Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thị trường vận hành tốt, nguồn vốn mới khơi thông: Doanh nghiệp thừa hàng, thiếu vốn

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù đã hạ lãi suất cho vay, nhưng các doanh nghiệp vẫn không “dám” tiếp cận vốn, trong khi nguồn tín dụng đã được cải thiện mạnh mẽ trong 3 tháng đầu năm 2012. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, có nghịch lý này một phần do tác động của việc doanh nghiệp còn tồn kho nhiều hàng hoặc doanh nghiệp không còn tài sản để thế chấp vay vốn.

Nghịch lý thừa, thiếu

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện nay nguồn tín dụng đang cao hơn việc sử dụng nguồn khoảng 130.000 tỷ đồng. Dự trữ tiền gửi của các tổ chức tín dụng ở NHNN là 60.000 tỷ đồng, cao hơn mức dự trữ bắt buộc 15.000 – 20.000 tỷ đồng và luôn giữ ổn định ở mức này kể từ đầu năm 2012. Chưa kể hơn 3 tháng qua, các ngân hàng đã mua trên 30.000 tỷ/45.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành của Chính phủ với lãi suất chỉ hơn 11,25%. Điều này cho thấy, thanh khoản của các ngân hàng đang dồi dào và “thừa tiền”. Đây cũng chính là cơ sở để trong vòng 1 tháng, lãi suất cho vay và huy động của ngân hàng đã giảm 2 lần.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển – Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho rằng mặc dù ngân hàng “thừa tiền”, nhưng đây chỉ là “thừa tiền” cục bộ và chưa dám giải ngân. Bởi thực tế, việc mua trái phiếu Chính phủ của ngân hàng trong thời gian qua chỉ là một trong những giải pháp để vay vốn NHNN. Mặt khác, lượng tiền thừa là do ngân hàng mới thu hồi vốn và chưa cho vay. Phần lớn, các ngân hàng đang quan sát doanh nghiệp để lựa chọn doanh nghiệp “khỏe”, có khả năng trả được nợ. Chưa kể, lượng tiền tiếp nhận từ huy động vốn cũng chỉ là ngắn hạn. Nếu chỉ 10% lượng tiền này bị rút đi, chắc chắn ngân hàng sẽ bí tiền.

Mặc dù đã hạ lãi suất cho vay, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn dè dặt tiếp cận vốn. Ảnh: Hải Đăng – TTXVN

Ông Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thừa nhận: Nhiều ngân hàng trong thời gian này đang tìm doanh nghiệp để cho vay và tranh thủ giải ngân vốn. Tuy vậy, để tìm được doanh nghiệp đủ khả năng là không dễ do điều kiện không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp hội đủ điều kiện để vay nhưng không dám tiếp cận vốn vì cho rằng lãi suất vẫn cao hoặc muốn chờ lãi suất giảm thêm từ nay tới cuối năm.

Theo giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung cấp linh kiện cho hàng công nghiệp tại phố Lạc Trung (Hà Nội), vì lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp này hiện còn nhiều, nếu vay doanh nghiệp cũng không thể mở rộng được sản xuất và cũng không có tiền để trả lãi cho ngân hàng.

Nan giải bài toán tồn kho

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết: Rất nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng thừa hàng hóa, khó lưu thông. Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp có liên quan bất động sản (BĐS), thép, thủy sản.

Động thái giảm lãi suất cho vay của ngân hàng mới đây cũng chưa tác động nhiều tới các doanh nghiệp, khi mà số lượng doanh nghiệp dồn vốn lớn vào BĐS, gây ảnh hưởng tới dây chuyền sản xuất thép, xi măng, vật liệu xây dựng, nội thất… Theo ước tính, phải đến 30 – 50% vốn cho vay của ngân hàng đều liên quan đến BĐS, dẫn đến thu hồi vốn chậm.

Trả lời báo giới mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: NHNN đã quyết định mở tín dụng cho lĩnh vực không khuyến khích cho vay bao gồm tín dụng chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng. “Mở tín dụng thì sẽ giúp giải phóng hàng tồn kho BĐS, tạo ra chu chuyển vốn cho nền kinh tế. Nếu lĩnh vực BĐS được tháo gỡ một phần thì nhiều lĩnh vực khác cũng sẽ được tháo gỡ như xi măng, sắt thép và giúp giảm nợ xấu trong ngân hàng”, Thống đốc Bình nói.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng: Việc NHNN đồng ý “cởi trói” cho doanh nghiệp BĐS sẽ chưa tạo được hiệu ứng mạnh bởi doanh nghiệp BĐS không còn tài sản nào để thế chấp mà doanh nghiệp đi vay vẫn chịu ở mức cao; người tiêu dùng vẫn không đủ tiền để mua nhà; các mặt hàng kinh doanh, sản xuất khác đang lưu thông chậm. Điều này cũng chính là bế tắc của cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp.

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đề xuất: Để giải phóng hàng tồn kho, Chính phủ nên tập trung sử dụng tài chính để kích cầu tiêu dùng như cho vay tiêu dùng cá nhân, cho vay sửa chữa nhà, mua xe, cho vay trả góp…

Thực tế hiện nay đã có nhiều ngân hàng chuyển đổi đối tượng cho vay. Thay vì tập trung khách hàng doanh nghiệp như trước đây, các ngân hàng đã tiếp tục mở lại hoạt động cho vay tiêu dùng, thậm chí đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích cầu người vay. Điển hình: Ngân hàng HSBC Việt Nam từ ngày 10/4 giảm 1%/năm lãi suất cho tất cả các khoản vay thế chấp dành cho các khách hàng cá nhân vay mua nhà để ở, vay thế chấp và vay mua xe. HSBC Việt Nam cũng đang triển khai chương trình ưu đãi 0% lãi suất tháng đầu tiên cho tất cả các khoản vay, áp dụng cho đến 29/6/2012. Hiện lãi suất vay dài hạn tốt nhất có thể áp dụng cho khách hàng tại ngân hàng này là 17%/năm.

Đại diện khối cho vay cá nhân Ngân hàng Maritime Bank cũng cho hay: Từ tháng 4/2012, ngân hàng đã thay đổi chiến lược, mở rộng cho vay thấu chi với những khách hàng trả lương qua thẻ của ngân hàng. Tương tự, Ngân hàng DaiABank đã đẩy mạnh cho vay tín chấp lên đến 150 triệu đồng cho khách hàng có hợp đồng liên kết với ngân hàng, hạn mức cho vay tối đa là 12 lần mức thu nhập hàng tháng…

Một số chuyên gia tài chính cho rằng: Việc đổ vốn vào các lĩnh vực trên không những giúp cho lưu thông hàng hóa, đẩy mạnh chi tiêu của người tiêu dùng mà còn giúp giảm giá hàng hóa, giải quyết việc làm, phát sinh việc làm mới, theo đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ giảm xuống. Ngoài ra, ngân hàng cũng nên xem xét lại các doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn, có bề dày kinh nghiệm sản xuất lâu năm, người lao động đông, nhưng do các năm trước bị ảnh hưởng sản xuất vì lãi suất cao, bị “ăn” vào vốn, nhưng vẫn duy trì được sản xuất đến thời điểm này mà xem xét cho vay. Đây là một trong những phương án tiền – hàng – tiền, giải phóng dần hàng tồn kho.

Minh Phương – Hải Yên

Báo tin tức
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)