Mặc dù số lượng nhập khẩu xe cũng như linh kiện, phụ tùng trong hơn hai tháng qua tăng mạnh, nhưng ở chiều ngược lại lượng xe bán ra lại giảm mạnh cũng chẳng kém.
Theo nhiều chuyên gia thì lượng bán hàng sẽ còn tiếp tục giảm trong những tháng tới mà nguyên nhân chính là do lạm phát tăng, tình hình kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi, dòng tiền khan hiếm, cộng với giá xe cùng với những chi phí khác liên quan đến việc sử dụng xe đều tăng cao.
Nhập khẩu tăng vọt
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu vào VN trong 6 tháng đầu năm đã tăng vọt, tới hơn 48% (hơn 34.000 xe) so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 55% về kim ngạch nhập khẩu (hơn 631 triệu USD)
Lý giải về nguyên nhân tăng vọt lượng ôtô nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm, các chuyên gia đều khẳng định là do hầu hết các DN nhập khẩu muốn đẩy mạnh việc gom hàng trước thời gian Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương có hiệu lực nhằm siết nhập khẩu ôtô chưa qua sử dụng bằng các loại giấy tờ như giấy uỷ quyền nhập khẩu, phân phối chính hãng, và giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng.
Vì vậy, khác với sự đều đặn của các tháng đầu năm, trong tháng 6/2011 lượng ôtô nhập khẩu vào VN đạt hơn 7.300 xe với kim ngạch tương đương 122 triệu USD, tăng 36,7% về lượng và 5,8% về giá trị so với lượng nhập khẩu của tháng 5.
Có một điểm khác biệt về lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc (cả cũ và mới) là dù tăng mạnh số lượng nhập khẩu, nhưng giá trị lại tăng không đáng kể, hay nói một cách khác là gần như không tăng. Theo một số DN và nhiều chuyên gia thì có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là việc nhập khẩu dựa vào xu hướng mua hàng hiện nay, chủ yếu vẫn là các loại xe có giá thấp, chất lượng vừa phải, có đủ sức cạnh tranh với các xe do DN trong nước lắp ráp.
Dù số lượng xe và kim ngạch nhập khẩu xe nguyên chiếc được xem là tăng mạnh so với cùng kỳ, nhưng vẫn kém xa so với giá trị nhập khẩu linh kiên, phụ tùng phục vụ cho lắp ráp, sửa chữa trong nước với kim ngạch 160 triệu USD trong tháng 6 và gần 1 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm.
Việc so sánh này cũng để muốn nói tới một vấn đề là nếu trong trường hợp muốn hạn chế lượng hàng hoá nhập khẩu, tránh nhập siêu thì ngoài việc cố gắng hạn chế xe nhập khẩu nguyên chiếc, quan trọng nhất là phải song song với việc hạn chế số lượng nhập khẩu linh kiên, phụ tùng phục vụ cho lắp ráp trong nước.
Từ nay đến cuối năm dự kiến khách hàng sẽ xem nhiều hơn mua |
Việc lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng cao trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm, xét về cơ bản là các DN muốn “lách” Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương và nhập hàng về trước, nhưng ở một khía cạnh nào đó điều này đôi khi lại phản tác dụng và có thể sẽ dẫn tới sự tồn đọng lớn trong những tháng cuối năm – những tháng được dự báo lượng xe bán ra sẽ vẫn tiếp tục sụt giảm do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Sẽ còn giảm
Đà giảm trong việc bán hàng của 17 thành viên các Hiệp hội sản xuất ôtô VN (Vama) thể hiện mạnh nhất vào tháng 5/2011 với việc sụt giảm hơn 2000 xe so với tháng 4/2011 và trong tháng 6 lượng bán hàng lại tiếp tục sụt giảm với chỉ hơn 7600 xe được bán ra (bao gồm cả xe thương mại), trong đó lượng giảm mạnh nhất chính là các dòng xe đa dụng và xe thương mại (giảm 40 và 32%).
Mặc dù tâm lý của nhiều đại lý các hãng ôtô là hiện nay đang vào thời “giáp hạt” của thị trường – thường rơi vào mấy tháng là 5,7,8, nhưng họ vẫn không mấy tin tưởng vào chu kỳ tăng trưởng của những tháng tiếp theo của năm. Đó là việc nhận định xu hướng mua hàng không phải theo chu kỳ tâm lý như trước mà là nguồn tiền không còn dồi dào. Người dân thay vì dùng tiền vào mua ôtô thì chuyển hướng sang những nhu cầu thiết thực hơn (cho dù mua ôtô vẫn được xem là thiết thực với nhu cầu tiếp tục gia tăng mạnh).
Những lo ngại này hoàn toàn có lý khi mà xét trên thực tế bán hàng của mấy năm qua thì cứ những năm thị trường chứng khoán phát triển mạnh, lạm phát ở mức thấp thì lượng xe bán ra tăng đột biến và ngược lại.
Mặt khác, trong mấy năm qua, thay vì giá ôtô đi xuống thì ngược lại, giá bán lại ngày càng tăng. (Một thống kê cho thấy, nếu so sánh với thời điểm này năm ngoái, đa phần các loại xe đều đã tăng giá ít nhất là 20%). Không những giá bán tăng mà những chi phí để sử dụng được ôtô cũng tăng cao, từ các loại phí đến giá xăng dầu, chi phí bãi đổ… tất tần tật đều tăng, có khi lên tới hơn 5 -70% so với năm ngoái. Chính vì vậy, nhiều người có tiền nhưng lại không mạnh dạn mua ôtô như những năm trước.
Đó là chưa tính đến nguồn vốn vay ngân hàng mua ôtô cũng đã giảm mạnh thời gian qua. Nếu như những năm trước, các ngân hàng thường xuyên tung ra các chương trình cho vay mua ôtô ưu đãi thì trong mấy tháng qua, gần như không có một chương trình nào được đưa ra.
Nếu lạm phát không giảm, kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi thì thị trường ôtô từ nay đến hết năm vẫn khó có thể tăng trưởng trở lại – nhận định của một chuyên gia lão làng về thị trường ôtô cho biết và nếu các DN, nhất là các DN nhập khẩu ôtô nguyên chiếc cần phải thận trọng – ông nhấn mạnh.
Quan điểm này nhận được sự đồng thuận của nhiều người vì khác với các liên doanh, có thể bán ít hay nhiều, nhưng về cơ bản vẫn phải cố giữ giá bán, chờ thời điểm, nhưng với những DN nhập khẩu thì sẽ khó khăn hơn, nhất là đối với những DN nhỏ, vốn ít.
Và đến một thời điểm nào đó, khi lượng tiêu thụ ôtô của thị trường nói chung vẫn sụt giảm thì chắc chắn họ sẽ phải bán để cắt lỗ (như đã từng xảy ra). Khi đó thì hiệu quả từ việc “lách” Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương đâu chưa thấy, mà thấy chính các DN đang tự làm khó mình.
Theo Quỳnh Anh
DĐDN
DĐDN
Bình luận (0)