Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Thị trường và việc làm

Tạp Chí Giáo Dục

Làng nghề làm bánh tráng Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM có 59 cơ sở sản xuất với 1.150 hộ tham gia, hàng năm sản xuất được 20.000 tấn sản phẩm – Ảnh: Phân loại bánh tráng tại hợp tác xã Phú Hòa Đông – Ảnh TTXVN

Chính phủ đã triển khai chủ trương kích cầu với nhiều biện pháp về tài chính, tiền tệ. Các ngân hàng đều nhiệt tình trợ giúp doanh nghiệp. Bài viết này nêu lên một số vấn đề từ thực tiễn về mối quan hệ giữa vốn, thị trường và việc làm trong tình hình hiện nay.

Vốn và thị trường

Để khắc phục tình trạng khó khăn của nền kinh tế, trợ giúp các doanh nghiệp, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm kích cầu, chống đỡ cho doanh nghiệp, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng, bù 4% lãi suất…

Ước tính chính sách bù lãi suất có thể tạo ra số vốn vay gần 640.000 tỉ đồng, có tác động rất quan trọng thúc đẩy sản xuất. Nhiều ngân hàng đã nhanh chóng ủng hộ chủ trương hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất cho vay xuống mức chỉ còn 2-3%; Ngân hàng VIB đã công bố tài trợ xuất khẩu bằng tiền đồng với lãi suất siêu ưu đãi ở mức thấp nhất 1%/năm với khoản cho vay lên đến 25.000 tỉ đồng.

Thế nhưng, dù rằng “ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp đói vốn”, nhưng vay để làm gì khi thị trường chưa được khai thông đang là vấn đề thời sự nóng bỏng. Qua khảo sát ở một số doanh nghiệp làng nghề ở nhiều địa phương, có thể thấy không ít doanh nghiệp chưa thật mặn mà với việc vay vốn ngân hàng, vì có những hợp đồng cũ chưa thực hiện xong, hợp đồng mới chưa có.

Tại cuộc họp ngày 11-2-2009 vừa qua do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, bà Trần Thị Hồng Hạnh, vụ phó Vụ tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: để được vay vốn, các doanh nghiệp phải lập được phương án khả thi, phải xác định được thị trường tiêu thụ, có phương án sản xuất kinh doanh…

Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp làng nghề hiện dư nợ quá lớn (ước tính lên đến hàng nghìn tỉ đồng), nếu không thanh toán được số nợ này (nhất là đã vay trong thời điểm lãi suất vay cao) thì doanh nghiệp khó có thể vay vốn mới. Cũng cần có những chính sách cụ thể về việc giãn nợ, khoanh nợ với việc tinh giản các thủ tục, tạo thuận tiện hơn nữa cho doanh nghiệp có thể vay vốn.

Thực tế là khi chưa tìm được thị trường, doanh nghiệp còn rất e dè chưa dám vay, mà ngân hàng cũng chưa mạnh dạn cho vay. Chính vì vậy, lúc này, việc khai thông thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm lại trở thành vấn đề có ý nghĩa quyết định. Nhưng thị trường lại đang là ẩn số đối với nhiều mặt hàng. Tháng 1-2009, xuất khẩu giảm 19% so với tháng 12-2008 và giảm 24,8% so với tháng 1-2008; thị trường trong nước cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc; khách du lịch vào nước ta cũng giảm sút.

Đối với nền kinh tế nước ta hiện nay, coi trọng xuất khẩu là cần thiết, ngoài những thị trường quen thuộc nhưng hiện nay đang thu hẹp nhập khẩu, rất cần mở thêm những thị trường mới. Song quan trọng hơn nữa là quay về thị trường nội địa. Chính phủ đã nhắc nhở các ngành chú trọng thị trường trong nước, nhưng còn chờ hiệu quả của các chính sách và việc “trở bộ” của các ngành lâu nay có phần xem nhẹ thị trường nội địa.

Mới đây, trong 44 đề án xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương phê duyệt với tổng kinh phí 63 tỉ đồng, hầu hết là chương trình tham gia hội chợ, triển lãm và đi khảo sát thị trường nước ngoài; chưa thấy rõ những biện pháp cụ thể xúc tiến thị trường trong nước.

Đương nhiên, thị trường cho sản phẩm hàng hóa lại phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cạnh tranh của hàng hóa về chất lượng, mẫu mã và giá cả, nhất là trong khi thị trường bán lẻ trong nước đã mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài. Đây là việc của mỗi doanh nghiệp, nhưng không kém phần quan trọng là các chính sách kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng của

Chính phủ cũng cần trợ giúp cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh, để doanh nghiệp trong nước có thể làm chủ được thị trường nội địa. Việc đề ra và thực hiện những chính sách khuyến khích tiêu dùng sản phẩm do trong nước sản xuất là rất cần thiết.

Việc làm là quan trọng nhất

Thị trường giảm sút, doanh nghiệp ngừng sản xuất, thậm chí phá sản dẫn đến tình trạng số lao động mất việc làm đang tăng lên; đây là một thực trạng đang rất bức xúc trên thế giới. Tại Mỹ, Anh, Pháp, Đức, nạn thất nghiệp đang lan rộng với mức nghiêm trọng nhất từ hàng chục năm nay mà biện pháp giải quyết chưa thấy đủ sáng sủa. Ở nước ta, theo Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), năm 2009 sẽ có khoảng 150.000 người có thể thất nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, số người mất việc làm đang tăng lên hàng ngày.

