Sau vài lần giảm giá, thị trường xăng dầu trong nước đang tăng trở lại. Tuy nhiên vì tăng nhỏ giọt nên rất nhiều trạm xăng đã treo bảng “hết xăng”. Và hậu quả là người dân lãnh đủ…
Trạm xăng dầu Tài Lộc (ảnh nhỏ) và Thịnh Tấn Phát treo bảng hết xăng từ nhiều ngày qua (ảnh chụp chiều 29-10)
“Combo” mưa + triều cường + hết xăng
Trong các ngày 25, 26, 27-10, triều cường ở TP.HCM, nhất là TP.Thủ Đức, quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh dâng cao. Cũng những ngày này, trời thường xuyên mưa nên nhiều tuyến đường ngập sâu, khiến việc đi lại vào giờ cao điểm (sáng sớm và chiều muộn) của người dân vô cùng vất vả. Đã thế, nhiều trạm xăng dọc đường còn treo bảng “hết xăng”.
“Chiều 27-10, tôi lãnh trọn “combo” mưa + triều cường + hết xăng. Công ty ở quận 3, nhà ở đường Phạm Hữu Lầu – quận 7 nên tôi thường xuyên lưu thông trên đường Nguyễn Thị Thập – quận 7. Đường này ít ngập hơn những đoạn đường khác ở quận 7, tuy nhiên ngày 27-10 là đỉnh triều nên nước ngập lênh láng. Đã vậy, cả buổi chiều hôm đó trời mưa nên đường càng ngập nặng. Đang ì ạch nhích từng chút thì xe tắt máy. Tưởng vì nước ngập sâu nhưng khi nhìn kim đồng hồ xăng mới phát hiện hết xăng. Xe tay ga lại phải dắt bộ dưới nước nên rất nặng, cũng may tôi là đàn ông chứ phụ nữ thì không biết phải làm sao. Dắt bộ gần 1km thì tới Trạm xăng dầu Thịnh Tấn Phát (đường Nguyễn Thị Thập). Chưa kịp mừng thì đã phải thất vọng tràn trề vì trước trạm xăng có treo tấm bảng “hết xăng, còn dầu”. Nhân viên trạm xăng thì ngồi ngáp, còn tôi và hai người khác cùng chung cảnh ngộ lại lọ mọ dắt xe đi tìm nơi đổ xăng…”, anh Đức Cường cho biết.
Một nhân viên ở Trạm xăng dầu Thịnh Tấn Phát cho biết, cửa hàng hết xăng gần 10 ngày nay. Mấy lần trước cũng có tình trạng hết xăng nhưng chỉ hết vài ngày là có lại, còn đợt này thì mãi vẫn chưa có. Mặc dù cửa hàng đã để bảng thông báo “hết xăng, còn dầu” nhưng ngày nào cũng có cả ngàn khách vào hỏi mua xăng…
Trạm xăng dầu Tài Lộc đường Huỳnh Tấn Phát (Nhà Bè) mặc dù không treo bảng “hết xăng, còn dầu” từ tuần này sang tuần khác như Trạm xăng dầu Thịnh Tấn Phát nhưng lần nào cũng vậy cứ trước vài ngày điều chỉnh giá xăng dầu thì lại treo bảng “hết xăng”.
“Cũng may đường Huỳnh Tấn Phát (Nhà Bè) có 2 trạm xăng nên những ngày Trạm xăng dầu Tài Lộc treo bảng “hết xăng”, người dân còn có thể ghé Cửa hàng 43 Petrolimex Saigon để đổ. Tuy nhiên phải xếp hàng vì quá tải, nào thì xe máy, xe hơi, xe tải… Hơn một tháng nay, lần nào đi đổ xăng cũng phải xếp hàng. Ít thì cũng phải chờ cả chục người rồi mới tới lượt mình. Không biết đến bao giờ mới hết cái cảnh này…”, chị Bảo Châu (Phú Xuân, Nhà Bè) bức xúc.
Tình trạng “hết xăng” không chỉ xảy ra ở một vài trạm xăng tại quận 7, Nhà Bè mà còn xảy ra ở nhiều quận, huyện khác trên địa bàn TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM – cho biết, TP.HCM hiện có 15 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu, 60 thương nhân phân phối, 550 cửa hàng bán lẻ. 3 trong số 550 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động, một cửa hàng dừng kinh doanh. Cùng với đó, từ đầu tháng 10, Sở Công thương ghi nhận nhiều cửa hàng bán nhiên liệu gián đoạn do tạm hết xăng. Mỗi ngày có khoảng 9-10% cửa hàng tạm hết xăng nhưng vẫn mở cửa hoạt động bình thường vì còn dầu. Trong đó, một số doanh nghiệp, đặc biệt ở quận, huyện vùng ven, quy mô nhỏ nên năng lực bồn, bể chứa hạn chế, không kinh doanh theo chuỗi. Do vậy khi nguồn cung khó khăn không thể đáp ứng kịp thời.
