Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thị trường tranh Việt biến động sau chuỗi triển lãm Sotheby’s?

Tạp Chí Giáo Dục

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng chỉ riêng việc đặt văn phòng ở VN của nhà đấu giá nổi tiếng Sotheby's (Anh) cũng đã là một động thái thúc đẩy thị trường tranh VN.

Một "phóng sự ảnh" đã được ông Ace Lê, Giám đốc quốc gia Sotheby's tại VN, đưa lên Facebook cá nhân của mình 1 ngày trước khi triển lãm Mộng Viễn Đông diễn ra (14 – 17.8 tại khách sạn Park Hyatt, TP.HCM). Đó là câu chuyện hậu trường của triển lãm thứ hai do nhà đấu giá nổi tiếng Sotheby's tổ chức tại VN. Trong đó, ông Ace Lê kể về quá trình đưa tác phẩm Vịnh Hạ Long của Jean-Louis Paguenaud tới triển lãm ra sao. Đây là tác phẩm lớn nhất triển lãm với kích thước 212 x 513 cm, cũng là bức tranh Đông Dương lớn nhất từng xuất hiện trên sàn đấu giá.

Theo ông Ace Lê, riêng việc hạ và bọc tranh tại Hà Nội đã mất 4 ngày vì phải huy động một đội ngũ art-handling. "Ở VN, khái niệm này còn sơ khai, nôm na là những người có đủ chuyên môn thao tác hậu cần với tác phẩm… Với sức nặng 160 kg, điều phối việc nâng lên hạ xuống cho đều nhau là không dễ. Phải hạ được tranh xuống, chúng tôi mới quay chụp được tất cả các góc tranh, mặt tranh để lập biên bản hiện trạng và nộp cho bên bảo hiểm làm bằng chứng", ông Ace Lê cho biết.

Thị trường tranh Việt biến động sau chuỗi triển lãm Sotheby’s? - Ảnh 1.

Các triển lãm của Sotheby's tại VN đều theo chuẩn bảo tàng quốc tế. Ảnh: Sotheby's

Sau khi được bọc trong giấy bong bóng và thùng carton, tranh được chuyển vào TP.HCM trên xe container loại lớn. Việc phục chế tranh được chuyên gia Hiền Nguyễn thực hiện. "Đây là công đoạn khó nhất, đơn thuần vì hiện tại ở VN quá thiếu chuyên gia phục chế. Rất may, chúng tôi mời được chị Hiền Nguyễn, người đã học phục chế và thực hành ở Pháp 17 năm", ông Ace Lê nhớ lại. Sau khi được căng lại với hợp kim nhôm, toàn bộ khối lượng bức tranh giảm 40 kg so với ban đầu.

Sau cùng, Sotheby's còn phải làm tường giả để treo tranh vì khách sạn Park Hyatt đưa điều kiện không được tổn hại đến tường. Tranh không được treo bằng móc mà gắn hệ thống cleats gồm các thanh dẹt bắt ốc vào tường, như hệ thống treo ti vi ở nhà chúng ta.

Ông Ace Lê viết: "Tôi xin chia sẻ như vậy để mong khán giả có thể hiểu được một phần nào những thử thách và áp lực của hậu kỳ khi giám tuyển và sản xuất một triển lãm theo chuẩn bảo tàng quốc tế. Hiện tại ở VN, nhân lực chuyên môn đang mỏng gần như ở tất cả các khâu…".

Mộng Viễn Đông không phải triển lãm đầu tiên của Sotheby's tại VN. Năm ngoái, nhà đấu giá này cũng đã có trưng bày Hồn xưa bến lạ tại Park Hyatt. Các tranh trong trưng bày đều của các nhà sưu tập. Với Mộng Viễn Đông, Sotheby's mượn tranh của 10 nhà sưu tập, tương đương lần trước. Ông Ace Lê cho biết Sotheby's vô cùng cảm ơn các nhà sưu tập đã đồng ý cho mượn tranh quý, các tác phẩm đều được trưng bày đúng chuẩn của bảo tàng lớn trên thế giới, và đúng chuẩn của Sotheby's.

"Với chuẩn Sotheby's, chúng tôi hy vọng đóng góp cho hệ sinh thái những nhóm chuyên gia có khả năng, chuyên môn để cố gắng trưng bày tác phẩm đạt chuẩn", ông Ace Lê nói.

Thị trường tranh Việt biến động sau chuỗi triển lãm Sotheby’s? - Ảnh 2.

Mộng Viễn Đông giới thiệu tác phẩm của những người đã xây dựng Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ảnh: Phương An

Xây thị trường từ gốc

Xen giữa 2 triển lãm, nhà Sotheby's cũng đặt văn phòng tại VN và cho biết đã xây dựng kế hoạch chuỗi triển lãm dài hạn. Theo đó, các triển lãm sẽ không dừng lại ở 2 mà phát triển theo mạch. Lần trước, Hồn xưa bến lạ giới thiệu lứa họa sĩ đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương, những người đã đi sang trời Tây và không quay trở lại. Lần này là lứa ít được biết đến hơn: những họa sĩ Pháp tới VN, góp phần vào những chương đầu tiên của mỹ thuật hiện đại VN, tạo ra Trường Mỹ thuật VN. Năm tới là năm kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương, cũng sẽ là thời điểm quan trọng để ghi nhận những người dù VN hay Pháp có đóng góp trong giai đoạn này.

"Với góc nhìn của tôi thì sẽ dần dần giới thiệu lứa họa sĩ tiếp theo của Trường Mỹ thuật Đông Dương, Khóa Kháng chiến, hậu hiện đại. Bằng cách đi theo chiều dài lịch sử như vậy, chúng ta sẽ củng cố kiến thức nền, làm rõ được về các giai đoạn mỹ thuật đã trải qua đến nay", ông Ace Lê chia sẻ.

Thị trường tranh Việt biến động sau chuỗi triển lãm Sotheby’s? - Ảnh 3.

Tác phẩm Vịnh Hạ Long (sơn dầu trên toan, 1934) của Jean-Louis Paguenaud, tại triển lãm Mộng Viễn Đông. Ảnh: Phương An

Dù là một đơn vị kinh doanh nhưng trong những triển lãm đầu tiên tại VN, Sotheby's vẫn đặt ra mục tiêu nuôi dưỡng công chúng từ gốc với việc ưu tiên cho người trẻ xem tranh.

Ông Nathan Drahi, Giám đốc điều hành Sotheby's khu vực châu Á, cho biết: "Mục tiêu lớn nhất của Sotheby's bên cạnh thương mại là đem tới cho công chúng được thưởng lãm nhiều giá trị văn hóa hơn, đặc biệt là các nước khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á nói chung. Đấy là lý do 2 lần tổ chức triển lãm ở VN đều là phi thương mại. Trong bối cảnh thị trường đang phát triển mạnh mẽ ở VN, chúng tôi càng mong muốn đem đến công chúng nhiều giá trị văn hóa hơn qua các triển lãm như vậy".

Về điều này, họa sĩ cũng là giám tuyển Lê Thiết Cương cho biết: "Khi Sotheby's đặt văn phòng đại diện tại VN, đó đã là một cú hích cho thị trường tranh rồi. Tôi nghĩ cách làm việc của họ sẽ thúc đẩy các đơn vị khác tại VN chơi với thị trường chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt là khi họ ưu tiên xây thị trường qua việc cống hiến cho công chúng, nghĩa là phát triển từ gốc". 

Theo Trinh Nguyễn/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)