Hàng tết rất dồi dào, các doanh nghiệp sẽ cung ứng theo tín hiệu thị trường và tập trung bán cái thị trường cần chứ không phải dự trữ thật nhiều những cái sẵn có…
Ngày 11-12, Sở Công Thương TP HCM phối hợp với Sở Tài chính TP HCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Sở NN-PTNT TP HCM khảo sát tình hình sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng của một số doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết Kỷ Hợi 2019.
Sau khi kiểm tra thực tế và làm việc tại Công ty TNHH MTV Lương thực TPHCM, Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn, Công ty CP Thực phẩm Bình Tây và Công ty TNHH TM-DV Siêu thị Big C An Lạc, đoàn kiểm tra ghi nhận các DN đã chuẩn bị lượng hàng tăng so với chỉ tiêu TP giao và sẽ điều chỉnh giá cho phù hợp.
Ngoài những mặt hàng đăng ký tham gia bình ổn thị trường, các DN còn chuẩn bị thêm những mặt hàng khác cho thị trường tết với mức sản xuất dự trữ đạt 20% – 40% năng lực sản xuất. Đặc biệt năm nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu cũng được các DN đưa vào danh mục hàng bình ổn để tăng thêm lựa chọn cho người tiêu dùng trong nước.
Các mặt hàng tươi sống luôn tiêu thụ mạnh trong dịp tết
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM đánh giá cao công tác chuẩn bị hàng tết của các DN và đề nghị DN trong quá trình thực hiện gặp khó khăn phải báo cáo ngay để sở kịp thời hỗ trợ, tránh để xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa.
Cũng trong ngày 11-12, tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng nhân dân TP HCM về hàng tết, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết công tác chuẩn bị hàng tết đã được Sở Công Thương và các sở ngành, DN trên địa bàn phối hợp thực hiện nhiều năm nên đi vào nề nếp. Lượng hàng tết dự kiến cung ứng cho thị trường TP HCM lên đến hơn 18.000 tỉ đồng, trong đó hàng bình ổn hơn 7.500 tỉ đồng.
Hàng hóa rất dồi dào, phong phú và việc theo dõi diễn biến thị trường để hỗ trợ, điều tiết kịp thời được triển khai chặt chẽ nên không lo thiếu hàng, sốt giá" – ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương cho hay.
Tại buổi làm việc, một số đại biểu HĐND TP HCM đã lưu ý vấn đề quan trọng là kiểm soát an toàn thực phẩm tết phải đi vào chiều sâu. Đại biểu Cao Thanh Bình đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức phân phối hàng tết đến các khu vực xa trung tâm như huyện Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, các KCX-KCN, ký túc xá.
Theo ông Bình, tết 2018 có một số sinh viên phản ánh trong thời gian sinh viên nghỉ học, chuẩn bị về quê ăn tết có rất ít xe bán hàng lưu động đến ký túc xá bán hàng tết. Trong khi đó, sinh viên các tỉnh rất chuộng mua bánh kẹo, giỏ quà tết trị giá vài trăm ngàn đồng để mang về quê làm quà. Tương tự, công nhân lao động ở các KCX-KCN cũng có nhu cầu cao đối với các mặt hàng thiết yếu bán lưu động tết với giá bình ổn, thấp hơn giá thị trường nhưng tình trạng kẹt xe ngày cận tết khiến việc vận chuyển bị ảnh hưởng, gây khó khăn bất tiện cho người mua.
Bên cạnh đó, ông Cao Thanh Bình cũng lo ngại về chất lượng hàng hóa bán tại các chợ truyền thống. "Sở Công Thương cần nghiên cứu thêm. Chất lượng hàng hóa các tỉnh, thành đưa về chợ đầu mối ở TP HCM đã được kiểm soát nhưng từ chợ đầu mối về chợ lẻ không kiểm soát được. Không khéo chợ truyền thống lấy hàng trôi nổi rồi nói là hàng ở chợ đầu mối" – ông Bình đặt vấn đề.
Bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM cũng cho rằng hiện công tác kiểm tra, giám sát và lấy mẫu để kiểm tra nhanh còn rất hạn chế. Có không ít tiểu thương lấy rau củ quả từ nhiều nguồn không rõ ràng nhưng khi hỏi, lại nói lấy từ chợ đầu mối, trong khi công tác lấy mẫu để kiểm tra ở nhiều nhóm hàng chưa đạt 1%. Việc niêm yết giá tại nhiều cửa hàng, quán ăn, giá giữ xe vào dịp tết chưa thực hiện tốt, làm mất niềm tin của người dân.
Trả lời các vấn đề này, đại diện Sở Công Thương cho biết đã giao cho các DN bình ổn triển khai bán hàng lưu động. Tinh thần là sẽ cung ứng cái thị trường cần, theo đó sẽ liên hệ xem các KCX-KCN, ký túc xá có nhu cầu tiêu dùng mặt hàng nào nhiều để đưa hàng tới bán và sẽ sắp xếp lại để tránh tình trạng nhiều DN cùng tổ chức bán hàng lưu động ở 1 địa điểm, giẫm chân lên nhau.
Riêng về việc quản lý giá hết sức khó khăn, đặc biệt là giá giữ xe nên đề nghị các quận huyện phải niêm yết giá, nơi nào giữ xe thì nơi đó phải có niêm yết để quản lý tốt hơn.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc quản lý thị trường tết, Ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP HCM, cho hay đơn vị này sẽ tập trung các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các kho hàng lớn và hệ thống các kho lạnh của TP để tránh tình trạng hàng hóa đã quá hạn sử dụng trà trộn vào các mặt hàng khác rồi tuồn ra thị trường vào cao điểm mua sắm tết.
Ngoài công tác kiểm tra xử lý, lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp các ngành, quận huyện tuyên truyền về công tác chống hàng gian, hàng giả; phối hợp với DN tuyên truyền nhận diện hàng giả, tổ chức các đoàn kiểm tra chuyên ngành chống dịch cúm gia cầm, ngăn gà vịt, động vật vận chuyển vào TP mà không có giấy kiểm dịch, ngăn chặn buôn lậu thuốc lá qua biên giới và nội địa. Song song đó, sẽ kiểm tra những nơi có những kho hàng lớn có khả năng chứa hàng lậu, giả, hết hạn sử dụng…
Minh Nhi (theo NLD)
Bình luận (0)