Các khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM năm 2008 có 25.000 lao động tuyển mới nhưng đến cuối năm, số lao động bị cho nghỉ việc lên đến 30.000 người do không có đơn hàng. Tại tỉnh Bình Dương, đến cuối năm 2008, số lao động mất việc làm lên đến 8.515 người, dự báo năm 2009 số này sẽ còn tăng lên. Vấn đề việc làm cho người lao động đang thực sự là rất nghiêm trọng, không thể xem nhẹ.

Đáng quan tâm nhất là việc làm cho lao động nông thôn, nơi chiếm đến 62% số dân cả nước. Nông thôn vốn đang có nhiều lao động chưa đủ việc làm, kể cả thời gian nông nhàn còn đến 35% thời gian lao động, đang có những lao động đến tuổi và lao động không còn đất canh tác do ruộng đất được chuyển sang làm công nghiệp… nay lại thêm nhiều lao động ở thành phố buộc phải quay trở về nông thôn do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất.

Lao động nông thôn thiếu việc làm đã và đang là một nhân tố chủ yếu gây ra nhiều vấn đề xã hội cần được quan tâm giải quyết. Thực tế cho thấy nơi nào có làng nghề phát triển, thanh niên nông thôn có việc làm, có thu nhập, thì nơi đó xã hội ổn định, làng xóm vui tươi, không có hoặc rất ít tệ nạn như cờ bạc, ma túy.

Ước tính đang có đến 5 triệu lao động làng nghề đang lao đao vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nhất là trong các ngành mây tre đan, gốm sứ, sắt thép. Số liệu mới nhất của 38 tỉnh, thành phố cho thấy đã có chín làng nghề chính thức phá sản, 124 làng nghề đang sản xuất cầm chừng (chiếm khoảng 10% số làng nghề trong diện khảo sát).

 Tại làng gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) nổi tiếng, 80% doanh nghiệp ngừng sản xuất, 5.000 lao động mất việc do có đến 20 triệu USD hàng xuất khẩu bị ứ đọng. Chỉ riêng ba làng nghề tỉnh Bắc Ninh, đã có gần một vạn người thất nghiệp. Ngành mây tre đan cả nước có 713 làng nghề giải quyết việc làm cho 350.000 lao động, chưa kể lao động phụ, nay 40% cơ sở đang có nguy cơ giải thể. Tại nhiều doanh nghiệp làng mây tre đan Phú Vinh (Hà Tây trước đây), do khách hàng bỏ hợp đồng, hàng không bán được, cũng không dám ký hợp đồng mới, doanh thu năm 2008 chỉ bằng 70% so với năm 2007…

Nhiều chủ trương đã được đề ra nhằm giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, như: mở rộng việc dạy nghề (Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án đào tạo nghề cho nông dân từ nay đến năm 2015 với tổng kinh phí là 90 tỉ đồng); củng cố các trường lớp dạy nghề công lập và khuyến khích các trường lớp dân doanh, đào tạo lại nghề cho những lao động mất việc để họ có thể tìm việc làm mới…

Nhưng trong tình hình hiện nay, việc kích cầu cũng cần tập trung vào khu vực nông thôn, thực hiện nhiều dự án quy mô nhỏ về phát triển nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, mở rộng đào tạo, dạy nghề, giúp cho doanh nghiệp làng nghề cải tiến kiểu dáng, mẫu mã…

Thực tế cho thấy vấn đề việc làm ở nông thôn cần được giải quyết bằng việc phát triển thêm nhiều nghề, nhiều doanh nghiệp làng nghề với quy mô nhỏ và vừa là chủ yếu. Các loại vốn kích cầu của Chính phủ nên trợ giúp cho việc phát triển các doanh nghiệp làng nghề với những ngành nghề hết sức đa dạng, đòi hỏi ít vốn, quản lý đơn giản.

Đương nhiên, nguồn vốn trợ giúp của Chính phủ chỉ là để “mồi” lúc ban đầu; nếu có chính sách khuyến khích đủ mạnh, chắc chắn trong dân sẽ nảy nở nhiều sáng kiến, nguồn vốn sẽ rất phong phú. Đây cũng là một xu hướng quan trọng mà các doanh nghiệp lớn ở các thành phố lớn cần quan tâm, vì thị trường nông thôn hiện nay và sau này vẫn là một thị trường tiềm năng với dung lượng ngày càng lớn.

Có thể thấy các vấn đề thị trường, vốn, việc làm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau cần được xử lý một cách tổng thể, vốn là quan trọng song thị trường lại càng quan trọng hơn nữa, vì vậy phải đặc biệt khai thông thị trường để người lao động có việc làm, vì việc làm gắn với thu nhập và đời sống của nhân dân nhất là ở nông thôn đang là yêu cầu bức thiết để ổn định xã hội, duy trì sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo VŨ QUỐC TUẤN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Bình luận (0)