Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ về “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020” vừa ban hành đã nêu rõ: Thực hiện chế độ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh; thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý từ cấp vụ trưởng và tương đương (ở trung ương), giám đốc sở và tương đương (ở địa phương) trở xuống. Việc đổi mới phương thức tuyển chọn và bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cạnh tranh để nâng chất lượng
Thực trạng ở nước ta, công tác quản lý, tuyển dụng, thi nâng ngạch, đánh giá, luân chuyển, đề bạt cán bộ, công chức… còn chậm thay đổi. Các phương pháp khoa học trong đánh giá kết quả công tác của từng cán bộ, công chức chậm được áp dụng để thay thế phương pháp đánh giá dựa vào cảm tính, định tính thiếu lượng hóa khoa học…
Đúng là đòi hỏi của cuộc sống, đòi hỏi của người dân được cung cấp những dịch vụ hành chính có chất lượng cao bắt buộc cơ quan công quyền phải có những đột phá để cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Đối với cán bộ công chức nói chung, vừa qua trong chừng mực nào đó đã tiến hành nghiêm túc việc thi tuyển cạnh tranh và đã bắt đầu áp dụng quy định về công chức dự bị. Hy vọng qua một thời gian cùng với nhiều biện pháp hữu hiệu, tích cực, đội ngũ cán bộ công chức sẽ được nâng chất.
Còn đối với công chức lãnh đạo các cấp thì sao, trong khi lãnh đạo có vai trò quyết định về chất lượng dịch vụ hành chính? Có một nguyên tắc: muốn có chất lượng dịch vụ cao vừa lòng khách hàng (người dân) thì phải thông qua cơ chế cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ. Đối với việc cung cấp dịch vụ hành chính công cũng vậy. Nhưng loại dịch vụ này chỉ duy nhất cơ quan công quyền cung cấp! Vậy thì nguyên tắc cạnh tranh ở đây thực hiện như thế nào? Chỉ có cách tuyển chọn công chức ngồi ở vị trí cung cấp dịch vụ theo cơ chế cạnh tranh. Vị trí có lẽ quan trọng nhất không ai khác là chức danh trưởng, phó phòng. Phòng, ban hơn ai hết là nơi tiếp xúc giải quyết trực tiếp công việc của công dân, vai trò trách nhiệm người đứng đầu ở đây rất quan trọng, có tính chất quyết định.
Khó khăn và giải pháp
Có lẽ khó khăn lớn làm chùn bước những người quyết định là qua thi cử cạnh tranh, nếu những cá nhân ngoài diện quy hoạch trúng tuyển thì xử lý như thế nào?
Việc đột phá thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo chỉ như viên gạch nhỏ trên con đường làm trong sạch, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Nhưng rõ ràng là phải bắt đầu từ việc đặt những viên gạch, nếu không sẽ chẳng có con đường nào thành hình! Giải pháp có thể dễ chấp nhận nhất là cứ xem các ứng viên dự thi nằm trong diện quy hoạch động, quy hoạch mở của một chức danh nào đó. Ngoài ra có thể áp dụng bước một là sơ tuyển, xét tuyển những người đủ các yếu tố, tố chất cần thiết trước khi thi tuyển.
Về cách tổ chức thi, chúng ta tổ chức thi không nhằm chọn người giỏi lý thuyết về hành chính để làm công tác giảng dạy, nghiên cứu mà chọn được người có kỹ năng điều hành. Vì không nhằm mục đích chọn người chỉ giỏi lý thuyết nên có thể lấy danh sách 5 người có điểm thi cao nhất để họ trình bày trước tập thể về kế hoạch hành động, chương trình cải tiến hoạt động của đơn vị mình dự kiến sẽ phụ trách. Tiếp đến đơn vị sẽ lấy phiếu tín nhiệm để tuyển 3 ứng viên được tín nhiệm cao hơn. Sau đấy cấp có thẩm quyền chọn 1 trong 3 ứng viên để bổ nhiệm. Làm như vậy sẽ kết hợp hài hòa giữa thi, tuyển và chọn. Trường hợp đối với chức danh yêu cầu nhất thiết phải là cấp ủy thì tổ chức thi trước đại hội. 5 người có điểm cao sẽ được lấy phiếu tín nhiệm của đơn vị và 3 người được tín nhiệm cao sẽ đưa vào danh sách ứng cử viên để đại hội bầu cấp ủy. Cách làm này, với quan điểm không cầu toàn, hy vọng đưa công việc thi tuyển chức danh lãnh đạo không rơi vào hình thức, trở nên khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Những tín hiệu đáng mừng
Ai cũng có quyền mưu cầu thăng tiến và cống hiến, mọi người đều bình đẳng bước qua ngưỡng cửa công quyền, tham gia vào bộ máy hành chính để phục vụ nhân dân. Tín hiệu đáng mừng này đã có từ lâu ở một số địa phương. Từ năm 2006 đến nay, Đà Nẵng đã triển khai thí điểm thi tuyển cạnh tranh chức danh lãnh đạo trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và được đánh giá là địa phương có những bước đột phá trong việc làm chuyển biến mạnh mẽ quy trình tuyển chọn chức danh lãnh đạo cho nền hành chính công.
UBND thành phố Đà Nẵng tiếp đoàn UBND tỉnh Kiên Giang học hỏi kinh nghiệm tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo. Ảnh: TƯ LIỆU. |
Những địa phương khác như Long An, Đồng Tháp, Quảng Ninh… đã bắt đầu thi tuyển cạnh tranh chức danh phó giám đốc sở. Ở cấp Trung ương, Bộ GT-VT thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ có 4 ứng viên dự thi, tiếp đến 7 ứng viên thi vào “ghế” Vụ trưởng An toàn giao thông. Sắp tới, bộ này tiếp tục thi tuyển 6 chức danh cấp trưởng, trong đó có cả “ghế nóng” Chủ tịch Vinalines.
Đây là tín hiệu đáng mừng, được ví như những cánh én báo hiệu mùa xuân. Hy vọng rằng, khi áp dụng đại trà thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo, chúng ta sẽ giải quyết được vấn nạn chạy chức, bằng giả và tìm được người có năng lực đích thực.
DIỆP VĂN SƠN
(SGGP)
Bình luận (0)