ong con bò quanh sáp, như để tạo lòng tin với khách là vừa đi săn ong về. Nếu người bình thường nhìn vào thì dễ tin là thật, là ong tự nhiên nhưng đối với người trong nghề như anh Tám thì không khó để biết đây là mật ong giả. 
Phần lớn là… đường!
Trong dân gian có nhiều kinh nghiệm để nhận biết mật ong thật, giả. Mật giả ở đây có nghĩa là không đảm bảo nguyên chất 100% mật ong tự nhiên, mà có thể đã pha nước, hay đường.
Anh Tám cho biết, chỉ nhìn màu sắc, mùi vị của mật là anh có thể đoán được thật, giả. Tuy nhiên, mật ong sống trong môi trường nào thì sẽ cho ra mật với màu sắc và mùi vị khác nhau. Ví dụ như mật hoa cà phê sẽ có vị ngọt hậu đăng đắng, màu đậm, còn mật hoa tràm ngọt thanh, màu vàng lợt…
Anh Tám tiết lộ, để biết mật ong thật, giả, có pha hay không thì có thể dùng giấy quyến, nhỏ một giọt mật như giọt mưa, nếu mật thật sẽ không thấm qua miếng giấy, còn nếu mật pha tạp chất thì sẽ thấm qua lớp giấy quyến ngay lập tức. Anh bật mí thêm, nếu mật ong thật thì kiến không dám bu lại. 
Chi tiết này đã được khẳng định về mặt khoa học, PSG-TS Trần Kim Tính, Trưởng phòng thí nghiệm chuyên sâu Trường Đại học Cần Thơ, giải thích, do bản năng sinh tồn của loài ong nên với mật ong thật, kiến sẽ không bu lại, từ đó ong mới bảo vệ được nguồn thức ăn cho chúng. Chúng ta có thể pha mật ong thật với nước, tỷ lệ 1:1, sau đó quét lên miếng giấy quyến, nếu thấy kiến mà bò vào là mật giả, còn nếu mật thật thì kiến không dám bén mảng tới. 
Để có cái nhìn khách quan về thị trường mật ong hiện nay, chúng tôi đã mua 4 mẫu mật ong ở các nơi khác nhau với giá cả vô cùng chênh lệch. Đây là những mẫu mật ong được người bán đảm bảo mật ong nguyên chất 100%!. Các mẫu gồm: Mật ong cà phê (được mua tại 1 siêu thị trên địa bàn TP Cần Thơ, giá 240.000 đồng/lít, mẫu 1); Mật ong từ hoa tràm (ong nuôi lấy mật tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, giá là 250.000 đồng/lít, mẫu 2); Mật ong rừng (phóng viên đi săn ong cùng với người dân, giá 1,8 triệu đồng/lít, mẫu 3); Mật ong đóng gói, mỗi gói có 12 túi loại 25gr/túi, giá 150.000 đồng/gói, mẫu 4).
Cả 4 mẫu được gửi xét nghiệm tại Phòng thí nghiệm chuyên sâu Trường Đại học Cần Thơ để kiểm tra thành phần đường tổng, Glucose (đường ăn), hàm lượng nước (%) và Saccharin (đường hóa học). Sau 10 ngày, bảng kết quả được trả về như sau: Mẫu 1 (đường tổng 68,85%, Glucose 42,03%, hàm lượng nước 21.13%); mẫu 2 (đường tổng 62,67%, Glucose 46,53%, hàm lượng nước 21,37%); mẫu 3 (đường tổng 46,94%, Glucose 25.40%, hàm lượng nước 35,98%); mẫu 4 (đường tổng 59,58%, Glucose 39,79%, hàm lượng nước 20,34%). Tất cả các mẫu đều có hàm lượng Saccharin bằng 0.
PGS.TS Trần Kim Tính cho biết, dựa trên kết quả xét nghiệm có thể thấy mẫu số 3 có lượng đường ít và lượng nước cao nhất. Điều này phù hợp với mật ong tự nhiên, trong khi đó, 3 mẫu còn lại có lượng đường cao, nước ít nên mật sệt hơn, có vị ngọt gắt hơn mẫu số 3.
Theo PGS.TS Trần Kim Tính, ngoại trừ mẫu 3, các mẫu còn lại chất lượng không ảnh hưởng sức khỏe mà chỉ giảm lượng mật tự nhiên, thay vào đó lượng đường ăn tăng lên để tăng sản lượng. Chính sự pha trộn này đã làm mật ong – một sản phẩm thiên nhiên bổ dưỡng, là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta ngày càng bị mất niềm tin đối với người tiêu dùng trong nước!
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Quốc gia, ở Việt Nam nghề nuôi ong đã và đang góp phần đáng kể vào việc tạo sinh kế và cải thiện đời sống người dân, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài việc tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, ong còn đóng vai trò chủ yếu trong thụ phấn cho cây trồng, giúp tăng năng suất và chất lượng rau quả. Để phát triển ngành nuôi ong cần có số liệu thống kê chính thức về đàn ong, số người nuôi ong, sản lượng và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu và phát triển nuôi, sản xuất mật ong hữu cơ. Cùng đó, quản lý chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ của mật ong Việt Nam; đào tạo kỹ thuật cho người nuôi ong, xây dựng thương hiệu cho mật ong Việt Nam.
 
TÍN HUY (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)