Cho đến thời điểm này, dự thảo Nghị định về Quản lý vàng và ngoại tệ vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thu thập ý kiến, hoàn thiện. Điểm nhấn lớn nhất của dự thảo là dứt khoát cấm USD và vàng làm phương tiện thanh toán.
Tới đây, người dân vẫn được mua bán vàng miếng tại nơi Ngân hàng Nhà nước cho phép. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho biết điểm băn khoăn lớn nhất trong quá trình xây dựng nghị định quản lý thị trường vàng và ngoại tệ vẫn là mô hình và cách thức tổ chức các thị trường thế nào cho phù hợp.
Theo ông Ngân, về ngoại tệ, câu chuyện đơn giản hơn. Sau việc triệt phá buôn bán USD chợ đen, các doanh nghiệp nhà nước được yêu cầu phải bán ngoại tệ cho ngân hàng, tiếp theo sẽ là việc đảm bảo ngoại tệ cho người dân có nhu cầu chính đáng về học tập, khám chữa bệnh ở nước ngoài.
Ngoài việc khuyến khích mở thẻ, NHNN đang tính toán để sớm cho phép các ngân hàng thu phí ngoại tệ. Mức phí có thể từ 1-2%. Khẳng định quy định cho phép các ngân hàng thu phí cần sớm ban hành vì điều này hoàn toàn phù hợp với tập quán quốc tế. Có như vậy, các ngân hàng mới có khoản thu bù chi phí.
Về thị trường vàng, quan điểm mà dự thảo nghị định đưa ra là theo hướng quản chứ không cấm. Vàng được coi như một tài sản hợp pháp của người dân và được pháp luật bảo hộ. Còn cho phép ngân hàng mở rộng huy động vàng trong dân hay doanh nghiệp? ngân hàng kinh doanh vàng trên tài khoản hay không? là những vấn đề còn đang bàn thảo và mổ xẻ.
Trao đổi với phóng viên, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, khẳng định, dự thảo Nghị định trên sẽ tính đến việc có thể cho phép một đơn vị đại diện cho NHNN đứng ra mua lại vàng miếng của dân với mức giá tương ứng với giá thế giới vào ngày hôm đó.
“Điểm quan trọng là phải loại được tư tưởng coi vàng miếng như một phương tiện thanh toán trong nhiều lĩnh vực khiến tâm lý tích trữ, đầu cơ vàng ngày một tăng. Trong khi nếu số tiền mua vàng đó được đưa vào sản xuất sẽ rất có lợi cho xã hội”- Ông Giàu nói.
Nhúc nhích bán ngoại tệ
Trong lúc chờ thông tin từ NHNN có thể cho phép các ngân hàng được thu phí thu mua ngoại tệ từ 1-2% của khách hàng có nhu cầu mua ngoại tệ chính đáng, thì việc tìm địa chỉ mua ngoại tệ của người dân vẫn rất khó khăn.
Ghi nhận tại một loạt các ngân hàng lớn như: Vietcombank, Vietinbank mức mua vẫn giới hạn thấp, hoặc chỉ có thể mua loại ngoại tệ khác ngoài USD. Thậm chí, có ngân hàng còn từ chối thẳng thừng khi có khách yêu cầu với lý do đồng USD hiện tại chỉ đáp ứng được các thanh toán xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
"Theo nhận định chung của các thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ, vấn đề căn bản hiện nay là kiềm chế lạm phát. Chỉ khi lấy lại niềm tin cho VND thì tự động các chính sách về tiền tệ sẽ đi vào guồng đúng như kiểu có bệnh được bốc đúng thuốc." – PGS.TS Trần Hoàng Ngân.
|
Một số ngân hàng như Đại Dương (OceanBank) công bố sẽ đáp ứng nhu cầu chính đáng của khách hàng (du lịch, chữa bệnh…) theo quy định, với lượng ngoại tệ tối đa tương đương 7.000 USD khi đi nước ngoài.
Còn DongA Bank tuyên bố bán ngoại tệ tiền mặt cho khách hàng cá nhân đi nước ngoài khi có đủ hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng ngoại tệ (các loại USD, AUD, EUR, …).
Ông Trần Phương Bình, Tổng GĐ DongA Bank, cho biết trước khi đi nước ngoài bảy ngày, khách hàng có thể liên hệ với DongA Bank để mua ngoại tệ. Tuy nhiên, theo các ngân hàng, trong bối cảnh cung ngoại tệ chưa thực dồi dào thì đại đa số khách hàng đến đặt vấn đề hỏi mua ngoại tệ thay vì đồng tiền của nước cần đến lại luôn đòi mua USD.
“Ngay cả khi khách chấp nhận đóng phí, nhưng nếu nguồn USD tại ngân hàng không đủ, thì cũng không thể đáp ứng nhu cầu.”- Đại diện một ngân hàng khẳng định.
Những ngày qua, hoạt động mua bán USD trên thị trường tự do vẫn im ắng. Các đầu nậu kinh doanh USD từ nhiều ngày qua vẫn thực hiện phương thức giao dịch ngầm. “Nếu đã là khách quen, chắc chắn vẫn mua được USD. Cứ gọi điện đến số máy di động chứ đừng gọi máy bàn, gọi bao nhiêu cũng có hàng cả” – Một khách hàng vẫn giao dịch tại một cửa hàng quen những ngày qua bật mí.
Về thị trường vàng, ngay sau khi có thông tin sẽ cấm doanh nghiệp mua bán vàng miếng trên thị trường tự do, doanh số giao dịch của các đơn vị kinh doanh sụt giảm mạnh (SJC cho hay giảm 30-40% lượng giao dịch). Còn vàng trang sức, nhất là các loại nhẫn trơn bán rất chạy.
Giá vàng trong nước hiện đã gần sát hơn với giá thế giới, thậm chí có lúc giá thế giới tăng, trong nước vẫn đi theo đà giảm. Theo thông tin từ các ngân hàng, nhất là khu vực phía Nam, hiện tượng thanh toán trong mua – bán nhà bằng vàng đã giảm rất nhiều.
Khánh Huyền/ TPO
Bình luận (0)