Thị trường quà tặng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) năm nay khá phong phú về chủng loại, tuy nhiên lại kém sôi động so với mọi năm.
Tranh thư pháp bán tại nhà sách Miền Đông. Ảnh: T.Anh |
Thời điểm này năm ngoái, sức mua những mặt hàng này đã có chuyển biến rõ rệt nhưng năm nay khá yên ắng. Theo những người kinh doanh quà tặng, phần lớn khách đặt mua hàng trực tuyến nên tại các cửa hàng, siêu thị khá thưa thớt.
Món quà truyền thống được nhiều người lựa chọn cho Ngày Nhà giáo Việt Nam vẫn là các loại vải áo dài. Theo đó, các loại vải voan và lụa tơ tằm được ưa chuộng bởi phù hợp với điều kiện thời tiết, việc đi lại của giáo viên nữ và đặc biệt là giá cả chấp nhận được. Chị Ngô Trang (chủ sạp vải chợ Bến Thành) cho biết, với nữ giáo viên đứng tuổi thì có các loại vải nhung màu sắc trang nhã, giá cả cũng bằng các loại vải khác. “Chỉ từ 250.000 đồng trở lên là có thể sở hữu một món quà ý nghĩa dành tặng cô giáo”, chị Trang nói.
Khăng quàng cổ dành cho nữ, cà vạt dành cho nam giáo viên là hai mặt hàng bán chạy nhất trong tháng 11 hàng năm. Tại TP.HCM, tiết trời đã bắt đầu chuyển lạnh, nhất là về đêm, việc tặng một chiếc khăn quàng cổ hay một chiếc cà vạt sẽ là một món quà ý nghĩa và cảm động với người nhận. Riêng khăn quàng cổ, đa dạng về kiểu dáng, phong phú về chất liệu như voan, len lụa hợp với mọi lứa tuổi, không chỉ của trong nước mà còn của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Ngoài các loại phụ kiện trang sức thông thường, thị trường quà tặng 20-11 năm nay có thêm chuỗi ngọc phong thủy được làm từ chất liệu đá thiên nhiên và bạc trang sức dành cho nam và nữ. Giá của mỗi sản phẩm tương đối mềm, chỉ từ 120.000 đồng là có thể có được một vòng chuỗi ưng ý. Tuy nhiên, người bán khuyến cáo không cẩn thận rất dễ bỏ số tiền lớn nhưng lại nhận phải hàng đểu.
Nếu như trước đây, bút là một món quà đơn giản mà ý nghĩa được nhiều người lựa chọn tặng thầy cô giáo thì nay bút gỗ chiếm ưu thế. Với tiêu chí sang trọng, quý phái có thể khắc tên người tặng và người nhận với những câu chúc dễ thương có thể lưu giữ tình cảm thầy trò.
Xu hướng tặng quà handmade cũng được các bạn trẻ lựa chọn. Tuy nhiên, không phải ai cũng khéo tay, có điều kiện để làm những món quà này. Mặc dù được làm từ những chất liệu đơn giản, tương đối dễ tìm nhưng giá của nó không hề rẻ bởi sự dày công, đặc biệt giá cao bởi nó “độc” và “lạ” trên thị trường.
Những năm gần đây, tranh thêu tay cũng là một trong những món quà được phụ huynh lựa chọn để tri ân thầy cô giáo. Tại các cửa hàng chuyên bán và thiết kế tranh thêu theo yêu cầu của khách hàng những ngày gần đây luôn nườm nượp khách. Chị Ngân Hà, đại diện cửa hàng tranh thêu tay trên đường Phan Văn Hân (Q.Bình Thạnh) cho biết, đây là món quà khá kén khách hàng bởi giá của nó rất cao. Phần lớn khách hàng là phụ huynh, học sinh có điều kiện kinh tế ổn định. “Một bức tranh coi được cũng mất 400.000 đồng trở lên, phụ huynh là cán bộ công chức đơn thuần cũng khó mà mua được”, chị Hà nói.
Tranh thư pháp cũng là một loại quà tặng mới nhưng cũng không được phổ biến lắm bởi tâm lý người tặng là món quà đó phải hiện đại, thời thượng. Ghi nhận tại nhà sách Miền Đông (đường Đinh Tiên Hoàng. Q.Bình Thạnh), thi thoảng mới thấy khách hàng tìm hiểu về món quà này. Ngoài ra, giá cả là vấn đề lo ngại khi lựa chọn sản phẩm này.
Theo tìm hiểu về dịch vụ in hình thầy, cô giáo trên ly uống nước bằng sành sứ năm nay khá yên ắng. Theo người trong nghề, món quà tặng này không còn thời thượng nữa.
Chị Trần Thu Nga, phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Quỳ (huyện Nhà Bè) chia sẻ: “Cũng muốn mua một món đồ gì đó tặng thầy cô giáo của con nhưng không biết món quà đó có hợp với thầy cô hay không, thôi thì gửi tặng 1, 2 trăm ngàn cho tiện”. Trong khi đó, nhiều người cho rằng món quà này không còn lưu lại gì sau khi tặng và cái chính là ngày tri ân thầy cô giáo thiếu đi ý nghĩa cao đẹp.
Bất ngờ và xúc động nhất vẫn là những món quà do chính tay học sinh làm. “Những nét chữ, suy nghĩ ngây thơ, trong sáng của học sinh thể hiện trên món quà ấy làm mình cứ nhớ mãi”, một cô giáo Trường THPT Trần Văn Giàu (TP.HCM) bày tỏ.
So với mọi năm, giá cả mỗi mặt hàng không tăng, chất lượng được nâng lên nhưng sức mua vẫn chậm. Cũng như các mặt hàng khác, hoa lan tại vườn nhà ông Nguyễn Văn Hùng (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) chuyên cung cấp cho các trường học, đại lý trên địa bàn, đến thời điểm này chỉ lác đác vài đơn đặt hàng nhỏ lẻ.
Trần Anh
Bình luận (0)