Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thị trường thẻ, cạnh tranh từ rộng đến sâu

Tạp Chí Giáo Dục

Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo các nhà sản xuất và cung cấp, ước tính có khoảng nửa tỉ thẻ các loại đang lưu hành trên thị trường. Với tốc độ tăng hơn 30% mỗi năm trong nhiều năm nay, đây là một thị trường có sức cạnh tranh khá hấp dẫn.

Con số hơn nửa tỉ đó được tính cho ba mảng thị trường chính gồm thẻ thanh toán cho ngân hàng, thẻ SIM viễn thông và các loại thẻ đại chúng – như thẻ nhân viên, thẻ chìa khoá khách sạn, các loại thẻ VIP, thẻ thành viên hay thẻ bảo hành sản phẩm… Khoảng mười nhà cung cấp trong và ngoài nước chiếm thị phần lớn đang chia nhau miếng bánh này. Bên cạnh MKSmart của Việt Nam đang có thị phần lớn nhờ tham gia thị trường khá sớm và đặt cơ sở sản xuất tại chỗ, thì các tên tuổi khác như Gemalto, Watchdata, DZ card, Sagem, Fargo, Zebra, Evolis… bên cạnh công ty trong nước tham gia thị trường thẻ nhựa vài năm gần đây như Ánh Hoàng Kim, Ninecard, Thái An, ProCard, Vĩnh Trường Lộc…
Chia chiếc bánh ngon
Thẻ SIM điện thoại là thị trường lớn cả về giá trị lẫn số lượng, ước tính tổng thị trường hiện hơn 200 triệu SIM đang lưu hành. Sản phẩm này đòi hỏi độ bảo mật cao và để có một hệ thống sản xuất không đơn giản nên các mạng viễn thông phải lựa chọn nhà cung cấp với yêu cầu đầu tiên là đạt chuẩn an toàn bảo mật SAS do hiệp hội Viễn thông thế giới cấp. Các mạng viễn thông có hệ thống đầu tư khá lâu nên giai đoạn đầu việc phát hành thẻ SIM hoàn toàn nhập khẩu từ nước ngoài, tích hợp ứng dụng và số điện thoại. Nhưng thị trường hiện nay cạnh tranh lớn hơn bởi các mạng viễn thông có thể trực tiếp đặt hàng theo OEM từ các công ty Trung Quốc để giảm giá thành vì thế thị càng cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hải Đăng, giám đốc chi nhánh phía Nam của MK Technology, thì đây là mảng lớn của nhà cung cấp thẻ đòi hỏi năng lực công nghệ và sản xuất nhất định. Các mạng có chiến dịch khách hàng thường xuyên nên có nhu cầu đáp ứng nhanh và khả năng lớn. Vì thế việc đầu tư hệ thống tại chỗ vẫn là một lợi thế lớn.
Năm 2010, trong danh sách của Nilson Report – tổ chức nghiên cứu, thu thập dữ liệu toàn cầu về hệ thống thanh toán ở người tiêu dùng, thì MK Smart, một công ty cổ phần của Việt Nam đã lọt vào top 10 nhà sản xuất SIM điện thoại lớn nhất thế giới, top 10 nhà sản xuất thẻ tài chính có độ bảo mật cao, top 15 nhà sản xuất thẻ quà tặng và thẻ trả trước. Sau công bố này thì thị trường thẻ của Việt Nam càng được các nhà cung cấp quan tâm hơn.
Trong khi ở mảng thẻ đại chúng (thẻ nhựa) thì tổng thị trường hàng năm đã lên đến hàng trăm triệu thẻ với đối tượng khách hàng rộng lớn từ các công ty có nhu cầu in thẻ thành viên, khách hàng thân thiết, bệnh án cho đến thẻ siêu thị, khách sạn, bãi đậu xe, thẻ nhân viên… Theo ông Đăng, ứng dụng thẻ vì thế cũng đa dạng, phổ biến nhất là chức năng chấm công và kiểm soát ra vào… Dạng thẻ thành viên hay bảo hành đòi hỏi tích hợp dữ liệu về khách hàng hay tích luỹ điểm, khuyến mãi… Những khách hàng “màu mỡ” ở thị trường này là các nhà cung cấp game, bán hàng điện máy điện tử.
Dù MK Smart đang nắm khoảng 60% thị phần doanh thu nhưng theo ông Đăng, phân khúc này cạnh tranh lớn cả trong và ngoài nước vì là dạng thẻ có yêu cầu bảo mật không cao và đầu tư công nghệ đơn giản hơn, thị trường lại có quy mô lớn.
Giá trị ở thẻ ngân hàng
Tổng số thẻ ngân hàng phát hành trên thị trường theo khảo sát cuối 2010 là 29 triệu thẻ. Một ngân hàng lớn hiện phát hành mới hàng năm cũng khoảng 1 – 2 triệu thẻ. Mức tăng trưởng phát hành những năm gần đây đến 40 – 50%. Hiện nay trên thế giới, thẻ thông minh trong lĩnh vực thanh toán được sử dụng rộng rãi nhưng các nhà cung cấp dịch vụ phải tuân thủ theo những chuẩn mực an ninh của nhiều nhà cung cấp như MasterCard, Visa, thẻ cá nhân hoá theo chuẩn EMV.
Theo ông Đăng, khi nhiều nhà phát hành thẻ nước ngoài vào thị trường, số lượng nhà kinh doanh nhập khẩu tăng thêm và số khác sản xuất OEM từ Trung Quốc, Thái Lan hoặc Malaysia đã làm thị trường cạnh tranh mạnh hơn và ngành công nghệ thẻ nhờ thế phát triển nhanh hơn rất nhiều. Các nhà cung cấp nhắm vào thị trường thẻ tài chính vì đây là phân khúc có tiềm năng rất lớn, không phải ở số thẻ lưu hành mà là các ứng dụng nội dung đưa vào thẻ cho giá trị doanh thu và lợi nhuận cao hơn. Theo xu hướng chuyển từ thẻ từ sang thẻ chip thì giá trị sẽ tăng lên 5 – 10 lần tuỳ theo ứng dụng của từng ngân hàng.
Hiện có khoảng 15 ngân hàng bắt đầu sử dụng thẻ chip với khoảng 500.000 thẻ, nhưng xu hướng sẽ chuyển dần theo yêu cầu của các hệ thống công nghệ thanh toán mới để bảo mật hệ thống và người dùng. Mỗi thẻ chip có giá bán trên dưới 2 USD và cao hơn 5 – 10 lần thẻ từ. Theo quy định đến năm 2015 toàn bộ ngân hàng sẽ phát hành thẻ chip và xu hướng thị trường cũng sẽ dần thay đổi để đáp ứng. “Lợi thế cạnh tranh hiện nay không chỉ ở an toàn bảo mật mà còn đáp ứng về thời gian phát hành, theo kịp chương trình thẻ khách hàng và khả năng hỗ trợ của đội ngũ kỹ thuật”, theo ông Đăng.
Hoàng Duy (Theo SGTT)

Bình luận (0)