Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thị trường viễn thông sẽ dậy sóng?

Tạp Chí Giáo Dục

Với chiêu khuyến mãi ngoạn mục, thị trường máy điện thoại và sim “tỷ phú” của Beeline ở các thành phố lớn đang nóng hơn bao giờ hết.

Vấn đề đặt ra với những gói cước được thiết kế sốc như thế này cần được Bộ Thông tin và truyền thông xem xét kỹ.
Rất khó để Beeline cạnh tranh ở thị trường đã hình thành thế chân vạc bởi 3 mạng Vinaphone, Mobifone và Viettel
Nhà nhà sim “tỷ phú”
Chỉ với số tiền ít ỏi, thuê bao có cả tỷ đồng trong 10 năm để gọi điện cho bạn bè và người thân nên trong những ngày qua, với học sinh, sinh viên, phong trào dùng sim “tỷ phú” đang là mốt, còn giới công chức, việc nhiều người mua cả chục sim tặng bạn bè, người thân để thỏa cơn nghiền “nấu cháo” nội mạng không phải hiếm.
Tại những cửa hàng sim thẻ điện thoại trên đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, cổng trường đại học Kinh tế Quốc dân, người bán hàng cho biết cứ khoảng 10 khách vào mua thì có tới quá nửa là hỏi mua sim “tỷ phú”. Nhiều chủ cửa hàng sim thẻ chuyển sang chỉ nhập thẻ cào 20 nghìn để phục vụ nạp thẻ duy trì sim. Không chỉ “cháy” sim, giá máy điện thoại Beeline cũng bị đẩy lên khá cao. Có cửa hàng rao trên mạng tới 350 nghìn đồng/chiếc trong khi giá gốc chỉ là 149 nghìn đồng.
“Sim đang cháy hàng. Nhiều khi chúng tôi phải sang vay tạm cửa hàng khác để bán. Theo kinh nghiệm, thấy đợt khuyến mãi khủng, tôi đã nhập gấp 3 lần so với mọi khi mà đến giờ lượng sim còn rất ít. Các cửa hàng khác còn đẩy giá sim lên 35, 40 nghìn/chiếc”-Chủ cửa hàng sim thẻ trên đường Nguyễn Thái Học cho biết.
Thành viên bee168268 của diễn dàn GSM tỏ ra khá thận trọng khi chỉ ra những yếu điểm của gói sim “tỷ phú”. Theo thành viên này, dù được coi là một gói cước, nhưng xét lại đây chỉ là một chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhất của chương trình Beeline Return. Do đó gói cước “tỷ phú” có thể dừng lại bất cứ lúc nào trong khi chương trình chuyển đổi sim thường sang gói “tỷ phú” sẽ kết thúc cuối tháng 10.
Phát triển nhiều thuê bao “tỷ phú”, Beeline nhanh chóng có số lượng khách hàng, nhưng những thuê bao này sẽ là gánh nặng cho băng tần và doanh thu của hệ thống.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong 5 tuần qua, tính từ thời điểm chính thức tung ra thị trường ngày 16-9 tới nay, lượng thuê bao hiện tại của Beeline đã tăng 301%. Trung bình mỗi ngày, Beeline có thêm gần 10.000 thuê bao.
Trao đổi với PV, ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng phòng Kinh doanh Vinaphone cho biết, đến thời điểm này chưa thấy có hiện tượng các thuê bao rời mạng Vinaphone để chạy sang dùng Beeline. “Theo tôi, người tiêu dùng sẽ chọn sim này làm sim thứ hai, thậm chí thứ ba chứ thay hẳn sim thứ nhất thì chưa chắc vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thực tế ra sao, thị trường sẽ trả lời. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận đây là gói cước có tính hấp dẫn và nhà mạng rất thông minh khi đưa ra gói cước này”- ông Tú cho biết.
Cuộc đua mới trên thị trường viễn thông?
Theo đại diện một mạng di động, thị trường ngoài cạnh tranh về khuyến mãi, giá cước, còn nhiều yếu tố khác như mạng lưới, dịch vụ, tính cộng đồng, chăm sóc khách hàng, uy tín thương hiệu… Giờ thị trường đã thành thế chân vạc thì khó có thể thay đổi tình hình.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Viettel Telecom cũng khẳng định dù có mức phát triển 10.000 thuê bao/ngày cũng không phải là quá lớn đối với thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay.
“Tuy nhiên, với việc nhà mạng cho ra gói cước gây sốc như vậy, Bộ Thông tin và truyền thông cần có ý kiến để tránh tạo ra một cuộc đua mới trên thị trường viễn thông”- Ông Dũng phân tích.
Theo một chuyên gia ngành viễn thông, với một mạng di động không có thị phần khống chế như Beeline, khi ra một gói cước mới chỉ cần gửi thông báo lên Bộ TT&TT. Nếu gói cước này không bị “tuýt còi” thì sẽ mặc nhiên được áp dụng. “Với những gói cước được thiết kế sốc như thế này, Bộ TT&TT xem xét kỹ để tránh việc bán dưới giá thành”, chuyên gia này nói.
Trên trang web của mình, Beeline cho biết gói cước “tỷ phú” được áp dụng cho thuê bao kích hoạt SIM từ ngày 16-9-2011. Các thuê bao nạp thẻ tối thiểu 20.000 đồng để nhận 1 tỷ đồng gọi nội mạng và gọi nội mạng miễn phí trong 30 ngày đầu tiên. Sau đó, tiếp tục nạp ít nhất 20.000 đồng để kéo dài thêm 30 ngày nữa tính từ ngày nạp thẻ. Nếu không nạp tối thiểu 20.000 đồng sau khi thời hạn 30 ngày chấm dứt, thuê bao sẽ trở về giá cước thông thường.
Phạm Tuyên
Theo Tiền Phong

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)