Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thi trượt không hẳn là thất bại

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 vừa kết thúc. Ngày hôm qua, một số trường đã rục rịch công bố điểm thi. Hàng triệu sĩ tử sau khi vừa trải qua một kỳ thi cam go, lại trải qua những ngày căng thẳng chờ đợi kết quả, hàng triệu gia đình sống trong sự phấp phỏng với nỗi lo đỗ – trượt.

Thí sinh trong phòng thi – Nguồn: Internet
Với sự khắc nghiệt của kỳ tuyển sinh, ai cũng có thể hiểu rằng số người đủ điểm ghi danh trên “bảng vàng” quá ít so với số thí sinh. Nhưng điều đó cũng không làm giảm áp lực đối với các sĩ tử khi ai cũng khát khao đỗ đạt. Thực tế đó khiến cú sốc thi trượt đại học đôi khi quá lớn đối với những cô cậu học trò vừa mới tròn 18 tuổi.
Khi xã hội vẫn chưa phân biệt rạch ròi chuyện học kiến thức với tấm bằng, thì khi đó bằng ĐH vẫn được coi là chứng chỉ vào đời và nỗi khiếp sợ thi trượt vẫn ám ảnh người trong cuộc. Trong hoàn cảnh ấy, người ta khó có thể học một cách vô tư, say mê lĩnh hội kiến thức, mà học chủ yếu là để thi đỗ. Như GS Ngô Bảo Châu đã từng nói về “căn bệnh” này lúc trở về nước sau khi nhận giải thưởng Fields: “Trong hầu hết các gia đình Việt Nam, việc học hành vẫn được coi là quan trọng nhất, nhưng tình yêu khoa học, yêu tri thức, theo ý kiến chủ quan của tôi vẫn là chuyện hiếm hoi”.
Đến hẹn lại lên, chỉ vài ngày nữa thôi, các trường ĐH sẽ công bố hết điểm thi. Nỗi ám ảnh lại trở về, không chỉ với gần 1 triệu người sẽ mang tiếng “thi trượt”, kéo theo đó là nỗi thất vọng bao trùm đến hàng triệu gia đình, với mấy triệu con người. Điều cần lúc này là, đừng để sĩ tử phải một mình đối mặt với cú sốc, sự bế tắc có thể khiến bi kịch không đáng có xảy ra. Cả xã hội, gia đình và bạn bè cần ở bên các em, giúp các em lấy lại thăng bằng để vượt qua thời điểm khó khăn. Và các sĩ tử, đừng bao giờ đánh cược cuộc đời mình vào một kỳ thi, đường đời còn rất dài, nhiều cơ hội đang ở phía trước. Đến khi đã trưởng thành rồi, biết đâu một ngày nhớ lại chuyện cũ, chúng ta lại nghĩ: “Trượt ĐH chưa hẳn đã là một thất bại”.
Theo Nguyễn Gia
(TT&VH)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)