Rủ nhau ngừng bán?
Theo ghi nhận của PV, ngay tại khu vực quận Hai Bà Trưng, nhiều người dân phải xếp hàng rất lâu để đợi đến lượt đổ xăng, thậm chí phải đi qua nhiều cây xăng thuộc khu vực Thanh Nhàn, Trần Khát Chân, Nguyễn Công Trứ mới đổ được xăng.
“Hai ngày cuối tuần qua, không ít người dân như tôi phải chật vật đi qua nhiều cây xăng mở cửa quanh khu vực quận Hai Bà Trưng mới đổ được xăng. Khi tôi qua cửa xăng dầu số 48 Thanh Nhàn, thì họ quây lại bằng rào sắt và treo biển “đang nhập hàng không đi qua lối này”. Đứng đợi gần 1 tiếng đồng hồ nhưng tôi không hề thấy có xe bồn nào vào tiếp xăng. Cột bơm xăng của cửa hàng cũng đang được gỡ ra để sửa dù trước đó, trong kỳ điều hành ngày 12/9 vừa qua khi tôi đến đổ xăng thì cửa hàng này cũng dỡ cả vỏ của 3 cột bơm ra để sửa chữa”, anh V.T cho biết.
Cuối tuần qua, nhiều cây xăng ở quận Hai Bà Trưng treo biển hết hàng, bán nhỏ giọt. Ảnh: Nguyễn Bằng
Tình trạng hết hàng nhưng chính nhân viên cây xăng cũng không biết bao giờ có hàng bán trở lại cũng được ghi nhận tại cửa hàng xăng dầu trên phố Trần Khát Chân của Công ty Cổ phần Xăng dầu HFC vào ngày 17/9. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại cây xăng trên phố Nguyễn Công Trứ kéo dài đến chiều ngày 18/9. Khi mở cửa trở lại, cửa hàng bán hàng cầm chừng với 1 cột bơm xăng cho khách hàng.
Trao đổi với PV, đại diện nhiều doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho biết, những người trong ngành đang tìm mọi cách để có thể bán ra ít nhất có thể khi mức lỗ của mỗi cây xăng đang ngày càng lớn và tình trạng doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối để chiết khấu rất thấp hoặc tính thêm phụ phí vận chuyển tiếp tục diễn ra ở hầu hết các tỉnh thành.
Tình trạng mệt mỏi vì thua lỗ đang khiến các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ tìm mọi cách "mách chiêu" cho nhau cùng dừng bán, lấy lý do sửa chữa, hết hàng ra sao để cơ quan chức năng không xử phạt là chủ đề được bàn tán sôi nổi ở một số diễn đàn về xăng dầu. Những câu hỏi về dự báo thị trường, về năng lực của Bộ Công Thương và vai trò điều tiết Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của Bộ Tài chính đang được đặt ra. Tại sao có sự thiếu hụt xăng dầu cũng như những bất cập trong cơ chế điều hành nhưng không được xử lý rốt ráo?
Cần sớm sửa chi phí định mức tính trong kinh doanh xăng dầu, quy định về chiết khấu… là những giải pháp được đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nêu ra để gỡ khó cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, cơ chế tính chi phí định mức với kinh doanh xăng dầu đã áp dụng từ năm 2014 đến nay là một trong những nguyên nhân khiến thị trường rơi vào tình trạng "như gà mắc tóc" kéo dài gần tháng qua. Theo đó, Bộ Công Thương đã 4 lần đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên, vấn đề này đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Cụ thể, từ tháng 2/2022, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do đã áp dụng từ năm 2014. Bên cạnh đó, cần rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp, nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu.
“Đến tháng 7, rồi tháng 8, Bộ Công Thương đã tiếp tục nêu quan điểm với Bộ Tài chính về công thức tính giá cơ sở, khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, các chi phí trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu cũng như điều chỉnh một số khoản chi phí trong giá cơ sở xăng dầu nhưng không được hồi âm”, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Tràn lan vi phạm quy định
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, điều khiến các doanh nghiệp đầu mối lớn bức xúc nhất chính là hàng loạt doanh nghiệp xăng dầu được cấp phép trong vòng 5 năm trở lại đây không có lượng nhập khẩu như hạn mức đăng ký và phân giao nhưng không hề bị cơ quan quản lý xử lý hoặc thu hồi giấy phép. Trong số 7 doanh nghiệp đầu mối bị thu hồi giấy phép vừa qua, một số doanh nghiệp tên tuổi trong ngành xăng dầu như Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh; Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV; Công ty Cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm, Xuyên Việt Oil…có rất nhiều vi phạm kéo dài mà không được phát hiện hoặc bị xử lý.
Bản thân Bộ Công Thương trong một báo cáo gần đây cũng thừa nhận việc duy trì liên tục số lượng hàng dự trữ lưu thông theo đúng mức 20 ngày tiêu thụ bình quân của năm liền kề trước đó, có những thời điểm không đạt. Dù thừa nhận có tình trạng trên nhưng cũng không ai thuộc chính cơ quan quản lý này bị xử lý hay bị kỷ luật vì chưa hoàn thành nhiệm vụ giám sát, điều hành được giao của mình.
Điển hình trong số các doanh nghiệp có vi phạm về nhập khẩu như Công ty TNHH thương mại và du lịch Xuyên Việt Oil (Người đại diện theo pháp luật là bà Mai Thị Hồng Hạnh) trong 3 tháng đầu năm 2022 được phân giao nhập khẩu là 30.000 m3 xăng; 400.000 m3/tấn dầu nhưng chỉ nhập khẩu thực tế 26.950m3 xăng và 282.320 m3/tấn dầu, thấp hơn nhiều so với hạn mức nhập khẩu tối thiểu được phân giao. Cùng với đó, Công ty Xuyên Việt Oil chỉ đáp ứng dự trữ 1 ngày với xăng và không có dự trữ với dầu. Còn Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh nổi tiếng là doanh nghiệp xăng dầu lớn tại Đà Nẵng, tổng khối lượng thực tế nhập khẩu cả xăng và dầu đều bằng 0, trong khi hạn mức nhập khẩu tối thiểu được phân giao là 6.000m3/tấn với xăng dầu các loại.
Tình trạng nhập khẩu không đủ hạn mức phân giao, thậm chí không nhập khẩu mà vẫn bình yên vô sự cũng thường xuyên xảy ra với một loạt doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu; Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường An; Công ty Cổ phần Xăng dầu Tân Nhật Minh, Công ty TNHH Hà Anh…ở những năm trước. Còn lượng dự trữ xăng dầu bắt buộc thực tế tại một số doanh nghiệp qua kiểm tra chỉ đạt được vài ngày nhưng rốt cuộc cũng không ai bị xử lý hay bị rút giấy phép. |
Bình luận (0)