Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thị trường Myanmar – cơ hội cho Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Việt Nam có thể là nơi cung ứng dịch vụ, là vùng đệm hỗ trợ các quốc gia khác đầu tư vào Myanmar.

“Việc cải cách kinh tế thành công của Myanmar sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh tế các nước trong khu vực Đông Nam Á và có thể họ vượt qua cả Việt Nam”. Ông Yasuhiro Yamada, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bangkok (Thái Lan), nguyên Giám đốc Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật (JETRO) tại Hà Nội, lưu ý tại buổi nói chuyện với khoảng 20 nhà nghiên cứu về Chính sách mở của của Myanmar. Chương trình do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM) tổ chức ngày 7-7.
Việt Nam nên phát triển vai trò vùng đệm
. Thưa ông, Myanmar vừa mở cửa và đang còn khó khăn rất nhiều, điều gì làm ông nghĩ sự phát triển kinh tế của Myanmar có thể vượt qua Việt Nam?
+ Ông Yasuhiro Yamada: Nhật mất 100 năm để hoàn thiện hệ thống luật pháp, Việt Nam mất 20 năm cho điều đó, còn Myanmar dự định chỉ mất 10 năm. Có thể nói Myanmar học hỏi kinh nghiệm nước khác trong quá trình phát triển kinh tế nên hệ thống chính trị, pháp luật lẫn kinh tế sẽ hoàn thiện sớm. Tôi có thể ví dụ, hiện tại Bangkok (Thái Lan) có những khu công nghiệp lớn từ điện gia dụng đến công nghiệp xe hơi… Từ những khu công nghiệp này, Thái Lan dần thu hút nhiều nhà đầu tư và trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm cho toàn vùng Đông Á. Bên cạnh vị trí thuận lợi thì chính sách chung của Thái Lan là từ nay đến năm 2015 dần gỡ bỏ hàng rào thuế quan. Myanmar sẽ học hỏi Thái Lan trong tiến trình này.

Ông Yasuhiro Yamada trong buổi nói chuyện tại Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM ngày 7-7. Ảnh: QT
. Vậy ông đánh giá cơ hội đầu tư của Việt Nam vào thị trường Myanmar như thế nào?
+ Mekong là một vùng thống nhất. Chính phủ Việt Nam và Myanmar có quan hệ mật thiết về ngoại giao và những công ty Myanmar rất muốn học kinh nghiệm từ Việt Nam. Thế nên doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng hơn nữa với thị trường Myanmar. Hiện tại Thái Lan, Trung Quốc, Singapore… đã nhìn đến thị trường này. Việt Nam vẫn có cơ hội thắng các quốc gia trên với thị trường Myanmar.
Lưu ý là việc đầu tư không chỉ là đầu tư trực tiếp mà Việt Nam có thể là nơi cung ứng dịch vụ, là vùng đệm để các quốc gia khác muốn đầu tư vào Myanmar. Nên khai thác điểm thuận lợi trong giao thông giữa Việt Nam và Myanmar. Tôi ví dụ, bạn có thể bay trực tiếp từ Việt Nam sang Myanmar nhưng Nhật thì không thể bay trực tiếp sang Myanmar mà phải quá cảnh ở Việt Nam. Và hiện nay, một số doanh nghiệp Nhật ở Hà Nội, Thái Nguyên đã lấy Việt Nam làm bước đệm để tiếp tục đầu tư sang Myanmar. Chẳng hạn, một công ty sản xuất máy móc nha khoa của Nhật tại Hà Nội đã cử người Việt Nam sang quản lý ở Myanmar.
Phải liên kết với “tài phiệt” Myanmar
. Trong bối cảnh có thể bị “vượt mặt” như thế, theo ông Việt Nam phải làm gì?
+ Myanmar sẽ vượt qua Việt Nam trong thời gian ngắn nếu họ phát triển vững chắc chính trị và kinh tế. Một số chuyên gia kinh tế từng trao đổi với tôi rằng Việt Nam cần có một hình mẫu về kinh tế một cách dài hơn. Hình mẫu đó phải vạch ra được Việt Nam có thể phát triển kinh thế như Hàn Quốc hay gần hơn là Thái Lan. Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến vận mệnh đó chính là yếu tố con người.
. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân ở Myanmar hiện nằm trong sự kiểm soát của một nhóm nhỏ các nhà tài phiệt. Điều này dẫn đến việc các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Myanmar buộc lòng phải thỏa hiệp với các nhà tài phiệt trong nước mới mong làm ăn được?
+ Thực tế có những doanh nghiệp của Myanmar có liên quan đến chính quyền quân sự lẫn nhà nước hiện tại. Tình trạng không cho phép đầu tư 100% vốn nước ngoài tại Myanmar cũng giống Việt Nam hay Trung Quốc. Các nhà đầu tư bắt buộc phải liên kết với các công ty, doanh nghiệp có thế lực trong nước để liên doanh. Nếu nhà đầu tư nước ngoài liên kết được với doanh nghiệp trong nước có thế lực thì thành công của họ cao hơn thất bại. Các nhà đầu tư đến Myanmar nên cẩn trọng lựa chọn đối tác trong nước.
Hiện tại Quốc hội Myanmar đã bàn bạc những vấn đề của các nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến sẽ thông qua luật về đầu tư nước ngoài trong năm nay. Nhưng theo tôi, muốn Quốc hội chấp nhận đầu tư 100% vốn nước ngoài có lẽ phải chờ đợi vào kỳ bầu cử Quốc hội năm 2015.
. Xin cảm ơn ông.
Vào năm 2007, khi thực hiện loạt bài Ký sự Myanmar, đã có rất nhiều câu chuyện lạ lùng về một quốc gia khép kín với thế giới bên ngoài: Những gì liên quan đến thế giới hiện đại đều đắt đỏ; chỉ có nhân viên cao cấp của chính phủ mới được dùng điện thoại di động. Người dân muốn dùng di động phải có lý lịch tốt, được xếp vào hạng công dân ưu tú và bắt thăm theo đợt với giá “ưu đãi” 3.000 USD một SIM. Toàn thủ đô Rangoon khi đó chỉ có bốn, năm gian hàng bán điện thoại di động.
Tháng 3-2011, Tổng thống Thein Sein thành lập chính phủ dân sự và từ tháng 4-2012, khi lệnh cấm vận đối với Myanmar từ các quốc gia phương Tây dần được gỡ bỏ thì hình ảnh Myanmar có nhiều thay đổi lớn. Tháng 6-2012, Tổng thống Thein Sein đã công bố trên đài truyền hình kế hoạch cải cách giai đoạn 2 trong năm năm bắt đầu từ năm 2012. Giai đoạn 2 tập trung phát triển kinh tế và cải thiện phúc lợi với chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân 7,7%/năm.
QUỲNH TRANG
Pháp Luật TP.HCM

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)