Bao giờ hết cảnh “hết xăng”?
Đây là câu hỏi mà người dân mong muốn các ngành chức năng trả lời sớm. Bởi mỗi khi ra đường, ai cũng nơm nớp lo hết xăng mà trạm xăng lại chỉ… “còn dầu”.
Nói về giải pháp khắc phục tình trạng trạm xăng treo biển “hết xăng”, bà Kim Ngọc cho biết, Sở Công thương TP.HCM đã nhiều lần làm việc với các đơn vị đầu mối và đề nghị hệ thống có quy mô lớn, năng lực dồi dào tăng thời gian hoạt động. Sở Công thương cũng yêu cầu các đầu mối có nguồn cung lớn như Petrolimex, Saigon Petro, PVOil đảm bảo nguồn cung để phân bổ cho hệ thống bán lẻ. Đồng thời, Sở Công thương đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường, các quận, huyện kiểm tra, kiểm soát nguồn cung ứng để đảm bảo xăng dầu trong thành phố.
Tại văn bản số 7220/VPCP-KTTH ngày 27-10-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất giải pháp điều hành xăng dầu để trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp, tích cực xử lý, bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Bởi đây là vấn đề dư luận quan tâm và liên quan trực tiếp đến người dân. |
Ở cấp cao hơn, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nói về vấn đề quản lý mặt hàng xăng dầu, ông Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Bộ Công thương – khẳng định, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ngoài Bộ Công thương, hiện có 6 bộ ngành cùng quản lý. Trong đó, Bộ Công thương là cơ quan được giao nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung, tức là nguồn cung xăng dầu ra thị trường và quản lý hệ thống phân phối từ doanh nghiệp đầu mối cho tới thương nhân phân phối.
Trong hệ thống kinh doanh xăng dầu có 4 tầng lớp: Doanh nghiệp nhập khẩu (doanh nghiệp đầu mối); Thương nhân phân phối (doanh nghiệp mua xăng dầu từ đầu mối); Tổng đại lý/ Đại lý; Cửa hàng bán lẻ.
“Với cấp Tổng đại lý/Đại lý và cửa hàng bán lẻ, hiện có khoảng 17.000 cửa hàng. Đây là hệ thống do chính quyền các tỉnh, thành phố cấp phép, giám sát hoạt động. Cho nên trong việc phân phối, ngoài quản lý kiểm soát, điều tiết doanh nghiệp đầu mối thì rất cần các địa phương vào cuộc kiểm soát và quản lý, xử lý đối với hai cấp độ này. Có như vậy mới đồng bộ, hiệu quả”, ông Diên nhấn mạnh.
Về nguồn cung, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định, Việt Nam chưa bao giờ thiếu. Ngoài hàng dự trữ thương mại, năng lực sản xuất của hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn trong tháng 10 bảo đảm 80% nguồn cung trong nước với 1,3 triệu m3/tháng. Mặt khác, theo kế hoạch phân giao, 34 doanh nghiệp đầu mối phải nhập trong kỳ tháng 10 là 500 nghìn m3, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung cho đến giữa tháng 11. Sang tháng 11 tiếp tục sản xuất gối đầu và nhập khẩu.
“Nguồn cung không thiếu nhưng bán ra thị trường lại có khó khăn. Bởi nhiều doanh nghiệp đã nhập khối lượng tương đối lớn với giá cao kỳ trước, sau đó giá xăng dầu trong nước (được điều hành theo xu hướng biến động của giá thế giới) đã liên tục giảm, dẫn đến lỗ mà đã lỗ thì không dám làm. Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí, định mức chưa được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế”, ông Diên lý giải về tình trạng trạm xăng ở một số địa phương treo biển “hết xăng”.
Để khắc phục tình trạng “hết xăng” cục bộ, ông Diên cho biết, Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang có hiệu lực, nhưng vừa qua đã bộc lộ một số điểm hạn chế, Bộ Công thương đã và đang được giao nhiệm vụ nghiên cứu cùng với các bộ ngành để xem xét, đề xuất sửa đổi.
Đ.Việt – H.Anh
Bình luận (0)